Những gương mặt biên đạo múa trẻ
Những năm gần đây, đội ngũ biên đạo, dàn dựng múa trong tỉnh được bổ sung một số gương mặt mới, góp phần làm phong trào lớn mạnh hơn.
Múa chiếm vị trí “đinh” trong chương trình biểu diễn nghệ thuật là thuận lợi và thách thức cho các biên đạo trẻ nỗ lực sáng tạo.
Họ là những diễn viên múa chủ lực như Phạm Xuân Quang, Đỗ Thị Kim Tiễn, Châu My…, bên cạnh hoạt động biểu diễn đã thử sức ở lĩnh vực sáng tác, biên đạo, dàn dựng múa. Với lợi thế của những diễn viên múa lâu năm, thuận lợi trong hướng dẫn, thị phạm động tác cho người thể hiện, nỗ lực của những diễn viên - biên đạo múa trẻ này bước đầu được người trong nghề ghi nhận và đánh giá cao.
Miệt mài với nghề
Châu My (sinh năm 1982, công tác tại Trung tâm Văn hóa tỉnh) đã có 12 năm đeo đuổi nghệ thuật múa. Tốt nghiệp trung cấp múa hệ 3 năm tại Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (cơ sở TP Hồ Chí Minh), sau thời gian làm cộng tác viên múa cho Trung tâm Văn hóa quận 5, TP Hồ Chí Minh, Châu My tiếp tục theo học tiếp 4 năm ngành biên đạo múa bậc đại học. Hiện nay, chị hoạt động ở cả 2 lĩnh vực biểu diễn và sáng tác, dàn dựng. Ở vai trò biên đạo, Châu My đã đóng góp vào phong trào một số tiết mục như “Khát vọng”, “Hoa lửa”, “Những cánh chim không mỏi”…
Không chỉ thể hiện tốt vai trò là nam múa chính, Xuân Quang hiện còn là ông bầu trẻ khá mát tay. “Tôi thường nhận dàn dựng múa cho các chương trình ca nhạc chào mừng sự kiện, hoặc các cơ quan, doanh nghiệp tham gia hội diễn ngành. Có khi chỉ dàn dựng một vài tiết mục đơn lẻ, lẫn nhận “thầu” cả một chương trình”, Xuân Quang cho biết.
Đối với Kim Tiễn, tuy tuổi đời còn khá trẻ (sinh năm 1986) nhưng cô đã có gần 10 năm đứng trên sân khấu, có điều kiện tích lũy chuyên môn, kinh nghiệm khi tham gia hoạt động ở các đoàn múa chuyên nghiệp trước khi về hoạt động phong trào tại Quy Nhơn. Nhiều tiết mục múa do Kim Tiễn dàn dựng đã đạt giải cao ở các hội diễn ngành. Tại Dạ hội giao thừa năm 2013, lần đầu tiên Kim Tiễn được vinh dự góp mặt trong một chương trình nghệ thuật lớn của tỉnh với vai trò biên đạo, cùng tiết mục “Xuân về trên phố biển” dàn dựng cho Đoàn Ca kịch Bài chòi biểu diễn.
Nỗ lực khẳng định mình
Trong một thời gian dài, mảng sáng tác, biên đạo ở Bình Định gần như là sự độc diễn của những gương mặt kỳ cựu như Hoàng Việt, Thu Hương. Sau đó, phong trào ghi nhận thêm sự góp mặt của lớp kế cận như Minh Hà, Nhật Huy…
Nối tiếp những người thầy, lớp đàn anh, các biên đạo múa trẻ đang nỗ lực để có thể góp công phát triển nghệ thuật múa Bình Định và phục vụ đời sống văn nghệ quần chúng. Xuân Quang hiện đang tăng tốc cho năm cuối ngành huấn luyện múa - Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội Hà Nội. Kim Tiễn cũng đang có ý định trong năm nay sẽ vào TP Hồ Chí Minh để theo học chính quy về múa.
“Điều đáng mừng là song song với hoạt động phong trào tại địa phương, các biên đạo múa trẻ đều có ý thức trau dồi thêm về chuyên môn, cho thấy niềm đam mê và quyết tâm theo đuổi, ước muốn phát triển với nghề múa đã chọn”, biên đạo Hoàng Việt nhận định.
Mỗi năm trong tỉnh có hàng chục hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng, chương trình nghệ thuật lớn nhỏ, cần đến bàn tay của các biên đạo múa, đây là cơ hội đồng thời cũng là thách thức trước yêu cầu đổi mới, sáng tạo. “Yêu cầu từ thực tế đời sống văn hóa đối với loại hình múa ngày càng cao, biên đạo trẻ chúng tôi cũng đang nỗ lực để đáp ứng và tạo phong cách riêng cho mình”, Châu My cho biết.
Theo biên đạo Hoàng Việt, trước tình trạng “biên đạo theo mạng” đang lan tràn hiện nay, các biên đạo trẻ phải ý thức sâu sắc về giá trị sáng tạo độc lập của mình. Anh cũng cho biết thêm, cuối năm 2012, Chi hội Múa, thuộc Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh đã được thành lập, tập hợp những người công tác trong lĩnh vực múa vào một tổ chức nghề nghiệp. Hy vọng đây sẽ là tiền đề quan trọng để phong trào múa tỉnh nhà có bước phát triển mang tính chiều sâu hơn.
SAO LY