Phần mềm quản lý thiên tai tỉnh Bình Định: Dự lường các kịch bản chủ động ứng phó với thiên tai
Theo kế hoạch, từ tháng 9.2023, UBND tỉnh sẽ chính thức đưa phần mềm Quản lý thiên tai vào sử dụng. Theo đó, nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai đồng bộ từ cấp tỉnh tới cơ sở, từ đầu tháng 7, Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT) phối hợp với các đơn vị liên quan, các địa phương tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật vận hành, sử dụng phần mềm.
Theo Chi cục Thủy lợi, phần mềm Quản lý thiên tai tỉnh Bình Định xây dựng dựa trên việc khảo sát, thu thập thông tin từ hơn 405 nghìn hộ gia đình làm dữ liệu nền cho công tác phòng, chống thiên tai (PCTT). Trên cơ sở này, ngành chức năng xây dựng phần mềm theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) phù hợp với đặc điểm, hoàn cảnh, nguồn lực của từng địa phương, ban, ngành.
Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT) phối hợp với các đơn vị liên quan tập huấn kỹ thuật về tiếp cận, khai thác dữ liệu phục vụ công tác ứng phó với thiên tai. Ảnh: Chi cục Thủy lợi
Phần mềm xây dựng và tích hợp các nội dung ứng phó thiên tai trong giai đoạn đầu với 4 kịch bản bão, 3 kịch bản lũ theo cấp độ rủi ro thiên tai, với 13 chức năng chính. Ở từng kịch bản xảy ra thiên tai, các thông tin được đưa ra để thực hiện: Sự ảnh hưởng của thiên tai tới các hộ dân, phương án di dời dân tới các vùng đã được lên kế hoạch; lương thực - thực phẩm cho người dân các vùng sơ tán, các vùng ngập lụt nhiều ngày, vùng dễ cô lập; bố trí lực lượng ứng trực, phương tiện…
Ví dụ, khi có thông tin cảnh báo về một đợt bão có khả năng ảnh hưởng vào khu vực đất liền của tỉnh Bình Định, lập tức phần mềm sẽ trích xuất toàn bộ các dữ liệu minh họa cho một kịch bản ứng phó với thiên tai theo cấp độ với một số dữ liệu minh họa: vùng ảnh hưởng của bão và hoàn lưu sau bão ở các địa phương ven biển kéo dài khoảng 3 - 5 ngày với 144 xã, phường, thị trấn bị ảnh hưởng; 26 phường, xã có nguy cơ bị ảnh hưởng do nước biển dâng cao; số lượng người dân phải di dời; số lượng lương thực, nhu yếu phẩm cần chuẩn bị, trang thiết bị, vật tư…
Trên cơ sở này, cán bộ cơ sở cập nhật thông tin hiện có về khả năng chuẩn bị của địa phương tới thời điểm hiện tại là có bao nhiêu hộ dân sẽ di dời; bao nhiêu phương tiện, vật tư đang có, bao nhiêu lương thực, thực phẩm… số liệu thực tế đã chuẩn bị ở địa phương được đối chiếu với số liệu của phần mềm, từ đó chỉ ra được những phần cần bổ sung trong công tác ứng phó thiên tai. Các số liệu này truyền về hệ thống máy chủ của Ban chỉ huy PCTT-TKCN & PTDS tỉnh Bình Định, căn cứ vào cảnh báo đó, Ban chỉ huy điều phối nhân lực, vật lực, trang thiết bị phù hợp, đảm bảo tối đa an toàn cho người và tài sản, giảm thiệt hại do thiếu thông tin.
Theo ông Lê Xuân Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, với sự hỗ trợ của phần mềm Quản lý thiên tai, công tác dự báo, điều hành, chỉ đạo đi trước một bước giúp cho các địa phương ứng phó sớm, người dân chủ động sớm trong việc di dời. Trong thiên tai, thông tin được chuyển tải sớm 1 giờ là thiệt hại kéo giảm nhiều lần, thông tin càng chính xác, càng giúp việc phòng ngừa đạt hiệu quả cao hơn. Để đưa phần mềm này khi sử dụng phát huy tối đa hiệu quả, hiện Chi cục Thủy lợi tiếp tục phối hợp với đơn vị cung cấp phần mềm hướng dẫn các cán bộ phụ trách lĩnh vực PCTT ở các địa phương tiếp cận và sử dụng thành thạo các chức năng để triển khai thực hiện ngay trong mùa mưa bão sắp tới.
Tháng 4.2023, UBND tỉnh ban hành kế hoạch sử dụng phần mềm Quản lý thiên tai tỉnh Bình Định. Theo kế hoạch, tháng 6.2023 - cập nhật dữ liệu công tác chuẩn bị theo phương châm 4 tại chỗ trong PCTT trên phần mềm; tháng 7.2023, hoàn thiện các chức năng và tập huấn cách thức vận hành cho đội ngũ cán bộ làm công tác PCTT ở các địa phương, đơn vị, sở ngành; tháng 8.2023, diễn tập vận hành thử phần mềm; tháng 9, đưa phần mềm vào hoạt động ở 11 UBND huyện, thị xã, thành phố và 159 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh; tháng 9, ban hành quy định quản lý, sử dụng, bảo trì, nâng cấp phần mềm.
Đầu tháng 7.2023, Chi cục Thủy lợi tổ chức tập huấn cách thức sử dụng phần mềm cho 340 cán bộ, công chức của 11 huyện, thị xã, thành phố và 159 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.
Trước 31.8, các địa phương phải cập nhật đầy đủ số liệu mới nhất để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó sát với thực tế đến mức cao nhất.
THU DỊU