Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo việc làm cho người lao động
Chiều 12.7, tại các tổ HÐND tỉnh, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá, cho ý kiến về các báo cáo, tờ trình tại Kỳ họp thứ 11 và đề ra các giải pháp phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm 2023. Vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm là có giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động; thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế; thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.
Quang cảnh Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Kinh tế khó khăn, gia tăng số lao động mất việc làm
Tham gia thảo luận tại tổ về tình hình phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm 2023, đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Hùng (đơn vị Tuy Phước) bày tỏ sự quan tâm đối với tình hình khó khăn của các DN trên địa bàn tỉnh, nhất là các DN hoạt động trên lĩnh vực thu mua, chế biến, xuất khẩu lâm sản, dẫn đến tình trạng công nhân mất việc làm.
ĐB Hùng dẫn chứng: Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn toàn tỉnh có 148 DN và đơn vị kinh doanh trực thuộc phải giải thể, 536 DN tạm ngừng hoạt động. Điều đó cho thấy tình hình “sức khỏe” của các DN rất bất ổn”. ĐB Hùng đề nghị lãnh đạo tỉnh có các giải pháp linh hoạt, khả thi, đồng hành cùng DN để sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giúp DN sớm phục hồi, phát triển sản xuất.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh giải đáp với đại biểu HĐND tỉnh về công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm 2023.
Cùng mối quan tâm, ĐB Lê Thị Vinh Hương (đơn vị Hoài Nhơn) đề nghị các ngành chức năng khảo sát để có số liệu thống kê về tình hình lao động, việc làm, thu nhập của lao động trong thời điểm hiện nay. Đồng thời có giải pháp phân loại, tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng, định hướng… để khắc phục tình trạng này và chuẩn bị nguồn lao động để đáp ứng yêu cầu của thị trường khi kinh tế khởi sắc trở lại.
Trăn trở về vấn đề người lao động bị mất việc làm, ĐB Huỳnh Bảo Nguyên (đơn vị Tây Sơn) cho rằng báo cáo của UBND tỉnh nêu tỷ lệ thất nghiệp toàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm ước chỉ khoảng 2,56% là chưa sát với thực tế. Theo ĐB Nguyên, lao động mất việc làm có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình tội phạm gia tăng. “Chúng tôi rất muốn làm rõ, có thống kê cụ thể số lao động mất việc làm ở khu vực, địa phương nào. Khi có số liệu thống kê đầy đủ thì ngành CA và các ngành khác có biện pháp, giải pháp để quản lý, hỗ trợ”, ĐB Nguyên nhìn nhận.
Các đại biểu thảo luận nghiêm túc, sôi nổi nhiều vấn đề tại tổ.
Cần đa dạng các giải pháp phục hồi, phát triển KT-XH
Góp ý về công tác thu hút DN đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, ĐB Nguyễn Thanh Vũ (đơn vị Tây Sơn) cho rằng, trong 6 tháng đầu năm nay, tỉnh thu hút 42 dự án, tuy nhiên chỉ có 8 dự án vào sản xuất trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, do đó đề nghị UBND tỉnh có định hướng, khuyến khích DN đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế hiện có tỷ lệ lấp đầy chưa cao.
ĐB Vũ nêu thực tế về sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023, giá trị tăng thêm của toàn ngành đạt 3,49%, chỉ bằng 1/3 so với chỉ tiêu của HĐND tỉnh giao; trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh chỉ tăng 0,08% so với cùng kỳ năm trước. Theo dự báo, 6 tháng cuối năm, sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn, do vậy UBND tỉnh cần phân tích sâu hơn về các giải pháp để đạt được các chỉ tiêu phát triển công nghiệp.
ĐB Lê Thị Vinh Hương (đơn vị Hoài Nhơn) đánh giá, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã có những chỉ đạo, điều hành quyết liệt trong phục hồi, phát triển KT-XH theo hướng trọng tâm, bứt phá, đặc biệt là sự chuyển đổi tư duy từ quản lý sang phục vụ, coi DN là đối tác, khách hàng. Trong bối cảnh kinh tế và hoạt động sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn, nông nghiệp với vai trò là bệ đỡ và mang lại sự ổn định cho nền kinh tế, nhưng thực tế người nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn về giống, vật tư, nguyên vật liệu, đặc biệt là đầu ra cho sản phẩm, ĐB Hương đề nghị UBND tỉnh có những giải pháp đột phá để ngành nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững.
ĐB Lê Thị Vinh Hương (Hoài Nhơn) cho rằng từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã tiếp tục có những chỉ đạo, điều hành quyết liệt theo hướng trọng tâm, bứt phá
“Nông dân phải được cơ quan nhà nước, các hiệp hội, làng nghề truyền thống định hướng, hướng dẫn theo hướng sản xuất chuyên vùng với sản phẩm chủ lực, đặc biệt phải được trang bị về tư duy sản xuất chuỗi và được cập nhật thường xuyên về tình hình sản xuất, thị trường của địa bàn, trong nước, quốc tế”, ĐB Hương đề nghị cụ thể.
Khai thác tiềm năng để phát triển du lịch bền vững
ĐB Mai Việt Trung (đơn vị An Nhơn) đóng góp nhiều ý kiến về phát triển du lịch của tỉnh. Theo ĐB Trung, trong 6 tháng đầu năm, lượng du khách đến tỉnh là đáng ghi nhận (gần 2,7 triệu lượt khách, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên cần thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá những mặt còn hạn chế, trong đó trọng tâm là phát triển du lịch phải gắn liền với bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể.
Cũng theo ĐB Trung, cùng với sự định hướng, đầu tư của Nhà nước, cần có các hình thức phù hợp, huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội hóa đầu tư để phát huy giá trị các di tích, danh thắng phục vụ du lịch. Đồng thời quan tâm hơn đến việc tạo ra những sản phẩm hàng hóa lưu niệm thể hiện được bản sắc văn hóa riêng của Bình Định, góp phần thu hút du khách đến nhiều hơn.
Nguồn: BTV
Cùng quan điểm, ĐB Phạm Tấn Thành (đơn vị Phù Mỹ) cho rằng, tuy lĩnh vực du lịch đang có mức tăng trưởng cao nhưng sản phẩm du lịch của tỉnh không đa dạng và phong phú như tiềm năng. Hiện chúng ta chỉ tập trung khai thác các loại hình du lịch cộng đồng và tâm linh, nhưng các loại hình này chưa thực sự phát huy hiệu quả. “Chúng ta cần nhìn nhận vào thực tế này để có những giải pháp cụ thể trong việc tạo ra nhiều sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn, thu hút du khách đến với Bình Định”, ĐB Thành nêu kiến nghị.
Ở góc độ khác, ĐB Huỳnh Thị Ngọc Hà (đơn vị Quy Nhơn) cho rằng Bình Định có rất nhiều tiềm năng để phát triển các điểm vui chơi, giải trí phục vụ du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh có rất ít các điểm vui chơi, giải trí được đầu tư xây dựng bài bản. Đáng chú ý là Khu du lịch Ghềnh Ráng - Tiên Sa có vị trí đắc địa nằm ngay trung tâm thành phố nhưng nhiều năm qua vẫn chưa được đầu tư xây dựng xứng tầm. Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh có đến 270 sản phẩm OCOP nhưng việc quảng bá, giới thiệu đến du khách chưa được quan tâm đúng mức. “Nếu chúng ta làm tốt công tác quảng bá cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP thì đây chính là nguồn thu nhập khá lớn cho người dân địa phương”, ĐB Hà gởi mở vấn đề.
Cần quan tâm đến các chính sách đã ban hành
Về chính sách khuyến khích nuôi gà thả đồi, ĐB Phạm Tấn Thành (đơn vị Phù Mỹ) cho rằng tỉnh cần chỉ đạo các địa phương chung tay thực hiện chính sách này và cần ban hành hướng dẫn cụ thể về quy mô chuồng trại. Vì thực tế hiện nay qua 1 năm thực hiện chính sách nhưng chỉ mới triển khai tại 2 địa phương là Tây Sơn và Hoài Ân; ngoài ra các vấn đề về giá, thị trường, nhu cầu cũng đang ảnh hưởng đến việc tiêu thụ gà thả đồi.
ĐB Nguyễn Thị Tuyết (đơn vị Phù Cát) nêu thực tế, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao tại tỉnh sở dĩ chưa phát huy hiệu quả một phần là do tỉnh Bình Định chưa ban hành được danh mục về lĩnh vực thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ở các đơn vị ngoài khu vực nhà nước; vấn đề này lại liên quan đến biên chế của từng cơ quan; công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao chưa trúng đối tượng… Vì vậy, việc sớm khắc phục những bất cập nói trên sẽ góp phần giúp chính sách này phát huy tác dụng.
NHÓM PV XÂY DỰNG ĐẢNG