Ấn Ðộ tăng cường “hướng Ðông”
Trong thông báo chung sau phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban hợp tác song phương Ấn Ðộ - Philippines tại thủ đô New Delhi mới đây, Ấn Ðộ bày tỏ quan điểm ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) năm 2016, trong đó bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” và “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Ðông. Ðộng thái này được đưa ra trong bối cảnh Ấn Ðộ tăng cường kết nối an ninh với các nước Ðông Nam Á.
Cũng trong cuộc họp này, Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo và người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar nhấn mạnh đến “lợi ích chung về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, mở cửa và toàn diện”. Hai bên kêu gọi giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình cũng như tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về luật biển (UNCLOS) và phán quyết năm 2016 của PCA về Biển Đông. Trước đó, New Delhi chỉ công nhận kết quả vụ kiện của Philippines, nhưng sau khi xảy ra vụ tranh chấp Trung - Ấn ở biên giới hồi năm ngoái, cũng như vai trò của Ấn Độ trong tầm nhìn của nhóm Bộ Tứ (gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ và Australia), thì Ấn Độ có động thái ủng hộ nhiều hơn đối với các nước trong khu vực này.
Việc Ấn Độ tăng cường an ninh với Philippines cũng là một phần trong “Chính sách hành động hướng Đông”. Nhiều chương trình trong chính sách của nước này, nhất là hợp tác quốc phòng đã được triển khai ở khắp Đông Nam Á. Trong tháng 5.2023, Ấn Độ và ASEAN tổ chức diễn tập hàng hải (AIMEX 2023) lần đầu tiên. Ngoài ra, Hải quân Ấn Độ cũng tổ chức một số hoạt động thường niên trong khu vực, như phối hợp diễn tập tuần tra với Hải quân Hoàng gia Thái Lan và Indonesia hay đưa tàu chiến đến thăm xã giao Đà Nẵng.
Ảnh: cis.org.vn
Năm 1991, New Delhi công bố chính sách hướng Đông, một động thái cho thấy tầm quan trọng của Đông Nam Á đối với an ninh của nước này. Trong những năm gần đây, các hoạt động kết nối với đối tác Đông Nam Á được đẩy mạnh nhằm duy trì trật tự quốc tế trước những hành xử ngày càng hung hăng của Trung Quốc. Khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm Việt Nam vào năm 2016, lãnh đạo hai nước đã nhất trí nâng tầm quan hệ thành Đối tác Chiến lược toàn diện. Philippines cũng từng bước mở rộng quan hệ đối tác an ninh với Ấn Độ. Năm ngoái, Manila ký hợp đồng mua tên lửa BrahMos của Ấn Độ. Trong khi đó, hợp tác quốc phòng giữa New Delhi và Jakarta thực sự bắt đầu vào năm 2018, ông Modi thăm Indonesia. Trong lĩnh vực kinh tế, Ấn Độ cũng thảo luận với Philippine, Indonesia và Việt Nam về các thỏa thuận thương mại song phương. Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Malaysia cũng được tăng cường từ năm 2015, nhất là trong mục tiêu chung về duy trì các quy định về lãnh hải đã được quốc tế công nhận và tự do hàng hải. Với các đối tác chiến lược là Singapore và Thái Lan, Ấn Độ cũng có những hành động cụ thể. Năm 2018, Thủ tướng Modi từng thăm Singapore 2 lần và trong chuyến thăm đầu, hai bên ký 35 biên bản ghi nhớ về hợp tác an ninh và kinh tế. Đối với Thái Lan, để đáp lại chính sách hướng Đông của New Delhi, Bangkok triển khai chính sách hướng Tây hồi năm 1997, nhằm thâm nhập thị trường rộng lớn của Ấn Độ.
Đối với Mỹ, chính sách hành động hướng Đông của Ấn Độ là một điều tích cực cho chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ nhằm đối phó với Trung Quốc. Những dự án hạ tầng và phát triển của Ấn Độ, cũng như các thỏa thuận thương mại, trong khu vực này, có thể giúp hạn chế sự thống trị về kinh tế của Bắc Kinh ở Đông Nam Á.
LÊ QUẢNG (Theo SCMP, timeofindia)