Công tác phòng, chống HIV: Nhiều thách thức mới
Dù tiến tới mục tiêu đến năm 2030 chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS nhưng hiện công tác phòng, chống HIV trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, số ca mắc HIV có dấu hiệu tăng do lây nhiễm qua đường tình dục, trong đó đặc biệt đáng quan ngại là những trường hợp quan hệ đồng giới nam tăng cao, khó tầm soát, giám sát.
Theo ông Nguyễn Thanh Truyền, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 5 năm gần đây, tình hình nhiễm HIV/AIDS của tỉnh Bình Định có xu hướng tăng, đặc biệt trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Trước năm 2018 chỉ phát hiện 1 trường hợp, từ năm 2018 đến 30.6.2023, phát hiện thêm 67 trường hợp; riêng 6 tháng đầu năm 2023 phát hiện 15 trường hợp trong nhóm đối tượng này.
Nhân viên y tế chuẩn bị thuốc cho bệnh nhân tại Cơ sở điều trị HIV/AIDS (đường Trần Hưng Đạo). Ảnh: Đ. THẢO
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tổng số người nhiễm HIV phát hiện mới 5 năm gần đây (từ năm 2018 đến ngày 14.6.2023) là 524 trường hợp, tương đương với tổng số người nhiễm HIV tích lũy của 12 năm trước đó (532 trường hợp mới, từ năm 2005 - 2017). Đáng chú ý, số người nhiễm HIV do tiêm chích ma túy có xu hướng giảm, các nhóm đối tượng khác tăng lên; dịch có xu hướng lây nhiễm qua đường tình dục ngày càng tăng (chiếm gần 80%) và tỷ lệ nam giới phát hiện nhiễm HIV ngày càng cao.
Ở 15 ca nhiễm HIV ghi nhận 6 tháng đầu năm 2023 có cả một nhóm bạn MSM cùng mắc HIV. Nhóm này được phát hiện qua một trường hợp đi khám bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Điều này cho thấy, nhóm MSM thường có nhiều bạn tình và cũng là một trong những nguyên nhân gây lây nhiễm HIV rộng.
Lý giải về nguyên nhân tỷ lệ nam giới phát hiện nhiễm HIV ngày càng cao, bà Nguyễn Thị Hải Nam, Phó trưởng Khoa Phòng chống HIV/AIDS, cho biết: Tỉnh Bình Định là một trong những địa phương ở khu vực miền Trung có tốc độ phát triển du lịch cao, lượng khách du lịch đến với Bình Định ngày một nhiều hơn, nên tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch nếu không có các biện pháp tích cực phòng chống HIV/AIDS trong những năm tới. Mạng xã hội phát triển nên giúp cho nhóm người này dễ tìm kiếm, tiếp xúc với nhiều bạn tình. Cùng với đó, rất khó tiếp cận với nhóm MSM để tuyên truyền các biện pháp bảo vệ cũng như phát hiện sớm, điều trị dự phòng. Đây là điều đáng báo động!
Tuy số ca nhiễm HIV ở đối tượng MSM tăng nhưng bà Nguyễn Thị Hải Nam cho biết: Các chương trình can thiệp giảm tác hại như nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng trong đối tượng mại dâm dừng hoạt động từ năm 2021đến nay; nhóm MSM chưa thành lập được vì tỉnh chưa xây dựng được các định mức chi cho hoạt động này. Hoạt động, mô hình truyền thông phòng chống HIV/AIDS ở các trường đại học, cao đẳng, Tỉnh đoàn không còn tổ chức thường xuyên như trước nữa vì không có kinh phí hỗ trợ từ chương trình. Hiện, hoạt động giám sát phát hiện HIV chủ yếu là công tác sàng lọc máu (chỉ đang tập trung ở đối tượng hiến máu tình nguyện). Hằng năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được phê duyệt kinh phí mua 7.000 - 10.000 test để thực hiện/cấp cho tuyến huyện làm xét nghiệm HIV cho khách hàng sử dụng dịch vụ xét nghiệm tự nguyện (VCT), phạm nhân, phụ nữ mang thai, bệnh nhân lao và bệnh nhân nghi mắc bệnh AIDS.
Ông Lang Đình Bính, Giám đốc TTYT huyện Vân Canh, cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn huyện phát hiện 1 trường hợp nhiễm HIV mới, hiện có 5/6 trường hợp được điều trị thuốc kháng vi rút HIV (ARV). 6 tháng đầu năm Trung tâm sử dụng 90 test xét nghiệm HIV, trong đó phụ nữ mang thai 34 test; bệnh nhân mắc các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục 1 test; khám nghĩa vụ quân sự 50 test, các đối tượng khác 5 test. Không có trường hợp nào dương tính với HIV.
Hiện nay, chương trình phòng chống AIDS không còn là chương trình mục tiêu, trong khi đó Chiến lược quốc gia đặt mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, đây là một thách thức rất lớn cho ngành y tế. Do vậy, để mở rộng mạng lưới điều trị, bà Nguyễn Thị Hải Nam cho biết, sắp tới chúng ta sẽ mở rộng Cơ sở điều trị HIV/AIDS mới tại TTYT TX Hoài Nhơn nhằm đáp ứng công tác chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS ở các địa phương phía Bắc của tỉnh. Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV; phát huy hiệu quả công tác điều trị HIV/AIDS tại tuyến y tế cơ sở; củng cố, phát triển hệ thống quản lý người nhiễm HIV trên phần mềm HIVinfo4.0 trên toàn tỉnh. Sau thời gian ngưng, năm 2023, chúng tôi triển khai lại 100 điểm cấp bao cao su và tài liệu truyền thông phòng chống HIV/AIDS miễn phí tại các cơ sở vui chơi, giải trí, lưu trú trên địa bàn tỉnh.
ĐỖ THẢO