Hướng đến đảm bảo an sinh bền vững
Tại Kỳ họp thứ 11, HÐND tỉnh khóa XIII đã thông qua nhiều chính sách có tác động sâu rộng đến phát triển kinh tế - xã hội. Báo Bình Ðịnh giới thiệu đến bạn đọc 3 nghị quyết được kỳ vọng sẽ góp phần đảm bảo an sinh xã hội mang tính bền vững trong thời gian đến.
1. Nghị quyết Quy định cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh
Theo Nghị quyết, đối tượng áp dụng là các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) trên địa bàn tỉnh đã được lựa chọn chủ đầu tư theo quy định hiện hành; DN, HTX, hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng NƠXH không phải bằng nguồn vốn hoặc hình thức quy định tại khoản 1 Điều 53 của Luật Nhà ở đã được lựa chọn làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng NƠXH theo quy định trên địa bàn tỉnh; Các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng NƠXH trên địa bàn tỉnh.
Dự án NƠXH Lamer 1 do Công ty TNHH Đầu tư Tân Đại Minh làm chủ đầu tư xây dựng trên địa bàn phường Quang Trung (TP Quy Nhơn). Ảnh: T.V
Về cơ chế hỗ trợ, Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng NƠXH (trừ hệ thống kỹ thuật bên trong tòa nhà). Nhà nước thực hiện giải phóng mặt bằng và giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư triển khai dự án (trừ trường hợp dự án đầu tư xây dựng NƠXH được giao theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 57 của Luật Nhà ở).
Đối với trường hợp dự án đầu tư xây dựng NƠXH đã được ngân sách tỉnh ứng chi phí thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư thì được thanh quyết toán theo quy định của pháp luật hiện hành. Đối với trường hợp chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng NƠXH đã ứng trước chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư (chi phí này chưa tính vào vốn đầu tư của dự án) để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thì Nhà nước sẽ hoàn trả chi phí này cho chủ đầu tư theo quy định.
Về nguyên tắc hỗ trợ, đối với kinh phí hỗ trợ xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật được xem xét hỗ trợ sau khi đã thực hiện đầu tư xây dựng, nghiệm thu hoàn thành và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra xác nhận giá trị thực hiện. Không được tính các khoản hỗ trợ của Nhà nước vào giá bán, giá cho thuê, cho thuê mua NƠXH. Trường hợp dự án có phân kỳ giai đoạn đầu tư thì được xem xét hỗ trợ theo phân kỳ giai đoạn của dự án (theo nguyên tắc nghiệm thu hoàn thành của từng giai đoạn).
Nguồn kinh phí hỗ trợ hằng năm theo Kế hoạch phát triển NƠXH, UBND tỉnh bố trí vốn từ nguồn vốn ngân sách tỉnh để thực hiện.
● Giám đốc Sở Xây dựng TRẦN VIẾT BẢO:
Cụ thể hóa các quy định của Chính phủ về hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội
Việc HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về ban hành chính sách NƠXH đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Chính phủ về hỗ trợ chủ đầu tư xây dựng NƠXH; tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư xây dựng NƠXH; góp phần giải quyết nhu cầu NƠXH cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Nghị quyết được thông qua làm cơ sở pháp lý để UBND tỉnh hỗ trợ các dự án NƠXH trong việc giải phóng mặt bằng; tiếp theo là hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng tại các dự án NƠXH, nhằm giảm bớt chi phí đầu tư của nhà đầu tư. Phần chi phí hỗ trợ cho nhà đầu tư được khấu trừ trong tổng giá thành chi phí đầu tư dự án; từ đó góp phần kéo giảm giá bán NƠXH.
● Ông NGUYỄN TRƯỜNG VỸ, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Tân Đại Minh (chủ đầu tư Dự án NƠXH Lamer 1 và Lamer 2):
Cần có quy định cụ thể về thời điểm hỗ trợ xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật
Theo tôi, nên có hướng dẫn rõ hơn về thời điểm hỗ trợ để nhà đầu tư biết. Tôi lấy ví dụ, các dự án NƠXH của đơn vị đang thực hiện nhưng đến năm 2024 mới hoàn thành các hạng mục hạ tầng kỹ thuật như: Đường giao thông nội bộ, công viên, cây xanh… thì đến lúc đó có được hỗ trợ chi phí này hay không.
Cốt lõi của việc hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại các dự án NƠXH nhằm hỗ trợ nhà đầu tư một phần chi phí xây dựng, từ đó kéo giảm giá bán nhà ở cho người dân. Tuy nhiên, nếu quy định thời điểm hỗ trợ khi dự án đã hoàn thành thì gây nhiều khó khăn trong việc thẩm định, xây dựng giá bán nhà. Do vậy, nên tính toán việc hỗ trợ ngay từ khi các dự án mới lập dự toán và thẩm định giá.
2. Nghị quyết ban hành chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh đến năm 2025
Cùng với việc hỗ trợ tiền cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu xây mới hoặc sửa chữa nơi ở, Nghị quyết cũng hỗ trợ thêm khoản chênh lệch cho những hộ nghèo, cận nghèo đã nhận tiền từ Tiểu dự án 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2030 để thụ hưởng ngang bằng với mức hỗ trợ theo Nghị quyết này.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh bàn giao nhà Đại đoàn kết cho ông Nguyễn Thanh Dự (thôn Định Công, xã Hoài Mỹ, TX Hoài Nhơn). Ảnh: Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh
Về sự cần thiết ban hành Nghị quyết này, theo Tờ trình của UBND tỉnh, các chính sách, quyết định liên quan đến việc hỗ trợ nhà cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đều đã kết thúc vào cuối năm 2019. Ngoài số hộ nghèo, cận nghèo nằm trong các chương trình mục tiêu quốc gia, còn khoảng 2.400 hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh có nhu cầu xây mới và sửa chữa nhà ở. Thêm vào đó, khoảng 1.215 hộ nghèo đã được xét nhận kinh phí hỗ trợ xây mới nhà ở từ chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Định theo Quyết định số 2434/QĐ-UBND ngày 4.8.2022 của UBND tỉnh nhưng chưa được hỗ trợ do Trung ương chưa phân bổ vốn về.
Vậy nên, việc Nghị quyết được thông qua đã làm những hộ nghèo, cận nghèo đang có nhu cầu về nhà ở của tỉnh hết sức phấn khởi. Đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết là hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều được quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27.1.2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, có trong Quyết định công nhận danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo của UBND cấp xã quản lý hằng năm và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi Nghị quyết này có hiệu lực thi hành tối thiểu 3 năm, đang cư trú trên địa bàn tỉnh Bình Định. Nguyên tắc hỗ trợ là trực tiếp đến từng hộ gia đình, đảm bảo dân chủ, công khai, công bằng, đúng đối tượng, đủ điều kiện theo quy định.
Mức hỗ trợ hộ xây mới nhà là 50 triệu đồng/hộ; sửa chữa nhà là 25 triệu đồng/hộ. Mức này đảm bảo chi phí tối thiểu để xây nhà ở mới theo tiêu chuẩn 3 cứng (móng cứng, tường cứng, mái cứng) trên diện tích sàn 30 m2 và có điện nước trong nhà.
Nguồn kinh phí thực hiện việc hỗ trợ từ vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác; nguồn tăng thu và tiết kiệm chi ngân sách tỉnh năm 2022 chuyển sang năm 2023 theo quy định Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.
● Trưởng Phòng LĐ-TB&XH TX An Nhơn PHẠM VĂN HIỂN:
Hỗ trợ đắc lực địa phương xây, sửa nhà ở cho hộ nghèo
So với việc vận động, kêu gọi nguồn lực xã hội cùng chung tay, việc được ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác hỗ trợ sẽ giúp đáp ứng đồng loạt và kịp thời hơn nhu cầu xây, sửa nhà của hộ nghèo và hộ cận nghèo. Có được mức hỗ trợ đáng kể này, hộ nghèo, cận nghèo sẽ được tiếp thêm động lực để mạnh dạn nghĩ đến việc có nơi ở an toàn, sạch sẽ.
Tôi cho rằng, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết nhân văn này cần chú trọng đến tính khả thi, hiệu quả. Trên thực tế, cùng với số tiền được hỗ trợ, do đất rộng, nhà đông người, có những hộ nghèo, hộ cận nghèo phải đối ứng thêm số tiền tiết kiệm hoặc vay mượn để đủ kinh phí xây, sửa nhà ở, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt. Rồi thời gian xây nhà trong đôi ba tháng cũng ảnh hưởng đến việc làm, cả nơi tá túc tạm thời của các thành viên trong gia đình. Vậy nên, việc khảo sát hỗ trợ cần bám chặt vào tình hình thực tế và nguyện vọng của hộ nghèo để chắc chắn việc hỗ trợ mang tính kịp thời. Hộ nào có thể xây, sửa trong năm 2023 thì hỗ trợ ngay. Nếu họ chưa có nguồn đối ứng thì có thể để sau, tránh chuyện hỗ trợ hàng loạt; đã nhận tiền thì phải làm trong năm, dẫn đến sự bị động không cần thiết.
Mong rằng trong quá trình xây dựng kế hoạch và hướng dẫn triển khai Nghị quyết, các cấp, ngành liên quan xem xét chu toàn, để một chính sách nhân văn đạt được kết quả tốt nhất.
3. Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ kinh phí đóng BHYT cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh
Hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân, đến năm 2022, tỉnh luôn hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT do Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, tỷ lệ bao phủ BHYT năm 2022 đạt 96,02% (vượt 0,02% so với chỉ tiêu được giao). Tuy nhiên, tính đến ngày 30.4.2023, tỷ lệ này mới đạt 94,75% (khoảng 1.425.861 người), giảm 18.553 người so với cuối năm 2022, khó đạt chỉ tiêu qua từng năm được giao là 96,05% vào năm 2023, 96,1% vào năm 2024 và 96,15% vào năm 2025.
Cụ thể, theo BHXH tỉnh, trong 4 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ người thuộc hộ cận nghèo tham gia BHYT là 86,78%; tỷ lệ người thuộc hộ nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình đã tham gia BHYT chỉ đạt 25,97%. Do đó, cần ưu tiên hỗ trợ 2 đối tượng trên bởi họ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và có số lượng người chưa tham gia BHYT khá lớn (khoảng 71.167 người). Ngoài ra, từ ngày 1.7.2023, mức lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng, mệnh giá thẻ BHYT cũng tăng lên mức 972 nghìn đồng/thẻ, khiến các đối tượng này gặp nhiều khó khăn khi tham gia BHYT.
BHXH tỉnh tuyên truyền, vận động người dân TP Quy Nhơn tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, góp phần tăng tỷ lệ bao phủ BHYT trên toàn tỉnh. Ảnh: BHXH tỉnh
Nhằm thực hiện chỉ tiêu đạt bao phủ BHYT giai đoạn 2022 - 2025 được HĐND tỉnh giao tại Nghị quyết số 26/2022/NQ-HĐND ngày 7.9.2022; đồng thời đảm bảo cơ chế và nguồn lực thực hiện mức chi hỗ trợ cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh, Nghị quyết mới của tỉnh quy định nâng mức hỗ trợ cho người thuộc hộ cận nghèo đóng BHYT từ 15% lên 30%, 70% mức đóng còn lại do ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu; hỗ trợ 30% mức đóng BHYT cho người thuộc hộ nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình, 30% mức đóng do ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu và 40% mức đóng còn lại do đối tượng tự đóng. Hỗ trợ 100% kinh phí đóng BHYT cho người nhiễm HIV, bệnh nhân phong có di chứng tàn tật.
Việc bố trí dự toán ngân sách tỉnh, ngân sách cấp huyện hằng năm để hỗ trợ các đối tượng trên như sau: Các huyện miền núi (Vân Canh, An Lão, Vĩnh Thạnh) được ngân sách tỉnh đảm bảo 100% kinh phí. Với TX An Nhơn, TX Hoài Nhơn và TP Quy Nhơn, ngân sách thị xã, thành phố đảm bảo 100% khoản hỗ trợ. Các huyện Hoài Ân và Tây Sơn ngân sách tỉnh đảm bảo 75% kinh phí; ngân sách huyện đảm bảo 25% kinh phí. Các huyện còn lại ngân sách tỉnh đảm bảo 50% kinh phí; ngân sách huyện đảm bảo 50% kinh phí.
Theo Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng, với việc Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ kinh phí đóng BHYT cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp lần này, người cận nghèo sẽ được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT. Với người thuộc hộ nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình, mỗi người chỉ tham gia 40% mức đóng, tương đương chưa tới 400 nghìn đồng.
Sau khi chính sách được thông qua, đến hết năm 2025, dự kiến tỷ lệ người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình tham gia BHYT là 50%; đảm bảo đạt và vượt chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT.
● Phó Giám đốc BHXH tỉnh ĐẶNG VĂN LÝ:
Đưa BHYT đến gần hơn với người dân
Nghị quyết này mang ý nghĩa như “phao cứu sinh” cho hộ cận nghèo; hộ nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình, nhất là với những gia đình có đông thành viên. Điều này giúp những người hoàn cảnh khó khăn, dù muốn mua thẻ BHYT nhưng không có điều kiện có thể tiếp cận dễ dàng hơn so với trước. Nói cách khác, sự thay đổi tích cực của Nghị quyết đưa BHYT đến gần người dân hơn, góp phần giảm gánh nặng kinh tế và giúp họ có cơ hội được chăm sóc sức khỏe nếu bệnh tật không may xảy ra.
● Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phù Cát ĐỖ XUÂN THẮNG:
“Gỡ khó” cho địa phương trong phát triển BHYT
Huyện Phù Cát có tỷ lệ bao phủ BHYT còn hạn chế khi tính đến tháng 6.2023, tỷ lệ bao phủ BHYT của huyện đạt 97,1% so với chỉ tiêu BHXH tỉnh giao và 94,34% dân số toàn huyện. Chính sách này sẽ tác động tích cực vào nhận thức của người dân nói chung, hộ cận nghèo và hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình nói riêng; góp phần giúp địa phương “gỡ khó” trong thực hiện chỉ tiêu phát triển BHYT. Bởi trong số những người chưa tham gia BHYT ở huyện, phần lớn là những hộ có thu nhập trung bình. Do đó, huyện Phù Cát đang cho rà soát danh sách chi tiết các đối tượng này để tuyên truyền, giúp họ hiểu lợi ích của chính sách mới để kịp thời tham gia, từ đó tăng tỷ lệ bao phủ BHYT toàn huyện.
NGUYỄN HÂN - NGỌC TÚ - DƯƠNG LINH (Thực hiện)