Mong và tin…
Cuối tháng trước, chính xác là hôm 29.7, đại diện các địa phương và ngành giáo dục cả nước đã tham dự hội nghị Tổng kết năm học 2013-2014 và triển khai nhiệm vụ năm học 2014-2015 được tổ chức tại Hà Nội. Đây là hội nghị chuyên ngành nhưng được dư luận xã hội chăm chú theo dõi. Cũng dễ hiểu bởi vì nó không chỉ là câu chuyện dạy dỗ, học tập, thi cử… đã là mối quan tâm của mọi người, mọi nhà mà còn có mối liên hệ mật thiết đến sự phát triển của quốc gia.
Từ xưa đến nay nước ta có truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa. Vì thế, chuyện học hành thi cử không chỉ là chuyện của người dạy, người học mà cũng là chuyện đại sự của mỗi gia đình, họ tộc. Trong nhiều năm qua ngành giáo dục nước nhà cứ mãi loay hoay cải tiến, đổi mới đủ thứ “hầm bà lằng” nhưng vẫn “rối tinh rối mù” chưa đâu vào đâu, gây không ít âu lo cho xã hội. Không nói đâu xa, ngay trong năm học vừa qua việc chuyển thi tốt nghiệp từ 6 môn bắt buộc qua 4 môn có môn tự chọn, tưởng hay nhưng rồi cũng nảy sinh ra đủ thứ mà các nhà quản lý không dự lường được; rồi thi tuyển đại học, cao đẳng cũng có vài đổi mới nhưng cũng lại vẫn cứ… nửa vời, chưa thấy “đỡ” hơn trước được bao nhiêu (!).
Tại hội nghị vừa rồi hàng loạt vấn đề cũng đã được nêu ra nhưng cụ thể thế nào cũng còn phải chờ chứ chưa “quyết” được. Tuy nhiên, qua bài phát biểu tại hội nghị của Phó Thủ tướng Nguyễn Đức Đam, chúng ta có thể cảm nhận được một số định hướng mang tính dài hạn sẽ được triển khai thực hiện trong thời gian tới. Trước hết, là việc học và thi ngoại ngữ ở bậc học phổ thông sẽ được thực hiện bài bản, khoa học và phù hợp hơn nhằm đào tạo ra những “công dân toàn cầu” đáp ứng được xu thế hội nhập của đất nước với thế giới. Thứ nữa là việc thi cử sẽ được tính toán và tổ chức khoa học, nghiêm túc theo phương châm cần thì làm, không cần thì thôi, chấm dứt việc tổ chức “thi cho có” để đảm bảo chất lượng tuyển lựa, sàng lọc theo mục tiêu. Một cái quan trọng nữa là xây dựng chương trình, sách giáo khoa theo hướng tiên tiến, hiện đại có tính dài hạn chứ không “xoay mòng mòng” như lâu nay. Một vấn đề khác cũng cực kì quan trọng là nâng cao chất lượng giáo dục đại học cũng nêu ra định hướng mới mẻ hơn là “mở đầu vào, siết đầu ra” theo thông lệ của quốc tế…
Chúng ta hi vọng và tin rằng nếu được điều chỉnh, xây dựng lại một cách căn cơ, có các định hướng lâu dài và sớm “hiện thực hóa” trong đời sống, thì sự nghiệp giáo dục của nước nhà sẽ có sự khởi sắc, đem lại kết quả tốt hơn cho mọi người. Và như thế, nền giáo dục của chúng ta sẽ thực hiện tốt hơn sứ mệnh của mình là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ cho nhu cầu phát triển của đất nước. Một nền giáo dục như thế chắc chắn sẽ đem lại sự an tâm, tin tưởng cho mỗi người, mỗi nhà và toàn xã hội.
H.Đ