Gắn khoa học với thực tiễn bằng cơ chế đặt hàng
Đây là yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đối với các sở, ngành, chính quyền địa phương trong nghiên cứu, phát triển các đề tài, sáng chế khoa học, công nghệ tại Hội nghị Sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 14.5.2021 của Tỉnh ủy về phát triển KH&CN tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, vừa được Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động số 10 tổ chức vào chiều 18.7.
Người đứng đầu UBND tỉnh nhấn mạnh: “Đặt hàng nhiệm vụ KH&CN là giải pháp quan trọng gắn khoa học với thực tiễn, góp phần giải quyết tình trạng nhiều đề tài nghiên cứu đã được nghiệm thu nhưng thiếu tính ứng dụng. Hơn nữa, cơ chế đặt hàng là giải pháp được tỉnh hướng đến sẽ giảm thiểu tình trạng đề tài nghiên cứu “cất ngăn kéo”, giúp các nhà khoa học tìm được địa chỉ ứng dụng kết quả nghiên cứu của mình”.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: A.N
Tốc độ đổi mới công nghệ chưa đạt yêu cầu
Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 14.5.2021 của Tỉnh ủy về phát triển KH&CN tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 (gọi tắt là Chương trình hành động số 10), đề ra 5 mục tiêu chính gồm: Nâng cao tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP của tỉnh bình quân giai đoạn đạt từ 38 - 42%. Tốc độ đổi mới công nghệ đạt từ 17 - 20%/năm. Hình thành mới ít nhất 10 DN KH&CN. Hỗ trợ thương mại hóa ít nhất 10 sản phẩm sáng tạo, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Phát triển Khu đô thị Khoa học Quy Hòa với nòng cốt là Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành; xây dựng, tiến đến hình thành Trung tâm Trí tuệ nhân tạo (AI) - Đô thị phụ trợ tại TP Quy Nhơn. Căn cứ vào Chương trình hành động số 10, thì sau nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP của tỉnh tăng qua từng năm (năm 2020: 31,87%; năm 2021: 33,18% và năm 2022: 41,95%). Tuy nhiên, tốc độ đổi mới công nghệ chưa đạt yêu cầu đề ra (năm 2021: 7,5%; năm 2022: 11,5%).
Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư (huyện Tuy Phước) là một trong 5 DN KH&CN của tỉnh. Ảnh: A.N
Từ năm 2021 - 2023, UBND tỉnh đã phê duyệt 40 nhiệm vụ KH&CN. Các nhiệm vụ đang triển khai đã góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc phát triển cây trồng, vật nuôi và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh. Từ kết quả nghiên cứu khảo nghiệm, các đơn vị đã tuyển chọn và sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao để bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh. Trong đó, có các giống lúa mới năng suất cao (BĐR27, BĐR 999, VNR 20, VNR 10, Hưng Long 555, TBR 97); giống đậu phụng phục vụ ăn tươi LDH 09… Đồng thời, xây dựng vùng sản xuất trồng trọt tập trung theo hướng an toàn và áp dụng công nghệ cao; hình thành và phát triển 200 trang trại chăn nuôi, trong đó có 32 trang trại hoạt động chăn nuôi, sản xuất con giống theo hướng ứng dụng công nghệ cao, có hệ thống chăn nuôi hiện đại, khép kín.
Hướng tới cơ chế đặt hàng hiệu quả
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chương trình hành động số 10 còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. DN nhỏ và vừa trong tỉnh ít quan tâm đến hoạt động chuyển giao, đầu tư đổi mới công nghệ. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp mang tính đột phá, điển hình. Một số đơn vị, địa phương chưa hiểu đúng mức về vai trò then chốt của KH&CN trong phát triển KT-XH, từ đó dẫn đến thiếu các giải pháp chỉ đạo cụ thể để đẩy mạnh phát triển KH&CN tại đơn vị, địa phương. Một số nhiệm vụ, đề tài, sáng kiến KH&CN sau nghiên cứu có tính thực tiễn, ứng dụng trong sản xuất thấp, kém hiệu quả…
Đồng chí Mai Việt Trung, Bí thư Thị ủy An Nhơn cho rằng, các đề tài, sáng kiến KH&CN cần hướng đến cơ chế đặt hàng. Ảnh: A.N
Tham gia trao đổi và thảo luận tại Hội nghị, đồng chí Mai Việt Trung, Bí thư Thị ủy An Nhơn, đề xuất: “Đối với các đề tài, sáng kiến KH&CN cần hướng đến cơ chế đặt hàng. Tuy nhiên, để cơ chế này đạt hiệu quả cao, việc đặt hàng chỉ nên thực hiện đối với các nhiệm vụ nghiên cứu có tính khả thi cao, khả năng thành công lớn đáp ứng được những đòi hỏi bức thiết của xã hội và phù hợp với từng địa phương”.
Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc chia sẻ một số ý kiến để nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện Chương trình hành động số 10 trong thời gian đến. Ảnh: AN
Để việc thực hiện Chương trình hành động số 10 thời gian tới đạt kết quả cao hơn, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn (Trưởng ban Ban chỉ đạo) yêu cầu người đứng đầu ở các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa lĩnh vực KH&CN. Đồng thời, lưu ý, các sở, ngành, địa phương cần thay đổi cách quản lý, điều hành, trong đó chủ động đặt hàng các đề tài, sáng kiến về KH&CN cho các nhà khoa học dựa theo nhu cầu thực tế ở từng địa phương, và bám sát theo 52 nhiệm vụ, nội dung đề ra trong Chương trình hành động số 10, đặc biệt là ứng dụng KH&CN trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp. Sở KH&CN cần thay đổi cách thức điều hành, tập trung đến công tác đặt hàng; rà soát tiến độ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN. Thành viên Ban chỉ đạo cần chú trọng đến việc kiểm tra, giám sát hiệu quả của các ứng dụng KH&CN… Tập trung thu hút DN công nghệ cao; phát triển Khu công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định…
AN NHIÊN