Những “linh hồn” của làng - Kỳ 1
LTS: Bằng uy tín, sự gương mẫu, tinh thần trách nhiệm, những già làng, người có uy tín đã dẫn dắt người dân vùng dân tộc thiểu số từng bước vượt qua khó khăn, dựng xây cuộc sống mới. Báo Bình Ðịnh giới thiệu với bạn đọc một số gương mặt điển hình qua chuyên đề “Những “linh hồn” của làng.
Kỳ 1: Hạt nhân đoàn kết
Không kể sớm tối, trên những nẻo đường xa xôi của các thôn làng, các già làng, người có uy tín luôn kiên trì vận động, sâu sát, kết nối đến từng hộ dân. Trách nhiệm, tận tụy với công việc, họ trở thành những hạt nhân đoàn kết trong cộng đồng.
Nghe dân nói, nói dân tin
Ở làng Canh Lãnh (xã Canh Hòa, huyện Vân Canh), ông Sô Y Tuấn (dân tộc Bana) là người có uy tín, gương mẫu, tích cực trong việc làng nên được bà con tin tưởng, quý mến. Trước đây, giai đoạn 1982 - 1989, ông Tuấn làm công tác tuyên giáo tại Huyện ủy Vân Canh. Sau đó, giai đoạn 1989 - 2021, ông làm việc tại Viện KSND huyện Vân Canh. Đến năm 2021, ông nhận chế độ nghỉ hưu; kể từ đó, ông được bà con trong làng tin tưởng bầu làm người có uy tín.
Làng Canh Lãnh có đông người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, đời sống còn nhiều khó khăn, trình độ nhận thức chưa đồng đều. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn làng Canh Lãnh xảy ra 5 vụ tranh chấp về đất đai, hôn nhân gia đình, tảo hôn; cùng một số vụ việc liên quan đến mâu thuẫn giữa các hộ dân trong cuộc sống hằng ngày.
Ông Sô Y Tuấn thường xuyên đến nhà dân nắm bắt tình hình.
Với vai trò là “cầu nối” , để làm tốt công tác vận động, hòa giải tại cơ sở, ông Sô Y Tuấn thường xuyên phối hợp với cán bộ của làng, xã tuyên truyền cho bà con về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là giúp cho bà con hiểu và phân biệt được thế nào là đúng, là sai; đứng ra khuyên can, giảng giải để người dân hiểu, nhận thức được việc làm, hành vi của mình, giúp các hộ sống đoàn kết và hòa thuận hơn.
Sự vào cuộc của ông Sô Y Tuấn đã góp phần hòa giải thành công nhiều vụ mâu thuẫn ở làng Canh Lãnh. Điển hình nhất là vụ ông Đ.V.C. và ông Đ.V.T. tranh chấp một mảnh đất trồng cây. Nguyên nhân là trước đây, ông T. có dọn dẹp cây cối và trồng cây trên mảnh đất. Khi phát hiện sự việc, ông C. tự nhận mảnh đất là của mình và yêu cầu ông T. không được trồng cây, trả lại đất cho mình.
Ông T. hứa sau khi cây phát triển, thu hoạch sẽ trả lại đất cho ông C.; song, ông T. lại đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mảnh đất và đứng tên mình. Khi ông C. biết chuyện liền phản ứng với cách làm của ông T.. Từ đó, phát sinh mâu thuẫn, kình cãi nhau trong nhiều năm liền giữa hai gia đình, gây mất đoàn kết nội bộ trong làng.
Trước tình hình đó, ông Sô Y Tuấn đã phối hợp cùng chính quyền địa phương và tổ hòa giải cơ sở mời hai gia đình ông C. và T. đến nhà rông của làng để khuyên răn, hòa giải. Ông Tuấn và các cán bộ trong tổ hòa giải phân tích những điều đúng, sai trong sự việc; dẫn ra các điều, khoản của Luật Đất đai. Sau đó, hai người đứng ra xin lỗi nhau trước sự chứng kiến của người dân. Từ đó, mâu thuẫn giữa hai gia đình này được hóa giải, tình làng nghĩa xóm trở lại gắn bó, khăng khít hơn.
Ông Sô Y Tuấn chia sẻ: “Để làm tốt công tác vận động, hòa giải, trước hết mình phải gần gũi và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con để động viên, giúp đỡ. Đối với những trường hợp mâu thuẫn kéo dài, mình phải đi nhiều lần, kiên trì, khéo léo nắm bắt tâm lý, chia sẻ, tạo sự tin tưởng thì bà con mới nghe và làm theo”.
Sự vào cuộc tích cực của đội ngũ các già làng, người có uy tín góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH ở vùng đồng bào DTTS.
- Trong ảnh: Khu tái định cư của người dân xã An Dũng, huyện An Lão. Ảnh: DŨNG NHÂN
Sạch nhà, đẹp làng
Ở làng 6 (xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh), ông Đinh Phik là người uy tín tiêu biểu được bà con dân làng quý mến. Không chỉ có uy tín trong việc tuyên truyền bà con thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, ông Đinh Phik còn là người đi đầu trong việc vận động dân làng xây dựng không gian xanh, sạch, đẹp.
Toàn tỉnh hiện có 121 người có uy tín trong đồng bào DTTS. Trong đó, huyện Vân Canh có 28 người, huyện Vĩnh Thạnh 31 người, huyện An Lão 40 người, huyện Hoài Ân 13 người, huyện Tây Sơn 7 người và huyện Phù Cát 2 người.
“Ngay từ ban đầu, chúng tôi đi từng nhà vận động bà con nghiêm túc thực hiện. Ai vi phạm không bỏ rác vào thùng đựng rác sẽ bị nhắc nhở và kiểm điểm nêu trước làng. Bởi vậy mà người dân nghiêm túc chấp hành quy định bảo vệ môi trường”, ông Đinh Phik kể.
Nhờ sự tích cực tuyên truyền, vận động của ông Đinh Phik về xây dựng mô hình điểm “Khu dân cư bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, người dân đã có ý thức trong việc cùng chung tay dọn dẹp, giữ gìn, bảo vệ môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp. Ông Đinh Văn Thôn (ở làng 6) bày tỏ: “Làng bây giờ sạch sẽ từ đường vào đến nhà. Dọc theo các tuyến đường bê tông trong làng còn được trồng hoa giấy bốn mùa nở hoa; rác thải được tập trung vào các thùng rác công cộng… Công đầu chính là nhờ sự tuyên truyền, vận động của già làng Đinh Phik đấy!”.
Ông Đinh Bơ - Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Mặt trận làng 6, nhấn mạnh: Từ sự gương mẫu đi trước của ông Đinh Phik, từ nhiều năm nay, người dân ở địa phương đã quen dần với nếp sống văn minh, xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp; đặc biệt là không còn nạn vứt rác, xác gia súc, gia cầm ra môi trường.
“Giữ hồn” cho làng
Bao năm qua, nghệ nhân ưu tú Lê Văn Ru (người Chăm H’roi, ở khu phố Hiệp Hội, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh) đã âm thầm truyền dạy cho những người trẻ trong khu phố tất cả những gì mà mình biết, chỉ với một tâm nguyện: “Văn hóa tốt đẹp của dân tộc Chăm H’roi sẽ mãi mãi được trường tồn”.
Già Ru học cách đánh trống kơ-toang từ lúc còn bé, sau khi được nghe tiếng trống tại các lễ hội mừng lúa mới, lễ cưới, hội diễn văn nghệ. “Trống kơ-toang còn được gọi là trống xe duyên, trống gọi bạn. Bởi lẽ, chính tiếng trống đã thay lời bao thế hệ trai làng bày tỏ tình cảm với cô gái mà họ thầm thương trộm nhớ; cũng như khát vọng và kết nối cả cộng đồng, kết nối quá khứ với tương lai”, già Ru bày tỏ.
Nghệ nhân ưu tú Lê Văn Ru cả đời tâm huyết với văn hóa cổ truyền.
Ngoài chơi trống kơ-toang, ông Ru còn chơi được các nhạc cụ khác, như: Đàn goong, cồng chiêng, đàn k’ny. Ông cũng tự mình sáng tác hàng chục làn điệu dân ca, dân ca cổ, múa dân vũ của đồng bào Chăm H’roi. Để văn hóa truyền thống dân tộc không bị mai một, ông không quản ngại khó khăn, ngày ngày vận động, tập hợp, rồi cần mẫn truyền dạy cho lớp con cháu.
Từ 1 - 2 người ban đầu, đến thời điểm này, nhiều thanh thiếu niên ở Vân Canh và một số địa phương khác thích theo người nghệ nhân già học đánh chiêng, vỗ trống, chơi k’ny, goong và múa, hát những làn điệu dân ca của dân tộc Chăm H’roi.
“Tôi chỉ mong thanh niên vẫn giữ được niềm đam mê chơi các nhạc cụ truyền thống của đồng bào Chăm H’roi, những người già như tôi qua đời thì tiếng chiêng, tiếng trống của người Chăm H’roi sẽ mãi mãi được vang vọng trong các lễ hội, chương trình văn nghệ của khu phố, huyện và tỉnh”, già Ru bày tỏ.
NGUYỄN HÂN - CHƯƠNG HIẾU
Kỳ cuối: Để nhà ấm no, làng khởi sắc