Ðể khách du lịch Nga và một số nước Ðông Âu đến Bình Ðịnh nhiều hơn: Làm gì để thu hút?
Ðề tài nghiên cứu khoa học “Một số giải pháp cấp bách thu hút khách du lịch thị trường Nga và một số nước Ðông Âu đến năm 2025” đã đề ra nhiều nhóm giải pháp sát thực tế để thu hút khách đến Bình Ðịnh.
Thời cơ, thách thức
Đề tài do ông Huỳnh Cao Nhất, Phó Giám đốc Sở Du lịch làm chủ nhiệm, đã phân tích rõ tiềm năng du lịch Bình Định mà du khách Nga và các nước Đông Âu rất ưa chuộng, như: Bờ biển dài, đẹp, ẩm thực đa dạng, tiềm năng thiên nhiên và nhân văn hấp dẫn, có thể kết nối tour đi một số nước châu Á trong khu vực. Tuy vậy, số lượng du khách Nga, một số nước Đông Âu đến tỉnh còn quá ít. Theo số liệu khảo sát, từ năm 2016 - 2019, du khách Nga đến Bình Định chiếm 0,03 - 0,06%, còn khách Đông Âu chiếm 0,06 - 0,08% trong tổng lượt khách quốc tế đến Bình Định.
Du khách quốc tế đến Bình Định du lịch thông qua Cảng hàng không Phù Cát. Ảnh: T.LỢI
Nguyên nhân đầu tiên do đây là thị trường mới, nên du lịch Việt Nam (trong đó có Bình Định) chưa tổ chức được nhiều hình thức xúc tiến, quảng bá. Các website, tập giới thiệu về du lịch Việt Nam bằng tiếng Nga chưa nhiều, thông tin còn chung chung, sản phẩm du lịch đơn điệu; mức đầu tư cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch vào thị trường này còn rất thấp. Đội ngũ viên chức làm công tác xúc tiến du lịch thành thạo tiếng Nga chưa đủ đáp ứng được nhu cầu trong giai đoạn hội nhập quốc tế. Các công ty kinh doanh lữ hành còn nhỏ, hoạt động chưa có tính liên kết. Sân bay Phù Cát chưa phải là sân bay quốc tế khiến cơ hội thu hút khách quốc tế, trong đó có du khách Nga và một số nước Đông Âu đến tỉnh chưa nhiều…
Gợi ra nhiều giải pháp đột phá
Tuy chiếm tỷ lệ thấp, song Nga và Đông Âu được nhận định là phân khúc thị trường khách quốc tế mới, tiềm năng để các tỉnh, thành ở khu vực Duyên hải miền Trung, trong đó có Bình Định khai thác là khá lớn. Đồng thời, dựa vào tiềm năng về tài nguyên du lịch, là lấy du lịch biển, sinh thái làm mũi nhọn; du lịch văn hóa, lịch sử làm nền tảng để tạo ra sản phẩm du lịch. Trên cơ sở đó, chủ nhiệm đề tài đặt ra mục tiêu đến năm 2025, du lịch Bình Định sẽ đón 30.000 lượt khách Nga và một số nước Đông Âu đến tỉnh.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, có 5 nhóm giải pháp cấp bách được đưa ra trong đề tài, gồm: Về xúc tiến quảng bá, phát triển nguồn nhân lực du lịch, phát triển sản phẩm, thị trường khách và khuyến khích về cơ chế chính sách. Đơn cử, về nhóm giải pháp xúc tiến quảng bá và phát triển nguồn nhân lực, ngành Du lịch cần thực hiện các chất liệu và công cụ truyền thông, như sản xuất phim quảng bá du lịch Bình Định; phim ngắn (dưới 60 giây) giới thiệu về điểm đến, sản phẩm du lịch; quảng bá thương hiệu du lịch Bình Định trên các kênh truyền thông quốc tế. Phối hợp với Trường ĐH Quy Nhơn, ĐH Quang Trung… để bồi dưỡng, đào tạo khả năng sử dụng tiếng Nga cho nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch (hướng dẫn viên, thuyết minh viên, tài xế, lễ tân, lực lượng bảo vệ khách du lịch). Ở nhóm khuyến nghị về cơ chế, chính sách, thì có các đề xuất, như: Tỉnh cần có chính sách hỗ trợ các hãng hàng không mở đường bay quốc tế đến từ Cảng Hàng không Phù Cát, khuyến khích tổ chức đón khách bằng máy bay thuê bao chuyến của thị trường Nga và một số nước Đông Âu đến Bình Định. Chủ động liên kết, phối hợp với các hãng hàng không để có những chiến dịch giảm giá tour, nhằm tăng số lượng khách, tăng số chuyến bay charter từ Nga và một số nước Đông Âu đến Bình Định...
TS Lê Công Nhường - Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch Hội đồng KH&CN tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả đề tài, cho hay: “Đề tài được bàn giao cho Sở Du lịch sau khi được nghiệm thu để đơn vị này tiếp tục xem xét các giải pháp, đề xuất UBND tỉnh cho triển khai nhằm thu hút khách du lịch từ thị trường này một cách tốt nhất. Đồng thời, giúp các công ty du lịch, DN phục vụ khách du lịch Nga, một số nước Đông Âu… trên địa bàn tỉnh nhận diện được cơ hội để có chiến lược đầu tư hiệu quả”.
TRỌNG LỢI