Về Bình Định vui lễ hội
Bình Định là tỉnh có truyền thống văn hóa và là địa phương có nhiều lễ hội sinh động, tạo điều kiện giao lưu, tăng cường tinh thần đoàn kết các dân tộc.
Việc phục dựng, tổ chức các lễ hội không chỉ góp phần phục hồi, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, mà còn quảng bá hình ảnh quê hương Bình Định ra bên ngoài. Qua các lễ hội, khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh và các tỉnh, thành trong cả nước, quan hệ quốc tế được tăng cường.
1.
Có thể khẳng định: Việc tổ chức các lễ hội ở vùng đất có nhiều lợi thế như Bình Định đã để lại những dấu ấn hết sức tốt đẹp, tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa các cộng đồng dân cư. Những hình ảnh thân thiện, gần gũi của đồng bào các dân tộc và nét đẹp văn hóa của vùng đất Võ đã có sức lôi cuốn, mời gọi du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch hoặc đầu tư ở Bình Định.
Đến nay, tỉnh ta có gần 20 lễ hội lớn nhỏ khác nhau được tổ chức định kỳ, nhiều lễ hội tiêu biểu như: lễ hội Kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa tại Tây Sơn (lễ hội Tây Sơn), lễ hội cầu ngư làng Bình Thái, lễ hội chợ Gò, lễ hội Nước Mặn ở huyện Tuy Phước, lễ hội miếu Bà, lễ hội làng rèn Phương Danh ở thị xã An Nhơn, lễ hội chùa Ông Núi, lễ hội chùa Thập Tháp, Ngày hội Văn hóa – Thể thao các dân tộc thiểu số miền núi, Ngày hội Văn hóa - Thể thao miền biển... Và gần đây, Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam tại Bình Định, đang dần trở thành một lễ hội hiện đại. Nhiều lễ hội khác trên khắp các vùng đất Bình Định từ miền xuôi đến miền núi, từ đồng bằng đến biển đảo đã góp phần làm cho đời sống văn hóa, tinh thần con người ngày càng phong phú.
2.
Qua các lễ hội truyền thống cho thấy, quy mô lễ hội được tổ chức ngày càng lớn, nội dung và hình thức phong phú, số lượng người tham gia ngày càng đông, bao gồm nhiều tầng lớp nhân dân, nhiều tổ chức xã hội và các thành phần xã hội khác cùng hưởng ứng và tham gia sôi nổi.
Lễ hội diễn ra ở nhiều cấp, có lễ hội mang tầm vóc quốc gia, quốc tế được tổ chức định kỳ, như Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam, lễ hội Tây Sơn… cũng có lễ hội được tổ chức trong phạm vi cộng đồng dân cư, thôn, làng, đến cấp xã như: Lễ hội đổ đầu, hội mừng lúa mới; lễ hội ăn mừng nhà rông mới ở các xã miền núi; lễ hội cầu ngư; hội đua thuyền của ngư dân ven biển... Tùy đặc thù của từng lễ hội mà mỗi địa phương có các hình thức tổ chức khác nhau.
Với Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam, đây là dịp giới thiệu, quảng bá về vùng đất và con người đất Võ. Chính vì thế, các hoạt động giới thiệu về vùng đất và con người Bình Định rất phong phú: Thi Bình chọn Người đẹp Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam; triển lãm binh khí, trang phục võ cổ truyền Bình Định; thi đấu võ cổ truyền các phái võ trong nước và quốc tế; lễ hội đường phố; hội thảo khoa học về bảo tồn, phát huy võ cổ truyền; triển lãm các tác phẩm ảnh nghệ thuật về đất nước, con người Bình Định…
3.
Để làm tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Sở VH-TT&DL đã hướng dẫn các địa phương tăng cường công tác quản lý và tổ chức hoạt động lễ hội, các lễ hội đã diễn ra an toàn, sôi nổi, hấp dẫn, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân và du khách tham gia. Lễ hội cũng là dịp khơi dậy đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc.
Tại các lễ hội đã diễn ra nhiều trò chơi từ dân gian đến hiện đại như: hội đánh bài chòi, đánh đu, kéo co, đấu võ, đấu vật, đẩy gậy, bắt vịt, nấu cơm thi, đập niêu, nhảy bao bố, bịt mắt bắt dê, đua thuyền, thi đánh cờ người... Các giải thi đấu bóng chuyền, cờ tướng, cầu lông, hát bội cũng đã được tổ chức, thu hút một lực lượng đông đảo nhân dân tham gia, cổ động. Nhờ đó, truyền thống văn hóa làng xã, dòng tộc được giữ gìn, truyền lưu và phát huy; tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư nhờ đó càng thêm củng cố.
Việc tôn tạo, phục hồi, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa lâu đời, đặc biệt các lễ hội là rất cần thiết. Khi tham gia lễ hội, mọi người ở từng khu dân cư, tộc họ, xứ đạo và từng gia đình đã phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, địa phương và những giá trị mang tính đặc thù vùng, miền làm chỗ dựa vững chắc về mặt tinh thần; giữ gìn và phát huy các giá trị quý báu về nếp sống, tư tưởng, đạo đức, lối sống, bản sắc văn hóa…
LÊ LÀO