Sơ kết 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025
(BĐ) - Ngày 17.7, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025. Hội nghị do đồng chí Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 chủ trì. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bình Định.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bình Định. Ảnh: THU DỊU
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Trung ương, qua 3 năm thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM (2021 - 2023), cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) xã đạt chuẩn NTM (tăng 11,3% so với cuối năm 2020); 1.331 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 176 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Cả nước có 263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn NTM. Riêng tỉnh Bình Định đến nay có 84/109 xã đạt chuẩn NTM (77,06%), 17/84 xã đạt chuẩn NTM được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao (20%); có 5 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn NTM (45%).
Cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đến tháng 7.2023, cả nước có 9.852 sản phẩm của 5.069 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao trở lên; trong đó có 66,9% sản phẩm hạng 3 sao, 32,2% sản phẩm hạng 4 sao, 0,6% sản phẩm tiềm năng hạng 5 sao.
Với tỉnh Bình Định, đến cuối năm 2023, cả tỉnh đã có 217 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, hạng 3 sao trở lên; trong đó có 177 sản phẩm OCOP hạng 3 sao, 34 sản phẩm hạng 4 sao và 6 sản phẩm tiềm năng hạng 5 sao.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Văn phòng điều phối NTM Trung ương đã chỉ ra một số khó khăn, hạn chế trong xây dựng NTM như: Có sự chồng chéo trong hệ thống văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 từ cấp Trung ương tới địa phương. Nhiều địa phương còn lúng túng, chậm ban hành các văn bản cụ thể hóa bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021 - 2025 theo phân cấp. Mô hình tổ chức và cơ chế làm việc của văn phòng điều phối NTM cấp tỉnh ở các địa phương chưa thống nhất. Cán bộ làm công tác xây dựng NTM ở cấp cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi nên cũng ảnh hướng đến việc triển khai thực chương trình…
Tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhìn nhận, tuy là sơ kết 3 năm thực hiện nhưng do nhiều vướng mắc trong việc ban hành văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện từ Trung ương tới địa phương, nên chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 mới chính thức khởi động được 1 năm nay. Những khó khăn, vướng mắc đã được nhận diện, hội nghị sẽ tập trung tìm giải pháp, bàn giải pháp, đưa ra các sáng kiến, các mô hình để các địa phương có thể triển khai.
Nguồn: BTV
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các bộ, ngành Trung ương, các địa phương tiếp tục nhân rộng những mô hình phù hợp để hương trình MTQG xây dựng NTM thật sự thiết thực, có ý nghĩa; đặc biệt phải tạo ra được những sản phẩm văn hóa riêng của làng quê nông thôn, phát triển làng nghề, tạo ra được sản phẩm OCOP có giá trị, có tính kết nối cộng đồng; xây dựng nông thôn thành nơi đáng sống, nơi để quay về; làm cho người dân nông thôn tự hào về quê hương, tự tin với sản phẩm đặc trưng để phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở nông thôn.
THU DỊU