Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên:
UBND huyện Tây Sơn yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ
(BĐ) - Ngày 19.7, tại xã Tây Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Nguyễn Văn Khánh làm việc tại công trình với Ban Quản lý Dự án (QLDA) 2 về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, do Ban QLDA 2 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư.
Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên dài khoảng 143,6 km (qua tỉnh Bình Định 17 km, tỉnh Gia Lai 126,6 km) với quy mô đường cấp III (TCVN4054:2005). Công trình có tổng số vốn 156 triệu USD, phần lớn vốn vay của Ngân hàng Thế giới.
Đoàn công tác UBND huyện Tây Sơn làm việc với Ban QLDA 2 tại công trình Dự án. Ảnh: HẢI YẾN
Dự án khởi công gói thầu đầu tiên vào tháng 7.2021 và gói thầu cuối cùng vào tháng 6.2022. Quá trình triển khai thực hiện, tiến độ dự án chậm so với kế hoạch. Ngày 30.6.2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 787/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư kéo dài thời gian thực hiện Dự án; ngày 3.7.2023, Bộ GTVT có Quyết định số 818/QĐ-BGTVT phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án đến ngày 31.12.2024.
Theo báo cáo của UBND huyện Tây Sơn, hiện có 1.276/1.303 hộ nhận tiền bồi thường, hỗ trợ với số tiền 34,89 tỷ đồng, còn 24 hộ chưa nhận tiền. Theo phản ánh của hộ dân, thi công đường và cầu quá cao làm ảnh hưởng đến đời sống, thiệt hại trong kinh doanh; dọc tuyến không bố trí hệ thống thu nước thải khiến nước mưa tràn vào nhà làm ảnh hưởng sinh hoạt hằng ngày của người dân. Một số hộ cho rằng đất ở họ đã sử dụng ổn định từ rất lâu nhưng khi đổi sổ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Nhà nước lại trừ đất hành lang và không bồi thường, dẫn đến việc không thống nhất trong đền bù GPMB và người dân cản trở không cho thi công.
Tại tuyến đường còn 28 trụ điện chưa thi công, nguyên nhân là các hộ dân không đồng ý vì lo ngại đường dây điện chạy trên mái nhà gây ảnh hưởng đến đời sống. UBND huyện đang khẩn trương phối hợp với UBND xã Tây Giang vận động các hộ dân đồng ý cho thi công di dời trụ điện, chỉ đạo đôn đốc nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ di dời trụ điện để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
UBND huyện đã ý kiến nhiều lần với Ban QLDA 2 về việc đơn vị thi công làm việc quá chậm, gây khó khăn cho đời sống người dân. Lãnh đạo UBND huyện Tây Sơn bày tỏ quan điểm, Ban QLDA 2 cần có kế hoạch thi công cụ thể bởi hầu hết diện tích mặt bằng đã được bàn giao, không nên đổ lỗi công tác GPMB ở địa phương chậm nên ảnh hưởng tiến độ, trong khi chỉ còn 6 hộ chưa di dời; UBND huyện sẽ giải quyết những chỗ còn vướng mắc.
UBND huyện Tây Sơn yêu cầu Ban QLDA 2 đưa thiết bị máy móc thi công Dự án tại các đoạn còn lại. Ảnh: HẢI YẾN
Tại công trình, đoàn công tác UBND huyện Tây Sơn đưa Ban QLDA 2 đi gặp một số hộ dân nhằm tháo gỡ khó khăn trong GPMB. Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, ở xóm 5, thôn Thượng Giang, xã Tây Giang, kinh doanh cháo dinh dưỡng tại mặt tiền tuyến đường dự án, cho biết: Gia đình tôi dọn dẹp vỉa hè trả cho chính quyền để thực hiện Dự án. Hơn 1 năm qua, đường sá bụi bặm, công trình không có gì thay đổi. Gia đình tôi đã thu dọn bảng quảng cáo nhưng không thấy dự án thi công nên gắn trở lại. Việc tháo dỡ bảng quảng cáo chỉ mất 10 phút nên chủ đầu tư yêu cầu lúc nào, chúng tôi thu dọn ngay. Tôi chỉ mong dự án thi công nhanh để gia đình ổn định việc kinh doanh chứ hơn 1 năm qua chúng tôi rất khổ sở vì bụi bặm.
UBND huyện Tây Sơn cam kết tháo gỡ toàn bộ vướng mắc trong triển khai dự án, đồng thời kiến nghị Ban QLDA 2 khẩn trương thực hiện, đáp ứng tiến độ giải ngân và sớm đưa dự án vào khai thác, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, phát huy hiệu quả đầu tư.
HẢI YẾN