Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức hữu nghị
(BĐ) - Chiều 19.7, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, trong chương trình Hội nghị toàn quốc Công tác đối ngoại nhân dân năm 2023, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tổ chức phiên thảo luận thứ hai với chủ đề “Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam”.
Quang cảnh tại hội nghị.
Tại hội nghị, TS. Phan Anh Sơn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, đã trình bày báo cáo tổng quan về phương hướng trọng tâm công tác đối ngoại nhân dân trong thời gian tới và định hướng xây dựng, phát triển Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đến năm 2030.
Đại diện lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam chủ trì hội nghị.
Theo đó, về hoạt động đối ngoại nhân dân trong thời gian tới, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ tổ chức các lễ kỷ niệm với 6 nước trên thế giới; tích cực tham gia các cơ chế đa phương; phát triển mở rộng mạng lưới các đối tác trên thế giới. Về hoạt động phi chính phủ nước ngoài, sẽ tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ IV về phi chính phủ nước ngoài; các thủ tục hành chính; đa dạng nguồn viện trợ; đổi mới phương thức vận động các nguồn viện trợ…
Ông Mai Thanh Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Bình Định.
Định hướng xây dựng, phát triển đến năm 2030, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam xác định thực hiện theo 9 mục tiêu chiến lược, cụ thể: Nâng cao chất lượng tham mưu; nâng cao hiệu quả kết nối; tăng cường sự hiểu biết của bạn bè quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài; phát triển mạng lưới đối tác rộng rãi trên thế giới; mở rộng mức độ nhận biết và tin tưởng; hoàn thiện hệ thống tổ chức từ trung ương đến địa phương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ kỹ thuật số; đa dạng hóa nguồn tài chính; xây dựng các năng lực chiến lược.
“Với tầm nhìn như vậy, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ trở thành một tổ chức, vững mạnh, có uy tín cao trong nước và quốc tế, có khả năng dẫn dắt, đoàn kết các lực lượng tham gia hoạt động đối ngoại nhân dân và tham mưu chiến lược, chính sách về đối ngoại nhân dân cho Đảng và Nhà nước”, ông Phan Anh Sơn nhấn mạnh.
Tại hội nghị, các đại biểu Hội hữu nghị, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị các tỉnh, thành phố đã trình bày các tham luận và nêu ý kiến, kiến nghị về đối ngoại nhân dân. Ông Mai Thanh Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Bình Định cho biết, năm 2022, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện hiệu quả chương trình “Ươm mầm hữu nghị” cho sinh viên Lào đang học tập tại các trường CĐ, ĐH trên địa bàn tỉnh.
Từ đó, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh phối hợp với Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Bình Định và các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động gặp mặt, giao lưu văn hóa, văn nghệ nhân các dịp lễ, Tết cổ truyền của hai nước; tham quan, tìm hiểu các địa danh nổi tiếng của tỉnh… Từ các hoạt động trên đã giúp cho sinh viên Lào được trải nghiệm và khám phá về những truyền thống, văn hóa, lịch sử của tỉnh Bình Định, góp phần thắt chặt hơn mối quan hệ và tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước. “Các hoạt động của chương trình “Ươm mầm hữu nghị” mang lại rất nhiều lợi ích, giá trị về mặt tinh thần cho sinh viên Lào và đây là một chương trình thiết nghĩ nên được nhân rộng và thực hiện ở các tỉnh, thành có sinh viên Lào đang học tập”, ông Thắng nêu ý kiến.
GS Nguyễn Viết Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội hữu nghị Việt Nam - Cuba, cho hay, đất nước Cuba luôn là một hình mẫu, một tấm gương, một sức mạnh rất điển hình trong mặt trận nhân dân toàn thế giới đoàn kết ủng hộ Việt Nam trong cuộc chiến chống thực dân và đế quốc, giải phóng dân tộc. Vì vậy, với nguồn sức mạnh bên ngoài này, Đảng ta cũng đã tổng kết thành một trong những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đó là kết hợp sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế, sức mạnh dân tộc.
GS Nguyễn Viết Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội hữu nghị Việt Nam - Cuba, nêu ý kiến.
“Thông qua Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, chúng tôi kiến nghị với Đảng, Nhà nước cần tăng cường những bài học có tính chất là giáo dục cho các thế hệ về tình đoàn kết, hữu nghị với các nước anh em, đặc biệt là đất nước Cuba cần phải đảm bảo, chú trọng hơn. Trong công tác tuyên truyền, cũng cần phải thực hiện đồng bộ qua các kênh truyền hình, báo chí, ứng dụng truyền thông để tô điểm rõ nét hơn về mối quan hệ của Việt Nam và Cuba trong bối cảnh hiện nay”, GS Thảo nêu quan điểm.
Còn Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Nepal Trần Anh Tuấn cho rằng, để nâng cao các hiệu quả hoạt động của hội hữu nghị, cần phải tập trung thực hiện và tuân thủ các quy định về tổ chức, hoạt động của Hội theo chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật và điều lệ có liên quan đến tổ chức, hoạt động, quyền, nghĩa vụ của Hội đã được phê duyệt, đảm bảo hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích. Hội phải tự đảm bảo kinh phí hoạt động, không trông chờ, ỷ lại vào các nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước. Nâng cao chất lượng lãnh đạo Hội và chấn chỉnh việc kết nạp hội viên, phải đảm bảo tiêu chuẩn hội viên đúng quy định tại điều lệ, không kết nạp tràn lan…
Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Nepal, nêu kiến nghị tại hội nghị.
“Đề nghị Ban Đối ngoại Trung ương nên báo cáo Ban Bí thư hoặc cấp trên cho phép Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức các lớp học tập nghiên cứu chủ trương của Đảng về đối ngoại nhân dân, lớp bồi dưỡng về quy định của pháp luật đối với tổ chức và hoạt động các Hội; các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ các Hội hữu nghị”, ông Tuấn kiến nghị.
Ông Nguyễn Đức Trọng - Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Bắc Giang, đề xuất cấp trên cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị. Đảng Đoàn, Lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cần có đề án cụ thể về mô hình tổ chức của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh, thành phố theo hướng có biên chế chuyên trách; có trụ sở, tài khoản độc lập; bảo đảm phương tiện, điều kiện làm việc… Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sớm sửa đổi và ban hành Quy chế thi đua - khen thưởng phù hợp với thực tế của công tác đối ngoại nhân dân ở các địa phương và đi vào thực chất, dễ thực thi…
Ông Đỗ Quốc Hương - Giám đốc Sở Ngoại vụ, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Hà Giang, cũng kiến nghị các biện pháp tăng cường hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong thời gian tới cần tăng cường các hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị với các đối tác truyền thống. Tăng cường các chương trình hợp tác hiệu quả với các đối tác, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài, hội hòa bình phục vụ phát triển KT-XH, cải thiện y tế, giáo dục, nâng cao năng lực cho nhân dân…
Phát biểu kết luận hội nghị, bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đánh giá, các đại biểu đã tập trung trí tuệ trao đổi, thảo luận về tình hình thế giới, khu vực và tác động đối với công tác đối ngoại trong đó có đối ngoại nhân dân; kết quả thực hiện Chương trình hành động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, phát biểu kết luận hội nghị.
Các báo cáo, tham luận, ý kiến trao đổi rất chất lượng, tâm huyết của các đại biểu, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam có thêm nhiều kinh nghiệm, mô hình tốt, cách làm hay; nhất trí cao về các giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác của hệ thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trên mọi mặt; thông qua trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2023, hướng tới Đại hội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029 và định hướng phát triển của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đến năm 2030. Cơ quan thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ tổng hợp, tiếp thu các ý kiến và kết luận tại Hội nghị, hoàn thiện định hướng phát triển Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
“Thông qua Hội nghị toàn quốc Công tác đối ngoại nhân dân năm 2023, toàn hệ thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, cũng như từng tổ chức thành viên cần thống nhất cao trong nhận thức và quyết tâm cao trong hành động, bám sát phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, nhanh chóng cụ thể hóa kết quả Hội nghị, tích cực triển khai công tác đối ngoại nhân dân theo tinh thần Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 5.1.2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Thực hiện tốt các nhiệm vụ của năm 2023 và Nghị quyết Đại hội VI của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, thiết thực phục vụ các mục tiêu phát triển KT-XH, văn hoá của đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, bà Nga nhấn mạnh.
CHƯƠNG HIẾU-VĂN LƯU