Tôi chỉ góp một phần sức nhỏ vào công tác bảo tồn gen
Sau gần 7 năm nghiên cứu, Th.S Lê Ðức Dũng, Phó trưởng Bộ môn rau, hoa và cây cảnh thuộc Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ (Bộ NN&PTNT) thực hiện thành công đề tài nghiên cứu khoa học “Bảo tồn nguồn gen lan Ðai Châu phân bố ở rừng An Lão tỉnh Bình Ðịnh”. Phóng viên Báo Bình Ðịnh đã có cuộc trò chuyện với anh xung quanh vấn đề bảo tồn gen giống lan rừng quý hiếm này.
*Cơ duyên nào đưa anh tới với việc nghiên cứu và bảo tồn gen dòng lan Đai Châu của núi rừng An Lão?
- Dịp tết Nguyên đán năm 2015, trong một lần đến thăm một người bạn, tôi thấy một giò lan Đai Châu đang nở hoa rất đẹp, hương thơm đặc biệt. Người bạn đó cho biết đây là giống lan Đai Châu được xác định là đặc hữu của huyện An Lão. Qua trò chuyện, tôi biết thêm, giống lan này trong tự nhiên gần như không còn nữa. Một phần do giống lan này rất khó phát tán, sinh sôi trong môi trường tự nhiên, phần nữa là nó bị khai thác tới cạn kiệt.
Từ những thông tin này, tôi cùng nhóm cộng sự của Bộ môn rau, hoa và cây cảnh (Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ) đề xuất và đã được Ban lãnh đạo Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ chấp thuận cho triển khai đề tài nghiên cứu khoa học “Bảo tồn nguồn gen lan Đai Châu phân bố ở rừng An Lão tỉnh Bình Định bằng phương pháp nhân giống in vitro”.
Th.S Lê Đức Dũng giới thiệu về đặc trưng riêng của dòng lan Đai Châu An Lão. Ảnh: T.D
* Vậy mất bao nhiêu lâu để có những mô lan Đai Châu?
- Khoảng 8 tháng, tính từ khi gieo hạt vào môi trường dinh dưỡng đến khi hạt nảy mầm. Thêm 2 tháng nữa để phôi phát triển, sau đó tiếp tục lựa chọn phôi khỏe mạnh cấy chuyền sang môi trường tạo cây con, đoạn này mất thêm 3 tháng, cây con tiếp tục được cấy chuyền sang môi trường tạo cây hoàn chỉnh, lại mất thêm 3 tháng. Đấy là nếu mọi chuyện hanh thông và… may mắn nhé.
Năm 2010, tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ sinh học, Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP Hồ Chí Minh) Th.S Lê Đức Dũng về công tác ở Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ. Hiện anh là Phó trưởng Bộ môn rau, hoa và cây cảnh thuộc Viện. Anh là người tham gia vào việc nghiên cứu tuyển chọn, lai tạo nhiều giống rau, dưa đã đưa vào canh tác đại trà ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ.
Trong giai đoạn 2016 đến nay, anh cùng cộng sự thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học theo yêu cầu của chuyên môn; là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở nhiều năm liền. Năm 2022, Th.S Lê Đức Dũng được Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT tặng bằng khen vì có nhiều đóng góp trong hoạt động nghiên cứu khoa học.
Để bảo tồn giống lan Đai Châu mình phải giữ đầy đủ các đặc điểm vốn có của nó như hình dạng, màu sắc, sự phân bố của cả thân, lá, hoa, trong đó, điểm đặc biệt cần phải bảo tồn là hương thơm.
Sau 7 năm thực hiện, hiện Viện đang lưu giữ 2.000 cá thể lan Đai Châu 7 tuổi. Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu tiếp tục tiến hành chọn lọc những cá thể ưu tú (sinh trưởng và phát triển tốt, không nhiễm sâu bệnh hại, có thân, lá, hoa đẹp) ứng dụng công nghệ nuôi cấy đỉnh sinh trưởng (một phương pháp nuôi cấy tái sinh chồi) nhằm tạo ra cây đồng đều, đồng thời duy trì những đặc tính quý hiếm của giống gốc, góp phần tiếp tục bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm của lan Đai Châu An Lão.
* Từ một nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị, hiện Sở KH&CN “đặt hàng” để nghiên cứu thành đề tài ở quy mô lớn trong việc bảo tồn gen thực vật đặc hữu, anh có thể chia sẻ gì thêm về điều đó?
- Đầu năm 2022, UBND tỉnh Bình Định phê duyệt đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen tỉnh Bình Định đến năm 2025. Trong năm 2022, tỉnh Bình Định đã tiến hành bảo tồn nguồn gen một số giống cây trồng như lúa cạn (lúa rẫy), lúa nếp, bắp nếp và giống sắn ngọt có nguồn gốc bản địa gắn phát triển kinh tế cho phụ nữ nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Năm 2023, tỉnh Bình Định tiếp tục tiến hành bảo tồn nguồn gen dừa nước nhằm phục hồi rừng ngập mặn, phục vụ du lịch sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo tồn nguồn gen lan Đai Châu An Lão.
Hiện tại Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ đang thực hiện nhiệm vụ “Bảo tồn nguồn gen một số giống cây trồng (lúa cạn/rẫy, lúa nếp, bắp nếp và giống sắn ngọt) có nguồn gốc bản địa gắn với phát triển kinh tế cho phụ nữ nông thôn và vùng đồng bào dân tộc ít người của tỉnh Bình Định”; còn nhiệm vụ “Bảo tồn nguồn gen lan Đai Châu phân bố ở rừng An Lão tỉnh Bình Định” Viện đã xây dựng hồ sơ tham gia tuyển chọn theo hướng dẫn của Sở KH&CN để thực hiện. Cùng với đó, trong năm 2024, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu phục tráng và phát triển nguồn gen kiệu sẻ Bình Định.
Lan Đai Châu An Lão. Ảnh: NVCC
*Vậy anh có suy nghĩ như thế nào với vấn đề bảo tồn gen thực vật bản địa của tỉnh Bình Định?
- Tỉnh Bình Định có sự đa dạng các loài thực vật với nhiều loài quý hiếm, đặc hữu, trong đó có nguồn gen cây dược liệu, rau màu, lúa, hoa cảnh... Việc khai thác theo cách thức tận diệt, cộng với biến đổi khí hậu, môi trường sống... khiến nhiều giống cây trồng bản địa có nguồn gen quý, có giá trị kinh tế cao có nguy cơ thoái hóa, lẫn tạp, thậm chí có thể biến mất hoàn toàn trong tự nhiên. Vì vậy, việc UBND tỉnh đẩy mạnh công tác điều tra, đánh giá thực trạng nguồn gen đang có nguy cơ cao, sau đó ứng dụng các tiến bộ KHKT, công nghệ vào bảo tồn, khai thác và phát triển hợp lý các nguồn gen quý, hiếm, nhất là các loài gen mang đặc trưng của địa phương, có giá trị kinh tế cao là một việc làm hết sức quan trọng. Điều này tạo động lực, cảm hứng để các nhà khoa học tập trung nghiên cứu, cống hiến cùng với chính quyền các cấp của tỉnh Bình Định lưu giữ được nguồn tài nguyên vô giá phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế của địa phương.
* Xin cảm ơn anh! Chúc anh sức khỏe và thành công trong nghiên cứu khoa học.
Lan Đai Châu An Lão thuộc nhóm phong lan đơn thân, có dáng đẹp, thân mọc thẳng đứng, rễ to khỏe, lá màu xanh bóng, lá vặn xoắn không có sọc lá như các giống Đai Châu khác; phân bố chủ yếu ở vùng rừng núi thuộc các xã An Dũng, An Quang và An Nghĩa.
Lá lan Đai Châu An Lão mọc ngang, cong xuống đối xứng, thân được xếp thành 2 hàng mọc đối nhau, lá trên một hàng xen kẽ với lá của hàng kia, chiều dài lá từ 30 - 40 cm, chiều rộng lá 4 - 5 cm. Vòi hoa dài 30 - 40 cm, hoa rũ xuống, bông màu trắng có đốm tím, cánh môi màu tím. Hoa nở vào thời điểm cuối tháng 12 âm lịch thường rộ vào dịp tết Nguyên đán, độ bền hoa từ 25 - 30 ngày nên rất được ưa chuộng, đặc biệt hương hoa rất thơm.
THU DỊU (Thực hiện)