Tình biển
* Truyện ngắn của ĐOÀN THỊ MINH HIỆP
- Út à, chị Hai đâu con?
- Dạ, chị Hai vẫn ngồi ở mỏm đá ngoài biển đó mẹ.
Mắt mẹ nó thoáng buồn: “Lại ra đó ngồi à, gọi chị về ăn cơm con, tối rồi”. Cái Út thả cây bút đang lở dở làm bài tập xuống bàn, đứng lên đi ra ngoài. Chưa tới nơi, thoáng thấy bóng chị Hai đang ngồi, nó í ới gọi:
- Hai ơi, Hai… Về ăn cơm nghen, tối rồi.
- Ừ… Hai về liền đây…
Tiếng hai chị em nhà Út vọng vào vách núi rồi dội ra biển cả mênh mông, lẫn vào tiếng sóng biển rì rào làm chạnh lòng dân xóm chài. Cả tuần nay rồi, chiều nào cũng vậy, nghe mà thêm xót xa.
Cái Hai đứng chỗ ấy thổi sáo từ mấy buổi chiều nay, nó đợi ba nó về. Không biết biển có nghe tiếng lòng trong tim nó thổn thức, đượm buồn tha thiết gởi vào tiếng sáo chiều. Những cánh én về muộn sau một ngày kiếm ăn mệt mỏi chao lượn đầy trời. Sao nó đợi bố hoài mà bố vẫn không về? Dạo trước khi bố nó chuẩn bị đi đánh mẻ lưới này với chú Tư và anh Khía con bác Năm, bố dặn: “Cái Hai ở nhà nhớ chỉ em học bài, phụ mẹ lo việc nhà, lần này bố đi hơn một tháng mới về. Bố đi chuyến này về sẽ mua cho hai chị em cái kệ sách mới đựng sách vở nghen, cái bàn cũ cũng kêu cọt kẹt, mục nát rồi…”.
Lời bố dặn còn rõ mồn một từng từ vọng bên tai. Hình ảnh cái Út tí tửng mừng rỡ vỗ tay bôm bốp, và hôn tạm biệt bố còn như trước mắt. Anh Khía dúi vào tay nó cây sáo: “Cái Hai ở nhà tập thổi sáo nha, anh cho cái Hai mượn đó. Chừng nào anh về Hai thổi cho anh nghe, không được lười biếng à nghen!”. Nó đã dạ, đã hứa và ngoan thế mà…
Khi tàu của bố đi được hai tuần, lúc chị em nó đi học về, nó nghe trên đài phát thanh của xã báo tin bão dữ. Nó muốn khóc nức nở mà vẫn cố gượng với câu hỏi của cái Út:
-Hai ơi, loa xã nói về dặn người nhà đừng ra biển vì sóng lớn. Mà bố đi lâu rồi mà… Hai ơi, làm sao gọi cho bố Út về đi.
-Thì bố nhìn mặt biển, nhìn gió là bố biết có bão mà về à. Cái Út ngoan lo học đi nha, bố sẽ về rồi mua cho Út cái bàn mới nhé!
Nhà Út đã hai đời gắn với biển. Ông nội mất cũng vì một chuyến ra khơi. Cái làng chài quen mặt hết những người dân ở đây. Khi sinh hai chị em nhà nó, bố chỉ mong hai đứa học cho có cái chữ rồi lên thành phố làm ăn sinh sống, đừng sống mãi với sóng biển đầy bão tố. Vì vậy bố tuyệt nhiên không dạy chị em nó tập bơi, sợ rằng mê sóng biển mà bám trụ ở nơi này, bám vào cái lưới, cái chài, mặn mùi tanh của cá, khổ lắm! Cái Hai đã học đến lớp 7 rồi nhưng cái Út mới học lớp 2. Cả nhà nó vẫn còn phải gắn bó dai dẳng với biển, khổ hay không thì nó sinh ra đã bên biển và lớn lên cùng với biển. Màu của nắng gió, vị mặn của biển, mùi tanh của cá đã ăn sâu vào làn da rám màu mật ong chắc nụi như nó. Cái Hai mới hơn mười tuổi mà phổng phao mặn mà như gái mười lăm, mười sáu. Cuộc sống khiến nó sớm chín chắn trưởng thành, mạnh mẽ như sóng và sống bao dung như biển rộng vậy.
Tấm lưới của bố cũng đã vá chằng vá chịt phai màu sắc nuôi lớn hai chị em nó. Dạo trước khi hai chị em nó còn nhỏ, bố đi dăm ngày nửa tháng lại về. Lần này cái Hai đã lớn, tháo vát đảm đang, cái Út ngoan hiền, biết nghe lời nên bố yên tâm đi xa. Nhưng bố đã bảo là đi một tháng thôi mà giờ hơn một tháng rồi. Khi tin bão đã dịu xuống im lìm, tuần sau đó, tàu của bác Năm cũng ra khơi ngắn ngày, nó nhắn nhủ:
- Bác Năm đi, bác Năm ngóng tin bố Út nha! Bác Năm gọi bố về, ít cá cũng được, chị em Út không cần mua bàn mới, kệ mới nữa.
Nghe nó dặn mà bác Năm thấy thắt lòng: “Ừ, nếu gặp bác Năm sẽ nhắn”. Rồi, tuần sau đó bác về, nó chạy vù ra đón nhưng không thấy tàu của bố đâu. Bác Năm thấy nó buồn rười rượi an ủi: “Bác Năm đi vội, đi gần lấy cá về ăn, không đi xa con à! Mà bố dặn một tháng bố về mà, nay bốn tuần rồi, vài ba ngày nữa bố về thôi con”. Nó dạ và lủi thủi đi về. Từ hôm ấy, chiều nào nó cũng tắm táp cho cái Út, lo cơm nước xong là nó chạy vù ra biển, leo lên cái chỏm đá mà ngóng mà thổi sáo. Nghe tiếng sáo buồn tha thiết của nó vọng vào mênh mông, người dân chài bảo: “Hai nè, con thổi bài nào khác được không, bài này buồn quá à!”. Nó tiu nghỉu, buồn buồn: “Con biết mỗi một bài này à, anh Khía mới chỉ con thổi có một bài này mà”.
Hôm nay cũng vậy, không biết là buổi chiều thứ mấy như vậy rồi… Cái Hai tụt khỏi mõm đá dắt tay em nó về ăn cơm. Cái Út ngây thơ hỏi:
-Hai đứng trên đó, Hai có nhìn thấy tàu của bố Út không?
- Có, tàu bố Út đang kéo lưới, nặng lắm, chắc hơn tuần nữa bố mới về. Út xíu nữa phải ngoan, ăn nhiều vào, mai mốt bố về là Út phụ bố gỡ lưới há!
Cái Út dạ vâng ngoan ngoãn. Nắng chiều vàng vọt hanh bóng hai chị em trên nền biển. Tiếng sóng biển rạt rào, không biết biển có biết Hai nghĩ gì không nhỉ?
Tuần mới qua, rồi tuần mới khác lại đến. Sáng sớm nó dắt cái Út đến lớp, đến trưa hai chị em về nghe có tiếng lao xao ở bờ biển. Nó nghe tiếng gió ù ù vào tai, mắt nó cay cay. Nó thả con bé Út chạy sau nó vù ra biển. Nó thổn thức, nó không mong có mẻ lưới cá lớn, nó chỉ mong bố về với chị em nó, nguyên hình hài của bố mà thôi. Nó không tài nào chen nổi vào đám người đông nghẹt. Không phải tàu của bố, nó nhẩm đọc biển số tàu, là tàu của ai đó dạt vào. Nó dắt em nó đi về, bước chân nặng nề thất vọng. Bất chợt cái Út reo lên:
- Hai ơi, phía xa có tàu về kìa!
Cái Hai nhìn theo tay em nó, đến khi tàu về gần hơn chút nữa nó nắm lấy tay cái Út reo lên:
- Ừ, đúng rồi, tàu của bố đấy. Thật rồi, tàu của bố thật rồi!
Nó cười vỡ òa đến bật khóc. Đúng là tàu của bố nó, tàu đến gần hơn nữa, nó nhìn thấy anh Khía đang phất phất chiếc áo trong hoan hỉ. Nó muốn chạy thẳng ra biển khơi, biển đã nghe được tiếng lòng của nó, tiếng sáo của nó đã đi vào lòng biển mẹ mênh mông. Bố nó đứng trên đầu khoang tàu nở nụ cười đầy nắng gió. Bỗng dưng nó lại thấy mình như trưởng thành lên, nó vờ nói dỗi với cái Út: “Lần này là Hai phải phạt bố đó nha, bố đã về trễ cả hai tuần còn gì, bố thất hứa”… Gió thổi bay khô giọt nước mắt nóng hổi, lẫn trong niềm hạnh phúc của nó vỡ òa. Xóm chài vẫn bình yên như đã bao đời gắn bó với biển. Những con sóng vẫn không thôi dạt dào một khúc tình biển mặn nồng…
Đ.T.M.H