Chương trình Bảo tồn rùa châu Á khảo sát vùng phân bố của rùa Trung Bộ:
Làm cơ sở cho hoạt động bảo tồn, thả rùa về tự nhiên
Chương trình Bảo tồn rùa châu Á (ATP) vừa phối hợp với Sở NN&PTNT Bình Định khảo sát vùng phân bố của rùa Trung Bộ tại 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thông qua phiếu phỏng vấn; đồng thời thu thập mẫu gen môi trường (eDNA) tại các khu vực đầm, hồ có khả năng phân bố của rùa Trung Bộ.
Tỉnh Bình Định được ghi nhận là nơi phân bố của rùa Trung Bộ; hai đợt khảo sát nhanh của ATP vào năm 2007 và 2009 đã ghi nhận một số thông tin, mẫu vật về các loài rùa này tại các huyện Tuy Phước và Phù Mỹ. Tuy nhiên, hiện nay các thông tin về vùng phân bố cụ thể, hiện trạng quần thể và tình trạng loài rùa Trung Bộ tại đây vẫn chưa được đánh giá chi tiết.
Rùa Trung Bộ rất dễ nhận biết với đầu rùa màu nâu sẫm hoặc xám đen, mỗi bên có 3 sọc màu vàng. Ảnh: ATP
Qua các cuộc phỏng vấn, đoàn công tác đã ghi nhận 50 mẫu rùa (37 mẫu sống, 13 mẫu hình ảnh) của 12 loài, trong đó 6 loài nằm trong mức rất nguy cấp (CR), 3 loài nằm trong mức nguy cấp (EN) (theo Sách đỏ Thế giới IUCN). 22 mẫu sống các loài rùa khác như rùa Sa nhân (EN), rùa Bốn mắt (CR), rùa đất Pulkin (EN), ba ba Bụng đốm, rùa Dớp được ghi nhận tại thị trấn Vân Canh (Vân Canh), xã Tây Phú (Tây Sơn), xã Cát Hanh (Phù Cát), các xã Ân Tường Đông, Ân Đức, Ân Mỹ (Hoài Ân) và 15 mẫu sống rùa Trung Bộ (CR) tại xã Mỹ Trinh (Phù Mỹ).
Hoạt động khảo sát trên nhằm tìm kiếm các thông tin cập nhật về vùng phân bố và hiện trạng loài rùa Trung Bộ có tại Bình Định để làm cơ sở cho các hoạt động bảo tồn, tái thả về tự nhiên, truyền thông và giáo dục cộng đồng tại địa phương.
Rùa Trung Bộ là loài rùa rất nguy cấp, chỉ phân bố ở miền Trung Việt Nam từ Đà Nẵng tới Phú Yên và Đắk Lắk. Tháng 8.2022, ATP phối hợp với Trung tâm Quốc tế khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) xây dựng dự án thành lập Cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, tập trung vào công tác bảo tồn rùa Trung Bộ.
ÁI TRINH