Nghệ nhân Hoàng Việt: “Cháy” hết mình với tình yêu hát bội, bài chòi
Trong 64 tuổi đời của mình, nghệ nhân Hoàng Việt đã có hơn 50 năm gắn bó với nghệ thuật hát bội, bài chòi cổ. Dù chặng đường hoạt động nghệ thuật đầy trắc trở, nhưng ông vẫn dành trọn đam mê và tâm huyết để “cháy” hết mình với nghệ thuật truyền thống của Bình Ðịnh.
Nghệ nhân Hoàng Việt sinh ra tại vùng đất hát bội Hòa Nghi, phường Nhơn Hòa (TX An Nhơn), là con của cặp đôi đào kép hát bội tài danh NSƯT Hoàng Chinh - Hồng Thu.
Có thể chậm nhưng chưa bao giờ ngừng bước!
Nghệ nhân Hoàng Việt kể: “Từ nhỏ tôi đã mê hát bội, nhưng ba không cho học vì ông sợ con khổ. Năm 12 tuổi, mẹ thấy tôi mê hát bội, bà lén dạy cho tôi. Sau tôi được cha tôi truyền dạy văn thơ, chữ Hán để nắm vững tuồng tích, rồi theo cha mẹ đi lưu diễn. Đến năm 17 tuổi, tôi được giao vai kép chính”.
Mê hát bội, nhưng Hoàng Việt không ngờ mình lại có ngả rẽ khi bước sang lĩnh vực múa, khi năm 16 tuổi, anh là một trong số 5 người ở huyện An Nhơn ngày ấy được cử đi học tại Trường Nghiệp vụ Văn hóa - Thông tin tỉnh Nghĩa Bình (sau này là Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật Bình Định, nay đã sáp nhập vào Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn) chuyên ngành múa. “Tôi rất bất ngờ khi vào trường được phân học lớp múa. Tôi chỉ biết múa trên sân khấu hát bội, còn vào đây lại học múa ba lê. Học được một tuần, tôi bỏ về nhà. Được ông dượng động viên, tôi quay lại nỗ lực học tập và trở thành học sinh giỏi của trường”, ông hồi tưởng.
Hằng ngày, nghệ nhân Hoàng Việt miệt mài may phục trang hát bội Bình Định tại nhà. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Tốt nghiệp vào tháng 8.1978, nghệ nhân Hoàng Việt về công tác tại Đoàn nghệ thuật ca múa nhạc nhân dân Nghĩa Bình (sau đổi tên thành Đoàn ca múa nhạc Chim Yến). Ông tâm tình: “Tôi chỉ muốn sau khi tốt nghiệp thì về nhà theo cha mẹ đi hát bội. Nhưng lúc đó có nhiều nơi, như ngành Lâm nghiệp, ngành CA, Tổng kho xăng dầu Nghĩa Bình mời tôi về công tác trong các đoàn nghệ thuật của họ. Đắn đo mãi, tôi quyết định “đầu quân” cho Đoàn nghệ thuật ca múa nhạc nhân dân Nghĩa Bình”.
Đến năm 1987, nghệ nhân Hoàng Việt chuyển công tác về Nhà hát tuồng Đào Tấn (nay là Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh). Ông bộc bạch: “Khi về Nhà hát, tôi được chuyển sang đoàn 2. Sau này, tôi xin nghỉ không hưởng lương để vào TP Hồ Chí Minh học đại học chuyên ngành múa. Đến năm cuối đại học, mẹ tôi đau nặng, tôi phải bỏ học để về chăm mẹ. Con đường học hành dở dang, hoạt động nghệ thuật gặp nhiều gian truân, nhưng tôi vẫn nỗ lực tự mình vững bước đi tiếp. Có thể chậm hơn một chút nhưng tôi chưa bao giờ ngừng bước!”.
Trong 10 năm gắn bó với Nhà hát Tuồng Đào Tấn, nghệ nhân Hoàng Việt đã khẳng định được tài năng của “con nhà tông” qua nhiều vai diễn, lẫn vai trò biên đạo, dàn dựng múa, tham gia viết kịch bản, chỉnh biên nhiều vở diễn. Đến năm 1997, ông chuyển về công tác tại Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2020.
Hát bội, bài chòi ngấm sâu vào tim
Về công tác tại Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn, Hoàng Việt đã nhiệt tình góp sức cho phong trào văn nghệ quần chúng ở địa phương, cũng như nghệ thuật hát bội, bài chòi cổ, bảo tồn di sản văn hóa miền biển. Chính ông là người đề xuất và dàn dựng kịch bản Lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa - Thể thao miền biển của thành phố tổ chức tại xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) vào năm 2006, trong đó có đưa vào giới thiệu nghi lễ nghinh thần Nam Hải, biểu diễn bả trạo trong Lễ cầu ngư.
Sau này, khi tổ chức Ngày hội, TP Quy Nhơn đều đưa nội dung này vào để quảng bá di sản văn hóa. Không chỉ vậy, nghệ nhân Hoàng Việt còn có nhiều đóng góp vào việc phục dựng Hội đánh bài chòi cổ TP Quy Nhơn vào năm 2012 và duy trì hoạt động cho đến nay. Cũng chính nghệ nhân Hoàng Việt là người giúp xã Nhơn Hải khôi phục lại đội bả trạo vào năm 2013. Ông sẵn lòng chỉ dạy diễn xuất, giúp đỡ kịch bản, thậm chí không chút nề hà tham gia cả việc biểu diễn khi cần cho một số đoàn hát bội không chuyên, như: Trần Quang Diệu, Nhơn Hưng… Nghệ nhân Hoàng Việt cũng là người đầu tiên trong tỉnh Bình Định tự làm liveshow về nghệ thuật bài chòi dân gian (năm 2017) và hát bội (năm 2019).
Hoàng Việt không những giỏi hát bội, có hiểu biết sâu sắc về bài chòi cổ của Bình Định với các loại hình diễn xướng bài chòi lớp, bài chòi kể chuyện, bài chòi độc diễn. Ông tự chỉnh lý, sáng tác mới, làm diễn viên trong nhiều trích đoạn bài chòi lớp, bài chòi kể chuyện. Các trích đoạn bài chòi cổ: Lưu Bình - Dương Lễ, Lục Vân Tiên tái hiệp Kiều Nguyệt Nga, Phụng Nghi Đình, Phạm Công - Cúc Hoa do ông sáng tác, biểu diễn đã đạt giải B chuyên ngành Sân khấu Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu tỉnh Bình Định lần thứ VI (2016 - 2020).
“Tôi may mắn được tiếp cận, nắm vững hai loại hình hát bội, bài chòi từ nhỏ. Khi nghỉ hưu, tôi có nhiều thời gian để tham gia làm hiệu tại Hội đánh bài chòi cổ TP Quy Nhơn; vào các trường học giới thiệu nghệ thuật bài chòi, hát bội cho học sinh, sinh viên; cùng một số đoàn hát bội không chuyên trong tỉnh đi lưu diễn; tập trung sáng tác, chuyển thể thêm một số trích đoạn bài chòi cổ dựa trên truyện thơ, tuồng hát bội… Tôi chỉ làm theo đam mê của mình và may mắn là tôi đã tìm thấy niềm hạnh phúc từ đó. Còn sức là tôi còn góp sức bảo tồn và phát huy giá trị di sản của cha ông”, nghệ nhân Hoàng Việt trải lòng.
Ước mong sẽ thành lập được Bảo tàng hát bội Hoàng Chinh
Hỏi về ước nguyện lớn của đời mình, nghệ nhân Hoàng Việt vẫn tiếp tục nói về hát bội, ông tâm sự: “Tôi cũng ấp ủ ước nguyện sẽ thành lập một bảo tàng tư nhân về nghệ thuật hát bội mang tên cha tôi - Bảo tàng hát bội Hoàng Chinh. Do vậy, tôi miệt mài may các phục trang, làm các loại mão, râu hát bội, sau này sẽ bổ sung thêm các loại mặt nạ, binh khí, các vở tuồng hát bội… Tôi làm việc này cũng là để tri ân tổ nghiệp, tưởng nhớ đến cha mẹ tôi, cùng những nghệ nhân hát bội của Bình Định xưa, như một cách lưu giữ “thời vang bóng” của hát bội Bình Định”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN