Kết quả khai quật phế tích tháp Đại Hữu: Làm rõ thêm giá trị văn hóa Champa ở Bình Định
(BĐ) - Sáng 14.7, Sở VH&TT phối hợp với Viện khảo cổ học Việt Nam tổ chức báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ phế tích tháp Đại Hữu ở thôn Chánh Mẫn, xã Cát Nhơn (huyện Phù Cát). TS Phạm Văn Triệu, Phó trưởng Phòng Khảo cổ học lịch sử (Viện Khảo cổ học Việt Nam); ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở VH&TT; ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, đồng chủ trì buổi báo cáo.
TS Phạm Văn Triệu, Phó trưởng Phòng Khảo cổ học lịch sử Viện khảo cổ học Việt Nam (người đứng) báo cáo kết quả khai quật. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Phế tích tháp Đại Hữu được Bộ VH-TT&DL cấp phép cho Bảo tàng tỉnh Bình Định phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam khai quật khảo cổ từ ngày 25.4 - 15.6.2023, với diện tích khai quật 200 m2.
Sau gần 2 tháng tiến hành cuộc khai quật đã làm xuất lộ phần kiến trúc tháp, gồm: Phần tường tháp phía Bắc có chiều dài 3,7 m; tường tháp phía Nam dài 4,5 m; tường tháp phía Đông không còn, nhưng xuất lộ hệ thống chân móng tháp phát triển về cả ba hướng Đông, Nam, Bắc. Đặc biệt, cuộc khai quật cũng đã phát hiện hố thiêng chính giữa lòng tháp được xây bằng gạch có mặt hình vuông, mỗi cạnh dài 0,5 m, độ sâu 2,42 m.
Bia ký Champa phát hiện tại phế tích tháp Đại Hữu. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Quá trình khai quật cũng phát hiện được 102 hiện vật đá với nhiều loại hình, kích thước khác nhau, gồm: Bệ thờ, bia ký Champa; phù điêu trang trí hình người, hình động vật, hình cánh sen; chày nghiền. Ngoài ra, còn có nhiều hiện vật chất liệu đất nung, như: Gạch, chóp tháp góc, gốm trang trí điểm góc, đồ gốm gia dụng của Champa và Trung Quốc; hiện vật đồ kim loại có tiền đồng khắc chữ “Minh Mạng thông bảo”, mũi đục sắt…
Phù điêu trang trí tháp. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Từ những di tích và di vật phát hiện trong cuộc khai quật này, so sánh với kiến trúc tháp Champa đã được khai quật nghiên cứu, kết hợp bia ký đã được phát hiện từ trước đến nay, các chuyên gia khảo cổ học nhận định phế tích tháp Đại Hữu có niên đại khoảng thế kỷ XII - XIII.
Hiện vật bằng đất nung. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Tại buổi báo cáo sơ bộ, các chuyên gia khảo cổ học, nhà nghiên cứu văn hóa, ngành chức năng, ngành văn hóa huyện Phù Cát, UBND xã Cát Nhơn đã trao đổi, đưa ra một số ý kiến để làm rõ hơn giá trị lịch sử, văn hóa phế tích tháp Đại Hữu; trong đó, tập trung vào giải pháp bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích đã xuất lộ, đề xuất việc tiếp tục mở rộng diện tích khai quật, nghiên cứu tổng thể di tích…
NGỌC NHUẬN