Nghệ sĩ trẻ Cao Phương Thảo: Say mê tiếng đàn tam thập lục
Ðam mê âm nhạc dân tộc từ nhỏ, nghệ sĩ Cao Phương Thảo, 26 tuổi, là nhạc công trẻ nhất của Ðoàn ca kịch bài chòi Bình Ðịnh (thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) và là nghệ sĩ duy nhất sử dụng đàn tam thập lục trong dàn nhạc của Ðoàn. Ngay trong lần đầu tiên đi thi, nữ nghệ sĩ trẻ này đã đạt thành tích cao.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống hoạt động nghệ thuật sân khấu truyền thống, từ nhỏ, Phương Thảo đã được bồi đắp tình yêu âm nhạc cổ truyền qua những làn điệu dân ca, bài chòi, hát bội.
Nghệ sĩ trẻ Cao Phương Thảo (bìa trái) độc tấu đàn tam thập lục với sự hòa âm của dàn nhạc Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Khi học THPT, Phương Thảo bắt đầu tiếp cận, học nhạc cụ dân tộc. Phương Thảo kể: “Tôi đến nhà ông ngoại chơi, thấy trên tủ có hộp đựng đàn tranh còn mới do cậu mua về sưu tập. Tôi mượn về tự mày mò làm quen, sau theo học đàn tranh cơ bản từ một giáo viên âm nhạc ở Quy Nhơn. Tốt nghiệp THPT, tôi thi đậu vào lớp chuyên ngành đàn tranh (khóa 8), Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Bình Định (nay là Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn) để theo đuổi đam mê”.
Nữ nghệ sĩ trẻ chia sẻ thêm: “Nhạc cụ dân tộc vốn dĩ khó sử dụng, nên người trẻ cũng ít ai theo học. Khi tôi theo học đàn tranh, có nhiều lúc cũng chán muốn bỏ, bởi độ khó của một cây đàn 16 dây. Vào trường, lớp tôi cũng chỉ có 5 sinh viên theo học đàn tranh, đàn nguyệt, guitar phím lõm”.
Dưới sự dìu dắt, dạy dỗ của các thầy cô trong trường cộng với nỗ lực của bản thân, dần dần Phương Thảo đã biểu diễn thuần thục đàn tranh. “Mới học được 1 năm, nhưng thầy tôi - NSƯT Đinh Văn Nhân đã động viên tôi tham gia thi hòa tấu nhạc cụ dân tộc. Chính thầy là người hỗ trợ tôi rất nhiều trong quá trình học tập, cho đến lúc “chân ướt chân ráo” về Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định công tác”.
Nói về cơ duyên đến với đàn tam thập lục, nữ nghệ sĩ 9X bộc bạch: “Tôi tính học xong sẽ xin về Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định, nhưng trước tôi đã có một chị nhạc công đàn tranh về Đoàn công tác rồi, nên thầy Nhân tư vấn tôi học thêm đàn tam thập lục để dễ có vị trí trong dàn nhạc. Nghe lời thầy, tôi mua đàn về để học, nhưng oái ăm là ở Bình Định không có ai dạy đàn tam thập lục cả. Tôi lên mạng mày mò tự học”.
Tốt nghiệp năm 2018, Phương Thảo trở thành nhạc công của Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định. Cô tâm tình: “Lúc mới mua cây đàn tam thập lục về, tôi thấy đàn nhiều dây, quá phức tạp sợ mình không theo nổi. Được ba mẹ động viên, thầy Nhân phổ nhạc để tập, tôi quyết tâm học. Sau hơn 4 tháng miệt mài tự học, tôi dần chinh phục được đàn tam thập lục. Và rồi đam mê nó lúc nào không hay”.
Nghệ sĩ Quốc Tuấn - ba của Thảo, góp chuyện: “Ngoài sự ủng hộ của gia đình cũng phải kể đến sự động viên, định hướng của vợ chồng NSND Hoài Huệ và NSND Hồ Thu, cũng như NSƯT Đinh Văn Nhân đã tiếp thêm tinh thần cho cháu Thảo theo đuổi đam mê. Thú thật là không có nhiều người lại được nhiều nghệ sĩ lớn quan tâm như thế, đó là một may mắn rất lớn của con tôi”.
Lần đầu tiên Phương Thảo tham gia Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2023 do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) tổ chức từ ngày 10 - 26.6 tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) đã đạt giải ba với tiết mục độc tấu đàn tam thập lục Chiều Lại Giang (sáng tác NSƯT Đinh Văn Nhân), Lý thiên thai - Lý thương nhau- Sắc bùa (nhạc cổ).
Nói về cô học trò nhỏ, giờ là đồng nghiệp của mình, NSƯT Đinh Văn Nhân, chỉ huy dàn nhạc Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định, chia sẻ: “Tôi rất vui mừng khi lần đầu tiên đi thi Phương Thảo đã đạt giải cao. Đó cũng là niềm vinh dự cho em, cho đơn vị. Những nỗ lực, cố gắng của Phương Thảo rất đáng ghi nhận để em “giữ lửa” niềm đam mê nhạc cụ dân tộc, tiếp tục gặt hái nhiều thành tích trong quá trình công tác. Tôi cũng hy vọng qua các chương trình nghệ thuật của Nhà hát sẽ giúp nhiều người trẻ tiếp cận được các loại hình nghệ thuật truyền thống, yêu thích theo học nhạc cụ dân tộc để gìn giữ, phát triển văn hóa dân tộc”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN