Các nước Đông Phi kêu gọi các bên ở Sudan ký thỏa thuận ngừng bắn
Cơ quan Liên chính phủ về Phát triển (IGAD), một khối các nước Đông Phi, kêu gọi các bên tham gia xung đột ở Sudan đồng ý ngừng bắn vô điều kiện và không xác định thời hạn.
Người dân sơ tán tránh xung đột tới bang Gadaref, miền Đông Sudan, ngày 3.7.2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 10.7, Cơ quan Liên chính phủ về Phát triển (IGAD), một khối các nước Đông Phi, đã kêu gọi các bên tham chiến ở Sudan ký kết thỏa thuận ngừng bắn.
Trong một tuyên bố được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh của các nguyên thủ quốc gia IGAD tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, tổ chức này cho biết họ kêu gọi các bên tham gia xung đột ở Sudan đồng ý ngừng bắn vô điều kiện và không xác định thời hạn.
Thông cáo kêu gọi các bên tham chiến chấm dứt ngay bạo lực cũng như đề ra một cơ chế thực thi và giám sát hiệu quả.
IGAD cũng nhắc lại lời kêu gọi các nhà lãnh đạo Sudan cần gặp gỡ trực tiếp và cho rằng cuộc xung đột hiện đang tàn phá quốc gia này.
Tuyên bố nêu rõ: "IGAD bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tác động của cuộc chiến đang diễn ra ở Sudan, cho đến nay đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng và gần 3 triệu người phải sơ tán, trong đó có 615.000 người tị nạn”.
Tổ chức này cũng bày tỏ lo ngại về sự leo thang của cuộc xung đột bên ngoài thủ đô Khartoum của Sudan.
Trước đó, ngày 10.7, cơ quan hàng không dân dụng Sudan thông báo tiếp tục đóng cửa không phận nước này cho đến ngày 31.7 tới, ngoại trừ các chuyến bay sơ tán và viện trợ nhân đạo đã được nhà chức trách cấp phép.
Sudan đã đóng cửa không phận sau khi xung đột nổ ra giữa quân đội nước này và nhóm bán quân sự Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) hồi giữa tháng Tư vừa qua.
Giao tranh giữa quân đội Sudan và RSF nổ ra từ giữa tháng Tư vừa qua, đến nay đã khiến gần 3.000 người thiệt mạng, hơn 2,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, trong khi khoảng 2/3 các cơ sở y tế tại những khu vực xảy ra chiến sự phải ngừng hoạt động, gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn.
Cả hai bên tham chiến là Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) cáo buộc lẫn nhau là nguyên nhân của cuộc xung đột.
Dù hai bên đã đạt được một số lệnh ngừng bắn tạm thời trên toàn quốc, song xung đột vẫn tiếp diễn. Tình hình nhân đạo tại Sudan hiện đang rất nghiêm trọng, khi toàn bộ các quận ở thủ đô Khartoum đã không còn nước sạch, chỉ có điện vài giờ trong tuần. Các cơ sở cứu trợ thường xuyên bị cướp bóc.
(Theo Vietnam+)