Nhân Ngày vì nạn nhân chất độc da cam/Dioxin (10.8):
Nỗi đau da cam - bao giờ nguôi ngoai?
Hơn 50 năm đã trôi qua kể từ thời điểm quân đội Mỹ rải lít chất độc hóa học (CĐHH) đầu tiên xuống mảnh đất này, nỗi đau da cam vẫn âm ỉ ghim vào từng thế hệ nhói buốt.
Sự quan tâm của các cấp Hội đã góp phần xoa dịu phần nào nỗi đau của nạn nhân da cam.
Không thấy ngày mai
82 tuổi, người đàn ông trở về từ hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, ông Huỳnh Ngọc Trang, ở tổ 34, khu vực 4, phường Quang Trung, TP Quy Nhơn, đang ngày ngày đối diện với nỗi đau khi những đứa con đều khiếm khuyết cả về thể xác lẫn trí tuệ. Người con trai Huỳnh Minh Vương (42 tuổi) bị tâm thần phân liệt. Cô con gái út Huỳnh Ngọc Nhung (35 tuổi) bị liệt toàn thân. Ngoài người con gái cả cũng bị tâm thần phân liệt đang sống nhờ vào sự đùm bọc của bà con bên ngoại (tỉnh Nghệ An), vợ chồng ông và hai người con còn lại đều đang dựa vào khoản trợ cấp xã hội cộng lại chưa đến 1 triệu đồng/tháng. Trong căn nhà chật chội đã xuống cấp, bốn con người khắc khoải, mòn mỏi với nhịp sống đang rệu rã từng ngày.
Sổ bộ đội được cấp năm 1964 là giấy tờ duy nhất còn lại chứng thực ông từng chiến đấu tại chiến trường Bình - Trị - Thiên. Năm 1979, một tai nạn khiến ông phải đi tù 8 năm. Ngày trở về, ông không được hưởng bất kỳ chế độ nào dành cho bộ đội tham gia kháng chiến. Bản thân ông lại không có bệnh án nhiễm chất độc da cam. Đến nay, các con ông đều không thể làm được hồ sơ nạn nhân chất độc da cam để nhận sự hỗ trợ từ Nhà nước. Vợ chồng ông đều lắc đầu khi nghe hỏi về những dự định sắp tới - Vợ chồng tôi đầu chỉ còn vài sợi tóc mà vẫn phải chạy cơm từng bữa toát mồ hôi, làm gì có ngày mai mà tính.
Mở rộng đối tượng được hưởng chế độ chính sách CĐHH, đồng thời sớm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập liên quan đến quy trình xét duyệt được hưởng chế độ là điều hết sức cần thiết, nghiên cứu sớm triển khai để góp phần xoa dịu phần nào nỗi đau cho các gia đình
Ở làng Hiệp Hà, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh, nỗi đau tương tự cũng đang đè nặng lên một gia đình trẻ - nhà anh Đoàn Văn Hải (36 tuổi). Đứa con gái thứ hai của anh, bé Đoàn Thị Hoa, 9 tuổi, suốt ngày phải đối diện với cảnh da dẻ nứt nẻ, bong tróc đến tứa máu. Thăm bé vào một ngày mát trời, chúng tôi được chứng kiến cảnh Hoa nô đùa cùng bạn bè. Những ngón chân bám chặt vào nhau làm bước đi kém phần linh hoạt không ngăn được niềm vui được bên bạn bè của bé. Hình ảnh đó làm anh Hải xót xa. Người đàn ông dân tộc Chăm cứ lặng lẽ ngắm con rồi xuýt xoa: “Thấy con vui vẻ được ngày nào là vui ngày đó. Những ngày trời nắng gắt, tiếng con khóc vì đau rát vọng khắp nhà làm hai vợ chồng đau buốt ruột gan. Dù đã đắp khăn ướt lên người cho dịu bớt nhưng cơn đau giằng xé chẳng ngừng”.
Anh Hải chẳng biết tên bệnh của con là gì và nguyên nhân vì sao. Chỉ nhớ, hồi sinh ra bé đã có lớp da khô như vậy. Một số cán bộ địa phương kết luận con anh bị phơi nhiễm CĐHH. Người ta nói, bệnh của con anh có chữa hết năm hết tháng thì cũng không chắc khỏi. Vậy là anh thôi nghĩ đến chuyện đưa con đi chữa trị nữa. “Tôi chỉ lo mai mốt lớn, con biết xấu hổ với bạn bè về ngoại hình của mình mà lủi thủi một mình thì thương lắm!”, anh Hải tâm sự thêm.
Xoa dịu nỗi đau
Thông qua các cấp Hội NNCĐDC/Dioxin, nhiều phần quà từ sự ủng hộ của các đơn vị, tổ chức đã được chuyển đến nạn nhân da cam nhân kỷ niệm Ngày vì nạn nhân chất độc da cam/ Dioxin năm nay. Tỉnh Hội đã tặng 30 suất quà (trị giá 200 - 400 ngàn đồng/suất) cho nạn nhân da cam của 3 huyện Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Hoài Ân; hỗ trợ các Huyện Hội 2 triệu đồng/địa phương. Hội NNCĐDC TP Quy Nhơn tặng 50 suất quà cho nạn nhân da cam ở 16 phường, xã, tổng trị giá 16 triệu đồng. Hội NNCĐDC huyện Vân Canh tặng 28 suất quà (tổng trị giá 6 triệu đồng) cho đối tượng bị phơi nhiễm CĐHH tại địa phương... Các cấp Hội đang tiếp tục vận động để chuẩn bị các phần quà dịp Tết Nguyên đán cho hội viên.
Nỗi đau của nhà ông Trang, anh Hải chỉ là một trong số hàng trăm, hàng ngàn nỗi đau mang tên da cam ở tỉnh ta. Ước tính, toàn tỉnh hiện có hơn 14.000 người phơi nhiễm chất độc da cam. Nhưng đáng nói chỉ có 1.448 người được công nhận nhiễm CĐHH và được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước, chiếm tỉ lệ 10,9%. 80% số hộ có nạn nhân phơi nhiễm da cam đều là hộ nghèo. Họ sống lay lắt dựa vào trợ cấp bảo trợ xã hội và sự hỗ trợ của tổ chức Hội NNCĐDC/Dioxin các cấp và cộng đồng. Song, sự hỗ trợ và sự sẻ chia đó chỉ có thể xoa dịu phần nào nỗi đau của người bị nhiễm CĐHH.
Hiện tại, đối tượng được hưởng chế độ CĐHH mới chỉ dừng lại ở những người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH và thế hệ thứ 2 bị dị tật, dị dạng. Còn hàng trăm gia đình hoạt động kháng chiến đang chứng kiến CĐHH lan sang thế hệ thứ 3. Hàng ngàn gia đình có người bị phơi nhiễm CĐHH đang sống lay lắt với cái nghèo và nỗi đau tinh thần. Mở rộng đối tượng được hưởng chế độ chính sách CĐHH, đồng thời sớm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập liên quan đến quy trình xét duyệt được hưởng chế độ là điều hết sức cần thiết, nghiên cứu sớm triển khai để góp phần xoa dịu phần nào nỗi đau cho các gia đình.
Còn nhớ trong chuyến làm việc gần đây, Trung tướng Nguyễn Thế Lực, Phó Chủ tịch Trung ương Hội NNCĐDC, đã khẳng định Bình Định là mảnh đất chịu ảnh hưởng nặng nề về CĐHH. Ông nhấn mạnh: “Để nguôi ngoai di chứng nặng nề, dai dẳng này, những nỗ lực để điều chỉnh chính sách cho phù hợp, tinh gọn hơn thủ tục để được công nhận nhiễm CĐHH… là việc phải làm ngay. Bên cạnh đó, sự chung tay của cộng đồng là hết sức cần thiết”.
NGUYỄN MUỘI - MỸ HẠ
Theo số liệu điều tra năm 2009, số người bị phơi nhiễm CĐHH của tỉnh Bình Định là: 14.064 người (trong đó có 7.042 người phơi nhiễm trực tiếp và 7.022 người phơi nhiễm gián tiếp), chiếm 43% trong tổng số người khuyết tật. Số nạn nhân đã chết 1.261 người, số nạn nhân còn sống 12.803 người; con đẻ nạn nhân 6.922 người, cháu nạn nhân 100 người. Trong tổng số 6.010 hộ có người bị phơi nhiễm, có 382 hộ có 1 người nhiễm, 4.615 hộ có 2 người nhiễm, 723 hộ có 3 người nhiễm, có 183 hộ có 4 người nhiễm, 107 hộ có 5 người nhiễm.