Tăng cường phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng
(BĐ) - Ngày 13.7, Sở Y tế có văn bản khẩn gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; TTYT các huyện, thị xã, thành phố; Phòng Y tế các huyện, thị xã, thành phố; các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Sở; các BVĐK tư nhân trên địa bàn tỉnh về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng (TCM).
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong tuần (từ ngày 5 -12.7) số ca mắc TCM có dấu hiệu gia tăng nhanh với 49 ca mắc mới trong tổng số 101 ca mắc ghi nhận từ đầu năm 2023 đến nay.
Số ca mắc trong tuần ghi nhận tại 10/11 huyện, thị xã, thành phố, gồm: Quy Nhơn 16 ca, Tuy Phước 8 ca, Phù Cát 8 ca, Phù Mỹ 5 ca, An Nhơn 4 ca, Hoài Nhơn 3 ca, Hoài Ân 3 ca, Tây Sơn 1 ca, Vân Canh 1 ca. Trong tuần cũng ghi nhận thêm 3 ổ dịch tại các địa phương: Khu phố 8, phường Trần Hưng Đạo và khu phố 2, phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn); nhà trẻ gia đình, thôn An Long 2, xã Canh Vinh (huyện Vân Canh).
Dự báo thời gian tới, số ca mắc bệnh TCM trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục gia tăng nếu các đơn vị, địa phương không triển khai quyết liệt, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh TCM, Sở Y tế yêu cầu TTYT các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc việc giám sát, báo cáo kịp thời số liệu ca bệnh, ổ dịch, để Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật có căn cứ đánh giá tình hình dịch bệnh TCM trên địa bàn toàn tỉnh.
TTYT, Phòng Y tế các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Phòng GD&ĐT tham mưu UBND các địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh TCM theo đúng hướng dẫn của ngành Y tế. Tăng cường tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục trên địa bàn quản lý. Tránh để phát sinh dịch bệnh từ các cơ sở giáo dục, mầm non, giữ trẻ chưa được địa phương quản lý và tại các khu vui chơi trẻ em trên địa bàn. Đồng thời, tổ chức truyền thông tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non về bệnh TCM. Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo các cơ sở giáo dục đào tạo có đủ phương tiện để thực hiện rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay thường xuyên, đúng cách, thuận tiện. Thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường, cung cấp đủ nước uống, nước sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể. Thường xuyên vệ sinh mặt bàn, ghế, làm sạch bề mặt và đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng, hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Hướng dẫn các biện pháp phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở GD&ĐT, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.
Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật là đầu mối triển khai thực hiện đồng thời hướng dẫn, đôn đốc, giám sát các đơn vị tăng cường các hoạt động truyền thông phòng chống bệnh TCM. Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khẩn trương tổ chức 1 lớp tập huấn trực tuyến công tác giám sát và phòng, chống dịch bệnh TCM cho các TTYT, trạm y tế; đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát lồng ghép dịch bệnh Sốt xuất huyết và TCM tại các huyện, thị xã, thành phố.
Cùng với đó, các đơn vị phải tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch TCM bằng nhiều hình thức.
THẢO YÊN