Ðưa tín dụng thương mại về nông thôn
Ðưa tín dụng về khu vực nông thôn đang được nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh quan tâm. Ðiều này giúp ngân hàng có thêm nhiều khách hàng mới, nâng cao năng lực kinh doanh; doanh nghiệp, người dân cũng có thêm cơ hội tiếp cận, vay vốn để phục vụ đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Nhiều năm qua, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Chi nhánh Bình Định (Sacombank Bình Định) đã tăng cường mở rộng địa bàn hoạt động đến các huyện, thị xã; thiết kế và cung ứng nhiều sản phẩm với lãi suất cạnh tranh để thu hút khách hàng, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Hiện Sacombank Bình Định đã thành lập 4 phòng giao dịch tại TX An Nhơn, TX Hoài Nhơn, huyện Tuy Phước; lắp đặt 24 máy ATM, POS ở các địa phương, đồng thời cung cấp cho khách hàng nhiều dịch vụ khác qua các kênh Internet Banking, Mobile Banking…
Nhiều khách hàng đến vay vốn tại Sacombank Phòng giao dịch Đập Đá, TX An Nhơn. Ảnh: TIẾN SỸ
Ông Lê Vũ Cảnh, Phó Giám đốc Sacombank Bình Định, cho biết: Việc phát triển mạng lưới giao dịch tín dụng tại các địa phương giúp ngân hàng dễ dàng chuyển tải dòng vốn cùng các dịch vụ, tiện ích đến khách hàng. Khách hàng cũng đã tiếp cận nhanh nhiều sản phẩm của ngân hàng với lãi suất hợp lý để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD). Hiện dư nợ cho vay tại các phòng giao dịch ở địa phương chiếm 65% tổng dư nợ của Sacombank Bình Định.
Trong khi đó, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt - Chi nhánh Bình Định (LPBank Bình Định) đã ký kết với Hội LHPN tỉnh đẩy mạnh chương trình hỗ trợ tín dụng cho phụ nữ khởi nghiệp ở khu vực nông thôn, không cần tài sản thế chấp.
Ông Dương Thành Vương, Giám đốc LPBank Bình Định, chia sẻ: “Tại các thôn, khu phố, chúng tôi lựa chọn, đào tạo tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, cùng với cán bộ tín dụng của ngân hàng khảo sát, nắm bắt nhu cầu thực tế của thành viên. Từ đó, ngân hàng thiết kế và cung ứng các gói sản phẩm phục vụ SXKD, tiêu dùng, vay để đầu tư trên lĩnh vực NN&PTNT, xây dựng, sửa chữa nhà ở… phù hợp với lãi suất cạnh tranh. Cán bộ tín dụng đứng chân địa bàn có trách nhiệm hỗ trợ thủ tục, trực tiếp thẩm định hồ sơ vay vốn và trực tiếp giải ngân cho hộ vay. Cách làm này đảm bảo dòng vốn tín dụng đến với khách hàng nhanh hơn, góp phần giảm tình trạng chiếm dụng vốn, sử dụng vốn vay không đúng mục đích, hạn chế nợ xấu. Từ năm 2018 đến nay, thông qua 300 tổ tiết kiệm và vay vốn tại 9/11 huyện, thị xã, thành phố, chúng tôi đã cho 7.000 lượt khách hàng vay hơn 200 tỷ đồng”.
Danh sách ngân hàng hợp tác với các hội, đoàn thể khơi dòng vốn tín dụng ở khu vực nông thôn đã nối dài thêm với sự tham gia của các ngân hàng thương mại, như: Ngân hàng TMCP Nam Á; Ngân hàng TMCP Đông Nam Á, Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh, Ngân hàng TMCP Nam Á…
Ông Hoàng Quảng Khải, Giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á - Chi nhánh Bình Định cho biết, hiện ngân hàng có 2.000 khách hàng ở khu vực nông thôn với doanh số cho vay khoảng 200 tỷ đồng. Khảo sát của chúng tôi cho thấy, KT-XH tại các địa phương của tỉnh Bình Định đang phát triển khá nhanh, nhu cầu vay vốn để đầu tư phát triển SXKD của DN và người dân rất lớn. Vì thế, tới đây ngân hàng tiếp tục tăng cường mở rộng hoạt động tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Nguyễn Trà Dương, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bình Định, việc các ngân hàng thương mại mở rộng mạng lưới và đẩy mạnh tín dụng ở khu vực nông thôn đã giúp DN, người dân tiếp cận thêm nhiều nguồn thông tin liên quan đến cơ chế, chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của tỉnh. Người dân có nhiều lựa chọn tổ chức tín dụng vay vốn với lãi suất hợp lý, từ đó giảm bớt khó khăn về vốn cũng như chi phí lãi vay để phát triển SXKD, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm. Ngoài ra, các ngân hàng đẩy mạnh tín dụng ở khu vực nông thôn còn góp phần hạn chế đáng kể việc người dân tìm đến tín dụng đen.
PHẠM TIẾN SỸ