Các chuyên gia kỳ vọng gì khi NATO đẩy mạnh hợp tác ở châu Á - Thái Bình Dương?
Từ ngày 11 - 12.7, tại thủ đô Vilnius (Litva), sẽ diễn ra Hội nghị thượng đỉnh NATO. Hội nghị lần này được tổ chức vào thời khắc cực kỳ quan trọng với NATO và an ninh châu Âu.
Tại sự kiện này cách đây 1 năm ở Madrid (Tây Ban Nha), lãnh đạo các nước thành viên NATO đã nhất trí về một khái niệm mang tính chiến lược mới. Năm nay, ngoài vấn đề chính là Ukraine, chương trình nghị sự của NATO cũng sẽ tập trung vào việc làm thế nào để tiếp tục củng cố sức mạnh của liên minh này, trong đó bao gồm cả giải pháp đẩy mạnh hợp tác với Liên minh châu Âu và các đối tác ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, gồm: Úc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.
Theo các nhà phân tích, nỗ lực của NATO trong việc tăng cường hợp tác ở khu vực này được các lãnh đạo châu Á hoan nghênh “một cách kín đáo”, trong bối cảnh Trung Quốc đang thắt chặt quan hệ an ninh và quân sự với Nga. Tháng trước, NATO tuyên bố sẽ nâng cấp quan hệ với Úc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc thông qua Chương trình Hợp tác đáp ứng nhu cầu riêng (ITPP). NATO gọi 4 quốc gia này là “các đối tác khắp toàn cầu” hay đối tác châu Á - Thái Bình Dương (AP4).
ẢNH: AFP
Theo GS Stephen Nagy (ĐH Quốc tế Tokyo), việc hợp tác này sẽ tạo ra ổn định cho khu vực, nhờ hoạt động chia sẻ thông tin, giáo dục và các chiến lược đối phó các vụ tấn công mạng, tin giả và những thách thức của công nghệ mới.
Blake Herzinger, nghiên cứu sinh về chính sách đối ngoại và quốc phòng tại Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ ở Úc, cho rằng các đối tác AP4 sẽ tiếp tục phối hợp với NATO để giải quyết các thách thức xuyên quốc gia, như an ninh hạt nhân và các mối đe dọa đến trật tự thế giới.
Còn theo chuyên gia về quan hệ quốc tế, ông Jae-Jeok Park (ĐH Yonsei, Hàn Quốc), ITPP giữa NATO và Hàn Quốc có thể bao gồm hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và các hoạt động gìn giữ hòa bình.
Đối với Nhật Bản, theo Celine Pajon, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về Nhật Bản tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á (Viện Quan hệ Quốc tế Pháp), Tokyo mong chương trình hợp tác với NATO sẽ hỗ trợ nước này trong việc chia sẻ thông tin, nâng cao sức chống chịu trước các nguy cơ, đồng thời đối phó với những thách thức trên không gian mạng và hàng hải. “Kết nối với nhiều đối tác khác nhau cũng giúp Nhật Bản tránh lâm vào thế bấp bênh giữa Mỹ và Trung Quốc,” chuyên gia này nhận định. “Kinh nghiệm của NATO cũng rất hữu ích với các đối tác ở châu Á”.
Hiện bên trong liên minh này vẫn tồn tại những góc nhìn và quan điểm khác nhau về quan hệ NATO - AP4. Tranh cãi xung quanh kế hoạch thành lập văn phòng liên lạc của NATO tại Nhật Bản là minh chứng cho những lập trường khác biệt này. Bên cạnh đó, cũng còn những nghi ngại mang tính pháp lý về mức độ đóng góp của NATO cho an ninh ở khu vực này, vì một số thành viên NATO cho rằng, khối này phải ưu tiên cho an ninh và phòng thủ ở châu Âu. Do vậy, Hội nghị thượng đỉnh NATO trong tuần tới sẽ là 1 dịp quan trọng để thảo luận về việc nhất quán trong tầm nhìn chiến lược mới của liên minh này.
LÊ QUẢNG (theo EPC, SCMP)