Cần quan tâm đảm bảo an ninh, an toàn đời sống
Phiên thảo luận tổ của Kỳ họp thứ 11 HÐND tỉnh khóa XIII vào chiều 13.7 tiếp tục diễn ra với không khí sôi nổi. An ninh, an toàn cho đời sống người dân là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.
Chủ động ngăn ngừa tội phạm
Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 343 vụ phạm tội về trật tự xã hội (so với cùng kỳ năm 2022 tăng 53 vụ); trong đó cố ý gây thương tích xảy ra 61 vụ (chiếm tỷ lệ 17,7%). Nổi lên trong thời gian gần đây là các nhóm thanh, thiếu niên côn đồ, hung hãn, dùng hung khí nguy hiểm đánh nhau gây thương tích, gây rối trật tự công cộng. Về tội phạm ma túy, đã khởi tố mới 90 vụ/207 bị can (so với cùng kỳ năm 2022 tăng 35 vụ).
Các đại biểu HĐND tỉnh thảo luận các báo cáo, tờ trình tại tổ vào chiều 13.7.
ĐB Nguyễn Văn Hùng (đơn vị Tuy Phước) nêu thực trạng có em chỉ mới học lớp 9, lớp 10 đã tham gia vào các băng nhóm sử dụng hung khí nguy hiểm như dao, rựa, kiếm, thậm chí cả súng để thanh toán lẫn nhau, gây nguy hiểm cho xã hội. “Đây là hiện tượng xã hội rất nguy hiểm, đòi hỏi các cấp, các ngành quan tâm để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, đảm bảo an ninh, an toàn cho xã hội”, ông Hùng nhìn nhận.
ĐB Nguyễn Mạnh Hùng (đơn vị Phù Cát) cho rằng các cơ quan hành pháp, cơ quan điều tra cần phân tích rõ nguyên nhân phát sinh tội phạm trong thời gian qua, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan dẫn đến sự gia tăng mạnh của các loại tội phạm ma túy, cố ý gây thương tích… Từ đó, có giải pháp cụ thể để hạn chế, ngăn ngừa tội phạm, góp phần tạo sự yên tâm cho người dân, đảm bảo sự ổn định cho xã hội.
ĐB Nguyễn Mạnh Hùng (đơn vị Phù Cát) cho rằng các cơ quan hành pháp, cơ quan điều tra cần phân tích rõ nguyên nhân phát sinh tội phạm và có giải pháp phòng ngừa, kiểm soát, đẩy lùi trong thời gian tới.
ĐB Lê Văn Thường (đơn vị Phù Mỹ, Chánh án TAND tỉnh) cho biết, bình quân mỗi tháng TAND tỉnh xét xử 5 - 7 vụ án liên quan đến tội phạm ma túy. Trong đó, chủ yếu là tội tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy. Không chỉ ở thành thị, tội phạm ma túy đã xuất hiện ở miền núi.
Liên quan vấn đề này, ĐB Phạm Trung Thuận (đơn vị Phù Cát) phân tích nguyên nhân tội phạm tăng chủ yếu do mặt trái của cơ chế thị trường đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Hiện nay, một số vụ việc cố ý gây thương tích, sử dụng hung khí để đánh nhau, giết người chủ yếu do mâu thuẫn về lợi ích kinh tế, tình cảm. Bên cạnh đó, lối sống thực dụng, hưởng thụ đã ảnh hưởng tiêu cực đến suy nghĩ và hành động của một số người dân, đặc biệt là người chưa thành niên.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp quản lý, giáo dục các đối tượng ở cấp cơ sở, nhất là nhóm đối tượng có nguy cơ phạm tội hoặc tái phạm tội chưa đồng bộ và hiệu quả. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chưa đạt hiệu quả cao. Mặt khác, một số quy định pháp luật còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn tình hình thực tế công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
“Các cấp, các ngành và địa phương cần đánh giá lại tình hình đấu tranh phòng, chống tội phạm để có giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn”, ông Thuận đề nghị.
ĐB Trần Cang (đơn vị Phù Cát) cho rằng tội phạm ma túy là tội phạm “nguồn” gây ra một số loại tội phạm khác. 6 tháng đầu năm 2023 ghi nhận sự vào cuộc tích cực của các lực lượng chức năng trong việc liên tục phát hiện, truy bắt, xử lý nhiều vụ án ma túy. Trong khi đó, tội phạm cố ý gây thương tích, băng nhóm đánh nhau đang diễn biến phức tạp, chủ yếu trong thanh thiếu niên.
“Theo tôi, để hạn chế tội phạm đánh nhau gây thương tích, trách nhiệm trước tiên thuộc về gia đình, tiếp đó là nhà trường và xã hội. Do đó, ngoài công tác gọi hỏi, răn đe, đấu tranh, xử lý kịp thời của các cơ quan chức năng, cần quan tâm đúng mức đến việc giáo dục, quản lý con em tại từng gia đình”, ĐB Trần Cang nói.
Quan tâm đến các vấn đề dân sinh
ĐB Lê Bình Thanh (đơn vị Tây Sơn) cho biết nhu cầu học bán trú của học sinh rất nhiều, nhưng mạng lưới trường học đáp ứng nhu cầu này chưa đủ, điều kiện thực hiện bán trú hạn chế; đề nghị trong quy hoạch trường lớp giai đoạn sắp tới UBND tỉnh cần quan tâm hơn đến nhu cầu học bán trú của học sinh trên địa bàn TP Quy Nhơn và cả tỉnh. Cùng với đó, bà Thanh cho rằng nhà vệ sinh của các trường học là vấn đề cần được quan tâm; phải sạch sẽ, thông thoáng, đảm bảo các điều kiện thiết yếu.
ĐB Nguyễn Tấn Nghĩa (đơn vị Quy Nhơn) đề nghị tỉnh nên quan tâm bố trí kinh phí để các trường học có điều kiện đầu tư nâng cấp, sửa chữa, đảm bảo điều kiện vệ sinh, nhất là ở các trường bán trú. Theo ĐB Nghĩa, đây là vấn đề đã phản ánh từ lâu, nhưng thời gian qua vẫn còn xảy ra tình trạng nhà vệ sinh tại các trường học không đảm bảo vệ sinh, gây tâm lý không tốt trong học sinh và nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Quan tâm đến vấn đề xử lý lấn chiếm lòng lề đường để đậu đỗ xe trái phép, gây ách tắc giao thông trên địa bàn TP Quy Nhơn, ĐB Võ Thị Thu Hòa (đơn vị Quy Nhơn) nêu thực trạng, trên địa bàn thành phố hiện có 2 điểm thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe là khu vực trước tòa nhà TMS Quy Nhơn và khu vực xung quanh chung cư Altara Residences Quy Nhơn.
“Lần nào trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân cũng kiến nghị cơ quan chức năng quan tâm giải quyết, có biện pháp tháo gỡ. Thế nhưng đến nay tình trạng này vẫn còn tiếp diễn, gây nhiều bức xúc”, ĐB Hòa phát biểu.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn dành nhiều thời gian trả lời các vấn đề đại biểu HĐND tỉnh quan tâm trong buổi thảo luận tại tổ.
Tham gia giải trình tại phiên thảo luận tại tổ, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết có 19 bãi đỗ xe đang được quy hoạch bổ sung trên địa bàn các phường nội thành TP Quy Nhơn. Cùng với đó, UBND tỉnh đang gấp rút triển khai công tác giải phóng mặt bằng từ khu vực cầu Đen trên đường Đống Đa (phường Hải Cảng) đến khu vực bến du thuyền Quy Nhơn để làm điểm đậu đỗ xe. UBND tỉnh cũng đang bổ sung quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị Quy Nhơn, trong đó có bố trí 2 bãi đậu đỗ xe ngầm tại khu vực Quảng trường Quy Nhơn và khu vực ngã 5 Ngô Mây.
NHÓM PV XÂY DỰNG ĐẢNG