Thân quen những “phiên chợ di động” ở làng
Cuộc sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có nhiều phát triển, nhưng những “phiên chợ di động” vẫn là hình ảnh quen thuộc nơi đây.
Anh Nguyễn Trí (ở xã Nhơn Khánh, TX An Nhơn) chở hàng lên các xã miền núi của huyện Vĩnh Thạnh bán từ năm 2009, chủ yếu là những mặt hàng thực phẩm khô, dễ bảo quản như muối, mắm, đường, cá hấp, cá khô... Ban đầu, người dân không có tiền mua nên đề nghị đổi những gì tự làm ra hay khai thác được như chiếc khăn, cái áo, mớ rau để lấy thực phẩm. Có khi anh chủ động cho nợ rồi họ trả sau.
“Những hàng hóa đổi được, tôi đem bán cho người dân thành thị, tôi có thu nhập, còn người dân vùng núi có bữa ăn đầy đủ hơn. Những năm gần đây, cuộc sống khá hơn nên bà con đã mua thịt cá, hải sản tươi để cải thiện bữa ăn”, anh Trí kể.
Chiếc xe đầy ắp nhu yếu phẩm của chị Trần Thị Quyên đến với xã Bok Tới, huyện Hoài Ân. Ảnh: X.Q
Còn vợ chồng anh Đinh Rí (dân tộc H’re, ở thị trấn An Lão, huyện An Lão) có thâm niên gần 25 năm trong nghề chạy chợ ở huyện miền núi này. Vợ chồng anh xuống các chợ đầu mối ở đồng bằng chở thực phẩm về bán, vượt qua những khó khăn mặc định của công việc này là địa hình miền cao trắc trở, đường xa, mưa nắng. Đôi lúc anh cũng gặp phải những khó khăn như xe hỏng lốp, hết xăng giữa đường.
Anh Rí kể, nghề buôn bán này tuy vất vả nhưng đã đem lại thu nhập ổn định cho gia đình, các con anh được đến trường. Bên cạnh đó, anh cũng thường hay thu mua nông sản của bà con để xuống phố bán, tạo thêm thu nhập cho người dân miền núi.
10 năm qua, chị Trần Thị Quyên (ở thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân) rong ruổi với chiếc xe máy chở hàng đến các làng trong huyện. Chị Quyên kể, mỗi ngày chị bán luân phiên tại các địa điểm khác nhau, hầu như người dân đã quen với lịch trình của chị nên chỉ cần nghe tiếng xe là họ tập trung ra mua hàng.
Một số người quen biết chị Quyên bán hàng trên các làng xa xôi, hẻo lánh, đời sống còn khó khăn nên thường hay gửi nhờ những bao quần áo mới tặng cho trẻ em dân tộc thiểu số tại đây. Hiện nay, mức sống người dân đã khá hơn trước, nhiều chị em trong làng ưa chuộng những mặt hàng như son, phấn, quần áo nên chị Quyên thường hay mua giùm mà không lấy tiền công.
“Nhìn những ánh mắt tràn đầy niềm vui của chị em khi có hộp phấn, cây son hoặc các cháu có bộ quần áo mới, tôi thấy vui lây. Đi bán ở đây nhiều năm nên tình cảm cứ thế gắn bó hơn. Lâu lâu nghỉ bán một ngày, khi tôi trở lại người dân hỏi thăm rất tình cảm”, chị Quyên kể.
XUÂN QUỲNH