Nâng cao chất lượng truyền thông dân số: Truyền thông rộng rãi, tiếp cận phù hợp
Hoạt động truyền thông đóng vai trò quan trọng trong công tác nâng cao chất lượng dân số. Từ đầu năm 2023 đến nay, để hoạt động truyền thông tiếp cận chính xác đến từng nhóm đối tượng phù hợp, Chi cục DS-KHHGÐ liên tục phối hợp với phòng DS-KHHGÐ các địa phương, các hội, đoàn thể tổ chức nhiều lớp truyền thông, tập huấn cho phụ nữ, đoàn viên thanh niên, người cao tuổi... về các hoạt động chăm sóc sức khỏe theo từng nhóm.
Buổi truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên ở Trạm Y tế xã Phước An, huyện Tuy Phước do TTYT huyện phối hợp Đoàn thanh niên xã tổ chức vào ngày 7.7 thu hút đông đảo vị thành niên trên địa bàn xã tham gia. Chị Phạm Nguyễn Bích Trâm, Phó Bí thư Đoàn xã Phước An, chia sẻ: Đoàn xã đưa việc tuyên truyền công tác chăm sóc sức khỏe vị thành niên vào chương trình trọng tâm nhằm tuyên truyền cho các em, đặc biệt là trong dịp hè để nâng cao hiểu biết, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra. Trong các buổi sinh hoạt, chúng tôi kết hợp với CLB Tiền hôn nhân tổ chức sinh hoạt, qua đó phổ biến kiến thức cơ bản để các em hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Một buổi truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên tại xã Phước An, huyện Tuy Phước. Ảnh: Đ. THẢO
Giữ vai trò là người kết nối, dẫn chuyện tại buổi tuyên truyền, bà Nguyễn Thị Thùy Ngân, Trưởng Phòng Dân số (TTYT huyện Tuy Phước) cho biết: Lứa tuổi vị thành niên có nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Các em cần được quan tâm chu đáo từ nhà trường, gia đình, xã hội, trong đó việc chăm sóc sức khỏe sinh sản rất quan trọng. Hiện nay, lứa tuổi này đang đối diện với một số vấn đề như: Quan hệ tình dục sớm, không an toàn có nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn... Các vấn đề này bắt nguồn từ việc các em thiếu kiến thức về giới tính, thiếu kỹ năng sống cần thiết để tự bảo vệ. Mục tiêu của hoạt động truyền thông là giúp các em có đủ hiểu biết để tự chăm sóc sức khỏe và bảo vệ bản thân.
Tham gia buổi truyền thông tại Trạm Y tế xã Phước An, em Đỗ Lê Diễm Quỳnh (17 tuổi, ở xã Phước An) cho biết: Vấn đề này, chúng em đã được nghe ở trường học, cộng thêm nhiều thông tin tại buổi truyền thông, em tiếp thu nhanh hơn, hiểu hơn những thay đổi tâm sinh lý của bản thân cũng như của bạn bè trang lứa.
Trong công tác truyền thông dân số, cán bộ y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng, đây chính là lực lượng gần dân, nắm bắt nhanh nhất các vấn đề xảy ra tại địa phương. Do vậy, Chi cục DS-KHHGĐ tập trung nâng cao năng lực đội ngũ này và phân bổ kinh phí phù hợp để các địa phương thuận lợi trong việc tổ chức rộng rãi các buổi truyền thông.
Bà Trần Thị Lệ Kiều, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, cho biết: Trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương, Chi cục đã có văn bản hướng dẫn thực hiện công tác truyền thông dân số năm 2023. Theo đó, các TTYT đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các trạm y tế, đơn vị liên quan triển khai công tác truyền thông dân số tại địa phương.
Theo báo cáo của Chi cục DS-KHHGĐ, 6 tháng đầu năm, Chi cục phối hợp các địa phương và các hội, đoàn thể tổ chức hiệu quả các hoạt động truyền thông. Trong đó, hoạt động truyền thông vận động tiếp cận hơn 1.700 người; truyền thông trên các trang mạng xã hội (4 clip); truyền thông phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, hội tại địa phương (73 cuộc/gần 4.300 lượt người dự); truyền thông thường xuyên về DS-KHHGĐ tại cơ sở (tư vấn tại hộ gia đình tiếp cận 1.255 lượt người, truyền thông, tư vấn tại các trạm y tế tiếp cận 1.937 lượt người)...
ÐỖ THẢO