Lắng nghe, chia sẻ và đồng hành với trẻ
So với những năm trước, diễn đàn trẻ em các cấp diễn ra trong tháng 6 - 7.2023 có nhiều đổi mới, thể hiện rõ thiện chí của người lớn trong việc tạo điều kiện để trẻ em nói lên suy nghĩ của mình. Cùng với việc chọn gặp những em chăm ngoan, học giỏi tiêu biểu như thường lệ, một số địa phương đã tổ chức đối thoại với những trẻ em “chưa ngoan”.
Tiếng lòng con trẻ
Không phụ sự mong đợi của người lớn, tại các diễn đàn, trẻ em ngoan lẫn “chưa ngoan” đã mạnh dạn chia sẻ, giãi bày nỗi lòng của mình. Một số em cho biết mệt mỏi và chán nản khi đến các tiết học của thầy cô giáo bộ môn có thái độ châm chích, thiên vị. Cảm giác này được nhiều trẻ khác đồng cảm.
Bên cạnh đó, nỗi đau vì bị bạo hành bằng hành động và lời nói ở trường học hay trong chính ngôi nhà thân yêu, từ chính những người thân khiến các em không thể phản kháng, cứ thế âm ỉ dai dẳng.
Nhiều em bày tỏ thắc mắc, liệu rằng, có phải thầy cô, cha mẹ vẫn lấy quan niệm “thương cho roi cho vọt” để bao biện cho bản tính nóng nảy, cộc cằn, những hành động bạo lực, xem trẻ là chỗ trút xả bực bội, bức xúc trong lòng. Thậm chí, buộc trẻ tuổi nhỏ non nớt phải gánh chịu những điều mà chính người lớn đã trưởng thành, đã trải nghiệm cuộc sống không thể tự vượt qua...
Tại Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh do Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức ngày 12.7, đa số trẻ em mong các cấp sớm đưa môn bơi và tăng cường những nội dung giúp các em tự bảo vệ mình trên môi trường mạng vào trường học. Các em mong có nhiều sân chơi hơn để vui đùa sau giờ học, mong được chỉ bày cách nhận diện nguy cơ bị xâm hại, mong cha mẹ chịu khó lắng nghe các em, mong được mẹ cha, thầy cô yêu thương, giúp đỡ vượt qua khó khăn.
Phó Giám đốc Sở VH&TT Huỳnh Thị Anh Thảo khuyên nhủ: Các em hãy chủ động mở lòng mình với ba mẹ, để họ hiểu rõ các em, hiểu được cảm xúc của các em trước ứng xử của họ. Đừng nên giữ chặt ấm ức trong lòng, để đến mức trở thành nỗi ám ảnh. Nếu không thể chia sẻ được với ba mẹ ngay lúc đó thì hãy chia sẻ với ông bà, cô chú, anh chị hoặc người quen mà mình tin tưởng.
“Từng có những em nói với tôi rằng, ba hoặc mẹ luôn đinh ninh rằng họ đúng, dù con có nói thế nào cũng không lắng nghe, cứ như vậy, con cái sẽ không muốn chia sẻ với ba mẹ nữa. Vậy nên, cùng với việc khuyến khích các em mở lòng, tôi cũng mong các bậc làm cha làm mẹ cố gắng dành thời gian cùng tâm trạng thoải mái, ổn định nhất lắng nghe và chia sẻ với con, học cả cách làm cha mẹ tốt trong từng giai đoạn phát triển của con”, bà Thảo nhắn nhủ.
Trẻ em Hoài Nhơn trình bày tiểu phẩm và gửi thông điệp về phòng chống ma túy trong học đường tại diễn đàn cấp tỉnh. Ảnh: N.T
Hiểu trẻ để hỗ trợ hiệu quả
Trong phiên đối thoại trực tiếp với lãnh đạo các cấp, thượng tá Trần Ngọc Phước, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (CA tỉnh) là một trong những đại biểu nhận được nhiều câu hỏi nhất từ các em. Trong đó, nổi bật là thắc mắc với hành vi vi phạm pháp luật của trẻ em do thiếu hiểu biết, trường hợp nào thì bị truy tố trách nhiệm hình sự.
Thượng tá Phước thông tin, theo thống kê của CA tỉnh, 6 tháng đầu năm 2023, đối với vị thành niên, đã xảy ra 118 vụ/446 em vi phạm pháp luật. Đặc biệt, gần đây các vị thành niên rủ nhau kết thành băng nhóm, sử dụng hung khí đánh nhau, trộm cắp, cướp giật tài sản, sử dụng, mua bán chất ma túy trái phép... xảy ra nhiều hơn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang đánh giá cao hiệu quả của Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh năm 2023; đặc biệt lần đầu tiên, Ban tổ chức mời chuyên gia tâm lý từ Trường ĐH Quy Nhơn đến tư vấn nhiều điều bổ ích.
Thời gian đến, tùy theo tình hình thực tế, thực trạng nổi cộm cần quan tâm trong xã hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị có thể phối hợp tổ chức thêm nhiều diễn đàn đối thoại, nhất là đối thoại dành cho đối tượng trẻ em cần được quan tâm về một vấn đề chuyên môn sâu. Từ đó, các bên liên quan cùng lắng nghe ý kiến của các em, hiểu tâm tư, nắm nguyện vọng, để có định hướng, tư vấn, giải pháp thỏa đáng, hỗ trợ hiệu quả các em vượt qua khó khăn trong học tập và cuộc sống.
NGỌC TÚ