Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị toàn quốc về chuyển đổi số quốc gia
(BĐ) - Chiều 12.7, tại trụ sở Chính phủ, đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS), chủ trì Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về CĐS quốc gia và đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia, giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06). Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về CĐS Trần Hồng Hà; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ CA, đại tướng Tô Lâm.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ và trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại điểm cầu UBND tỉnh Bình Định, đồng chí Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh, cùng các thành viên Ban CĐS tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, DN công nghệ thông tin - viễn thông dự. Hội nghị còn kết nối trực tuyến đến 11 huyện, thị xã, thành phố và 159 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Trụ sở UBND tỉnh. Ảnh: TRỌNG LỢI
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, CĐS là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan và được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước; là công việc mới, khó, nhạy cảm. Mục đích cuối cùng của CĐS là phục vụ con người, trên tinh thần lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, nguồn lực phát triển. Thời gian qua, nhiệm vụ này đã được triển khai bài bản, tích cực, đúng hướng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đạt kết quả tương đối tốt so với nhiều nước, với quan điểm dữ liệu là quan trọng và cấp bách.
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai có hiệu quả công tác CĐS và Đề án 06. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thể hiện quyết tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế số nhằm tạo lập hành lang pháp lý giúp kiến tạo sự phát triển trên không gian mới (không gian số), giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn CĐS thời gian vừa qua, giải quyết các “điểm nghẽn” nhằm thúc đẩy CĐS nhanh tại Việt Nam. Đã xuất hiện nhiều điểm sáng, mô hình hay như việc xây dựng nhận thức số, đào tạo nhân lực số tại Đà Nẵng, xây dựng hạ tầng số tại Quảng Ninh; thúc đẩy người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến với chiến dịch 92 ngày đêm tại Bình Phước; triển khai “trợ lý ảo” trong ngành tòa án; tăng tốc CĐS trong các DN nhỏ và vừa… Ước tính sơ bộ, tỉ trọng kinh tế số/GDP trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 14,96%.
Về cơ sở dữ liệu, đến tháng 6.2023, với sự quyết tâm của Bộ CA trong tổ chức triển khai Đề án 06, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 13 bộ, ngành, 4 DN và 63/63 địa phương để phục vụ khai thác thông tin dân cư. Đã tiếp nhận tổng số hơn 1 tỷ yêu cầu để tra cứu, xác thực thông tin công dân; có 96 bộ, ngành, địa phương (33 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố) hoàn thành kết nối và đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức…
Tại Bình Định, 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã tập trung triển khai các nhiệm vụ ở cả 3 trụ cột về xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số và đạt nhiều kết quả nổi bật. Đó là đã hoàn thành việc xây dựng các cơ sở dữ liệu, nền tảng số các hệ thống thông tin: Phòng chống thiên tai, quản lý trường học, quản lý cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh; kết nối, chia sẻ thông tin DN trên địa bàn tỉnh từ hệ thống thông tin đăng ký DN quốc gia. Đồng thời, phối hợp các cơ quan để triển khai các cơ sở dữ liệu, nền tảng số do các ngành triển khai, như: Hệ thống cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính tỉnh; hệ thống thông tin ngành tài chính; nền tảng định danh và xác thực điện tử; hệ thống truy xuất nguồn gốc của tỉnh; xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng nền tảng của các cơ quan Đảng; cập nhật dữ liệu hệ thống thông tin quản lý số hóa tài liệu kho lưu trữ lịch sử của Tỉnh ủy. Đẩy mạnh việc xây dựng kế hoạch và triển khai bệnh án điện tử tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (EMR); hồ sơ sức khỏe điện tử công dân (nâng cao); hoạt động khám chữa bệnh từ xa…
Bên cạnh đó, công tác tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kỹ năng số trong cơ quan nhà nước; tập huấn kỹ năng số cho tổ công nghệ số cộng đồng; phát triển thương mại điện tử; triển khai các giải pháp thúc đẩy CĐS cho DN vừa và nhỏ… trên địa bàn tỉnh cũng được các sở, ngành quan tâm triển khai tích cực.
Nguồn: BTV
Về thực hiện Đề án 06, tỉnh xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm; các mục tiêu, nhiệm vụ của đề án được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Việc hướng dẫn công dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến để nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ dịch vụ công trực tuyến được thực hiện đồng bộ ở tất cả cấp trên địa bàn tỉnh. Việc triển khai cho người dân sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 thông qua ứng dụng VNeID trên điện thoại thông minh để thay thế giấy tờ tùy thân bước đầu phát huy hiệu quả đối với một số giao dịch hành chính, dân sự trên địa bàn tỉnh. Hoàn thành việc cấp căn cước công dân gắn chip cho 100% công dân đủ điều kiện trên địa bàn bàn toàn tỉnh. Đẩy mạnh làm sạch dữ liệu dân cư đảm bảo nguồn thông tin chính xác phục vụ chia sẻ, kết nối được quan tâm chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc, đảm bảo dữ liệu dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống”. Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác thu thập căn cước công dân, cấp định danh điện tử và triển khai dịch vụ công trực tuyến thực hiện nghiêm túc. Công tác chỉ đạo CA các địa phương triển khai thực hiện Đề án 06 được thực hiện quyết liệt, phân công rõ trách nhiệm giữa các cấp đối với từng nhiệm vụ cụ thể…
TRỌNG LỢI