Việt Nam giảm tiêu thụ các chất “gây nóng lên toàn cầu” từ năm 2024
Từ năm 2024, Việt Nam sẽ bắt đầu lộ trình quản lý, loại trừ các môi chất lạnh có tiềm năng gây nóng lên toàn cầu cao và tuân thủ cam kết dừng nhập khẩu các chất HCFC vào năm 2040.
Ông Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Đại diện Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết từ năm 2024, Việt Nam sẽ bắt đầu lộ trình quản lý, loại trừ các chất HFC (môi chất lạnh có tiềm năng gây nóng lên toàn cầu cao), tiến tới giảm 80% lượng tiêu thụ từ năm 2045.
Tại Hội thảo tham vấn xây dựng Kế hoạch quản lý, loại trừ các chất Hydrofluorocarbon (HFC) giai đoạn I và Hydrochlorofluorocarbon (HCFC) giai đoạn III, diễn ra ngày18.7, tại Hà Nội, ông Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết Việt Nam sẽ tuân thủ lộ trình trên và dừng nhập khẩu các chất HCFC vào năm 2040.
Trước đó, ngày 4.9.2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 64/NQ-CP phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali về quản lý các chất HFC thuộc Nghị định thư Montreal nhằm không tăng lượng tiêu thụ và sẽ giảm các chất này theo lộ trình cam kết.
Theo lộ trình, các chất HFC sẽ được quản lý, loại trừ từ năm 2024, không gia tăng lượng tiêu thụ trong giai đoạn 2024-2028 so với mức tiêu thụ trung bình (của 3 năm 2020, 2021 và 2022); giảm 10% trong giai đoạn 2029-2034; giảm 30% trong giai đoạn 2035-2039; giảm 50% trong giai đoạn 2040-2044 và giảm 80% từ năm 2045.
Về phía đối tác, ông Ashraf El-Arini, Quản lý Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn 2 (do Quỹ đa phương tài trợ thông qua Ngân hàng Thế giới), cho rằng lộ trình hướng tới tuân thủ các mục tiêu loại trừ HFC giai đoạn 2024-2045 sẽ giúp Việt Nam tránh phát thải tương đương 10.974 triệu tấn CO2 vào năm 2045 và đóng góp vào các mục tiêu khí hậu quốc gia.
“Nỗ lực quản lý mức tiêu thụ HFC cũng đồng thời thúc đẩy các hành động phát triển các bon thấp”, ông Ashraf El-Arini nhấn mạnh.
Theo Hùng Võ (Vietnam+)