Giải võ cổ truyền các võ đường Bình Ðịnh tranh cúp Hoàng đế Quang Trung năm 2023:
Nâng chất lượng, giữ bản sắc
Giải võ cổ truyền các võ đường Bình Ðịnh tranh cúp Hoàng đế Quang Trung năm 2023 chứng kiến nhiều tín hiệu vui về chất lượng chuyên môn ở cả nội dung hội thi và đối kháng. Tuy nhiên, thực tế đã có những vấn đề phát sinh, cần phải thay đổi ở những giải sau nhằm giữ bản sắc riêng cho các võ đường…
Những tín hiệu vui...
Với khoảng 600 VĐV đến từ 54 võ đường, CLB trong tỉnh; tuy số lượng võ đường ít hơn năm 2022 nhưng số VĐV lại tăng, nhất là ở nội dung đối kháng. Theo đánh giá của Ban tổ chức, ở nội dung hội thi, nhiều VĐV thể hiện sự tiến bộ rõ ràng trong kỹ thuật biểu diễn, tính cạnh tranh quyết liệt hơn. Bên cạnh đó, một số bài võ mới được sưu tầm, tập huấn cho các võ sư, HLV đã được các võ sinh thể hiện tốt. Đây là tín hiệu vui cho công tác bảo tồn, lưu giữ những tinh hoa của các võ đường. Trong đó, các võ đường, CLB có truyền thống như: CLB Võ thuật Chùa Long Phước, võ đường Kim Huệ (Tuy Phước), võ đường Kim Hoàng (Hoài Nhơn)… vẫn thể hiện sự vượt trội.
Nhiều trận đấu đối kháng diễn ra gay cấn, khi kỹ thuật và thể lực của các võ sĩ được nâng lên nhiều so với các giải trước đây. Ảnh: HOÀNG QUÂN
Trong khi đó, nội dung đối kháng năm nay cho thấy sự chuẩn bị của các võ đường, CLB khá tốt, với những võ sĩ có chuyên môn và thể lực. Sự xuất hiện của những “nhân tố mới” như CLB Fitness 77 (Tuy Phước) hay CLB võ thuật cổ truyền Bộ CHQS tỉnh… với nhiều võ sĩ xuất sắc khiến cuộc đua tranh cúp vô địch và các thứ hạng cao diễn ra gay cấn.
... và một số hạn chế cần khắc phục
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở VH&TT Bùi Trung Hiếu - Trưởng Ban Tổ chức Giải võ cổ truyền các võ đường Bình Định tranh cúp Hoàng đế Quang Trung năm 2023, có một số phân tích rất đáng chú ý. Theo ông Hiếu, việc các võ đường, CLB vì muốn tranh chấp thứ hạng cao mà mượn quân hoặc “chuyển nhượng” đã xảy ra ở một vài mùa giải trước, nhưng nay điều này dày hơn. Nó có thể bình thường ở các giải dành cho CLB, thuần túy về chuyên môn, nhưng việc lạm dụng đang ảnh hưởng đến khả năng đánh giá chính xác đào tạo, huấn luyện, chất lượng bản sắc của võ đường, CLB. Trong khi đó, mục đích của Giải cùng với việc hướng tới kích thích phong trào còn có mục tiêu tăng cường bảo tồn giá trị đặc sắc của võ thuật cổ truyền nói chung và từng môn phái, từng võ đường nói riêng.
Chính vì vậy, để Giải đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, việc “định danh” võ sinh, VĐV thuộc các võ đường là điều cần được tính đến. Một trong những giải pháp có thể được áp dụng là tạo “mã định danh” cho VĐV. Ngay từ khi làm lễ bái sư, võ sinh đã được xác định là thành viên của môn phái đó, trong suốt quá trình thi nâng cấp đai và thi đấu giải, võ sinh chỉ được mang màu áo của võ đường từng đào tạo mình. Việc quản lý VĐV cần được số hóa để chặt chẽ, chính xác, tránh những tranh chấp nảy sinh.
Với tư cách là Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, Đại võ sư Bùi Trung Hiếu chia sẻ: “Trong khuôn khổ Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam diễn ra vào tháng 8 tới đây sẽ có cuộc hội thảo về phát triển phong trào võ thuật cổ truyền. Tôi sẽ đưa vấn đề này ra trao đổi để đi đến thống nhất về tính chính danh của VĐV. Bởi khác với những môn võ khác, võ cổ truyền Việt Nam ngoài yếu tố chuyên môn còn phải thể hiện rõ nguồn gốc hệ phái, tông môn”.
HOÀNG QUÂN