Dạy nghề cho thanh niên nông thôn:
Cần sát hơn nhu cầu thực tế
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dạy nghề - Giới thiệu việc làm thanh niên tỉnh đã mở 10 lớp dạy nghề lưu động tại các địa phương: Vân Canh, Tuy Phước, Phù Cát, Hoài Ân, An Lão, An Nhơn, TP Quy Nhơn, với 300 lao động theo học các nghề: May công nghiệp, điện dân dụng, cơ khí - hàn, điêu khắc gỗ…
Ông Trần Hữu Hiệu, Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Từ đầu năm 2014, UBND tỉnh đã giao cho các địa phương chỉ đạo phòng LĐ-TB&XH phối hợp với Trung tâm triển khai công tác dạy nghề tới những địa bàn cụ thể, dựa trên các tiêu chí: Có nhu cầu đào tạo nghề, là các xã điểm xây dựng nông thôn mới, các xã có tỉ lệ hộ nghèo cao. Trước khi mở lớp đào tạo, Trung tâm phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát nhu cầu học nghề của thanh niên gắn với đặc thù kinh tế địa phương, qua đó giúp học viên phát triển được những kỹ năng nghề cũng như việc làm sau đào tạo”. Theo ông Hiệu, cách làm này đạt hiệu quả cao hơn so với dạy tập trung tại trung tâm.
Nhờ các địa phương quản lý học viên tốt; công tác giám sát, phối hợp giữa UBND các huyện, phòng LĐ-TB&XH và các đơn vị dạy nghề chặt chẽ hơn, chất lượng đào tạo theo đó cũng được nâng lên đáng kể. Do nhận được nhiều thông tin từ các đợt tuyên truyền, phổ biến, tư vấn, thanh niên ở các vùng nông thôn ý thức được tầm quan trọng của việc học nghề đã nhiều hơn trước. Và nhờ được đào tạo nghề, họ có nhiều cơ hội tìm được việc trong các công ty, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Hiệu, qua quá trình dạy nghề cho lao động nông thôn cũng bộc lộ một số bất cập, như: Việc phân bổ chỉ tiêu và ngân sách chưa bám sát nhu cầu thực tế; một số địa phương có nhu cầu cao nhưng lại thiếu chỉ tiêu, ngược lại nhiều nơi không có người học thì phân chỉ tiêu cao.
Vì vậy, ông Hiệu đề xuất, cần phải khảo sát trước khi phân bổ chỉ tiêu và ngân sách; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để người lao động có nhận thức đúng về việc học nghề. Người lao động - nhất là thanh niên, không nên trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, mà phải thấy rằng học nghề là vì quyền lợi của chính mình. Ngoài ra, các doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động nêu ưu tiên tuyển dụng những người đã qua học nghề, có như vậy mới kích thích được nhiều người tham gia học nghề.
LÊ PHƯƠNG