Những “linh hồn” của làng - Kỳ cuối: Để nhà ấm no, làng khởi sắc
Người có uy tín, già làng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là lực lượng nòng cốt trong việc vận động, “cầm tay chỉ việc” giúp người dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Từ đó, giúp bà con thoát nghèo, mang luồng gió mới đến từng cộng đồng người dân tộc thiểu số.
Không ngừng gắng sức
Đến làng Thạnh Quang, xã Vĩnh Hiệp (huyện Vĩnh Thạnh), chúng tôi được bà con nhắc nhiều đến ông Đinh Grêh (SN 1952, dân tộc Bana) là người có uy tín, tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, giảm nghèo ở địa phương.
Với đặc thù là làng tái định cư của người dân vùng lòng hồ Định Bình, đời sống của người dân Thạnh Quang trước đây rất khó khăn, thu nhập chủ yếu dựa vào nương rẫy. Do tập quán canh tác lạc hậu nên năng suất lúa và các loại cây trồng đạt thấp, nhiều gia đình thiếu đói. Già làng Đinh Grêh đã cùng cấp ủy, ban nhân dân thôn kiên trì vận động người dân đẩy mạnh sản xuất để từng bước ổn định đời sống.
Già làng Đinh Grêh chia sẻ: “Làng Thạnh Quang hiện có 56 hộ, với 229 nhân khẩu, trong đó có 97% là người dân tộc Bana. Do địa hình chủ yếu là đồi núi, cách xa trung tâm xã, huyện nên việc tiếp cận thông tin của bà con trong làng còn nhiều hạn chế. Vì vậy, nhằm giúp bà con vươn lên phát triển kinh tế, tôi luôn tích cực vận động, tuyên truyền để bà con trong thôn nắm vững những kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả”.
Để vận động bà con tập trung phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, ông Đinh Grêh cùng cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn bà con kỹ thuật chăn nuôi gia súc, sản xuất lúa lai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng… Ông nhiều lần đề xuất, kiến nghị lãnh đạo xã, huyện quan tâm đầu tư, hỗ trợ về giống, xây dựng các mô hình hiệu quả để nhân rộng, chuyển giao cho người dân... Từ sự năng động, tâm huyết của ông cùng sự đồng lòng của bà con, đời sống của người dân làng Thạnh Quang ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Ông Đinh Đen hướng dẫn người dân chăm sóc cây trồng.
Từng đảm nhiệm chức Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh An (huyện Tây Sơn), từ khi nghỉ hưu (năm 2010) đến nay, ông Đinh Đen (dân tộc Bana, người có uy tín của làng Kon Giọt 1, xã Vĩnh An) luôn hăng hái tham gia công tác dân vận, chung tay góp phần giúp đời sống của bà con nơi đây bình yên, no ấm.
Ông Đinh Đen cho biết: “Ở góc độ là người có uy tín của làng, tôi không chỉ tham gia vận động, hòa giải những mâu thuẫn nội bộ, tranh chấp trong cộng đồng, mà còn thường xuyên vận động bà con áp dụng KHKT vào chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế, hạn chế tình trạng phá rừng làm nương rẫy”.
Ông Đen cùng cán bộ khuyến nông đã vận động người dân tham gia các lớp tập huấn để trồng chuối mốc bằng phương pháp cấy mô; hướng dẫn kỹ thuật nuôi heo đen; chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng keo; đào ao nuôi cá…
Ngược lên xã vùng cao Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh), đến làng O5, nghe dân làng kể nhiều chuyện về ông Đinh Truôn - người có uy tín của làng. Bằng kinh nghiệm của mình, nhiều năm qua, ông Đinh Truôn đã dẫn dắt bà con Bana vượt qua khó khăn để xây dựng đời sống mới. Ông dành nhiều thời gian đi đến từng gia đình, vận động bà con mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình.
Còn ông Đinh Văn Bích, người có uy tín ở thôn 2, xã An Dũng (huyện An Lão) là một trong những người hoạt động tích cực trong công tác vận động, tuyên truyền, giúp dân làng sớm ổn định đời sống khi di dời đến nơi tái định cư mới để phục vụ dự án xây dựng hồ chứa nước Đồng Mít.
Ông Bích cùng Ban nhân dân thôn thường xuyên tới từng gia đình để nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bà con về nơi ở mới, nhất là những hộ gia đình chính sách để tham mưu cho các cấp chính quyền có biện pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Nhờ sự gần gũi, sâu sát của ông Bích, cùng với các chính sách hỗ trợ kịp thời của huyện và tỉnh, sau 3 năm về nơi ở mới, người dân xã An Dũng đã ổn định cuộc sống, sản xuất, chăn nuôi phát triển.
Quả ngọt
Phải khẳng định rằng, từ sự năng động, tâm huyết của các già làng, người có uy tín trong việc “cầm tay chỉ việc”, tích cực tuyên truyền, vận động dân làng làm ăn, phát triển kinh tế, đời sống của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong tỉnh ngày càng được cải thiện, nâng cao, không còn tình trạng phá rừng làm nương rẫy và tập quán du canh du cư.
Già làng Đinh Grêh cho hay: “Nhiều năm trở lại đây, bà con dân làng đã mạnh dạn đưa vào sản xuất cây lúa lai, năng suất mỗi vụ đều đạt khoảng 70 tạ/ha. Nhờ đó nhà nào cũng dồi dào lương thực, không còn phải lên rừng làm lúa rẫy nữa. Chuyện phát rừng làm rẫy của người dân hầu như không còn nữa!”.
Còn hộ ông Đinh Gòng, ở làng Kon Giọt 1, xã Vĩnh An (huyện Tây Sơn) trước đây thường hay đốt rừng làm nương rẫy nhưng vẫn không đủ để lo cho con cái ăn học. Năm 2018, ông Đinh Đen và cán bộ xã đến nhà vận động ông Gòng tham gia các lớp tập huấn chuyển đổi cây trồng của xã, huyện tổ chức. Từ đó, ông Gòng đã mạnh dạn vay vốn và chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng keo, đu đủ, chuối, ổi; nuôi bò; mua máy cày… Nhờ tích cực làm ăn, đến nay, gia đình ông đã từng bước thoát khỏi cái nghèo, cái đói, trở thành hộ có thu nhập khá trong làng.
Cũng giống như ông Gòng, hộ ông Đinh Cường (ở làng Kon Giọt 1) trước đây kinh tế phụ thuộc vào việc làm nương rẫy nên đời sống rất khó khăn, thiếu ngược thiếu xuôi. Từ khi được ông Đinh Đen vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông Cường đã mạnh dạn vay vốn để mua giống cây keo trồng và nuôi bò, từng bước thoát nghèo. “Ông Đen thường xuyên đến nhà vận động, hướng dẫn các kỹ thuật trồng keo nên tôi học hỏi và áp dụng làm theo, nhờ thế mà mấy hecta keo của tôi phát triển rất tốt và đang chờ ngày để thu hoạch”, ông Cường kể.
Lãnh đạo huyện An Lão tặng quà cho các già làng, người có uy tín trên địa bàn.
Trở lại xã tái định cư An Dũng (huyện An Lão) lần này, chúng tôi đã cảm nhận rất rõ về cuộc sống mới của người dân tộc H’re sau 3 năm di dời đến làng mới. Những khó khăn đã dần tan biến, thay vào đó là nhịp sống nhộn nhịp với các sắc màu tươi mới đã hiển hiện trên vùng đất này.
Chủ tịch UBND xã An Dũng Đinh Văn Phiên cho biết: “Để có được kết quả đáng phấn khởi ngày hôm nay một phần nhờ sự vào cuộc tích cực của đội ngũ các già làng, người có uy tín khi tích cực phối hợp với chính quyền địa phương trong việc vận động bà con dân làng phát triển kinh tế. Từ những khó khăn ban đầu, đến nay cuộc sống của bà con đã ổn định, làm ăn khá giả”.
Đáng mừng hơn, trong vụ sản xuất Đông Xuân năm nay, tuy là năm đầu tiên người dân An Dũng sản xuất lúa nước trên diện tích gần 64 ha, nhưng năng suất đạt hơn 62 tạ/ha, sản lượng hơn 320 tấn, ai nấy đều phấn khởi. Cùng với trồng trọt, bà con đã phát triển chăn nuôi với tổng đàn gia súc hơn 670 con, tăng 120 con so với năm trước; đàn gia cầm hơn 2.600 con; phát triển trồng rừng, trồng cây ăn quả, cây trồng cạn trên 400 ha…
Ông Đinh Văn Miên (ở thôn 2, xã An Dũng) vui vẻ cho biết: “Vụ Đông Xuân vừa rồi, gia đình tôi làm 5 sào ruộng ở khu vực đồng Tà Loan, thu hoạch được gần 3 tấn lúa. Nhờ vậy, không chỉ đảm bảo lúa gạo cho cả nhà ăn mà còn có dư để bán, tăng thêm thu nhập”.
NGUYỄN HÂN - CHƯƠNG HIẾU