Thầm lặng nhân viên cứu hộ bãi biển
Ði dọc bãi biển từ Mũi Tấn đến Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn), người dân và du khách không khó để nhận ra các nhân viên cứu hộ thuộc Công ty CP Môi trường Bình Ðịnh. Công việc của họ là bảo đảm an toàn cho người dân và du khách khi tắm biển.
An toàn là trên hết
Cứu hộ trên biển là nghề đặc biệt, bởi bất cứ ai đến với công việc này cũng phải trải qua thử thách với những con sóng dữ. TP Quy Nhơn đang vào mùa du lịch, du khách và người dân tắm biển càng đông, các thành viên trong đội cứu hộ càng vất vả.
Ngày nào cũng vậy, từ 4 giờ 30 phút - 8 giờ 30 phút và từ 15 giờ - 18 giờ 30 phút là khoảng thời gian tập trung cho công việc của đội cứu hộ. Họ liên tục trông chừng cho du khách và người dân tắm biển; phát hiện trường hợp nào đi vào vùng nguy hiểm, các nhân viên thổi còi cảnh báo hoặc lập tức lao ra đưa khách trở vào bờ.
Anh Lê Hoài Phương, thành viên đội cứu hộ, chia sẻ: “Tôi làm công việc cứu hộ này đã 10 năm nay, dù thời tiết mưa hay nắng chúng tôi vẫn túc trực. Với tôi và các anh em trong đội, đây không chỉ là nghề kiếm cơm, mà còn là trách nhiệm với cộng đồng. Biển rộng, người đông, với người thường thì chắc chắn sẽ bị rối mắt, nhưng chúng tôi vẫn luôn quan sát để phát hiện những bất thường, kịp thời xử lý”.
“Khoảnh khắc đáng nhớ nhất là vào năm 2015, lúc đó khoảng 7 giờ 10 phút sáng, mặt biển vẫn yên lặng bình thường, đột nhiên có người hô hoán ở dưới biển, tôi cùng đồng đội bơi ra cứu được 2 người vào bờ. Lúc đó người nhà nói còn 2 người, chúng tôi lại bơi ra tiếp tục tìm kiếm, cứu thêm 2 người nữa. Bằng những biện pháp nghiệp vụ và kinh nghiệm, tôi và các anh em trong đội đã kịp sơ cứu cho 2 người đó và đưa vào bệnh viện”, anh Phương kể.
Anh Phương không nhớ bản thân và các đồng nghiệp đã cứu được bao nhiêu người, nhưng các anh coi nghề cứu nạn là bảo vệ sinh mạng của con người. Biển Quy Nhơn là biển du lịch, các thành viên trong đội luôn tâm niệm mình cũng như một hướng dẫn viên, phải thật sự yêu nghề mới ở lại đến bây giờ.
Anh Lê Hoài Phương, thành viên Đội cứu hộ bãi biển, thổi còi, vẫy tay ra hiệu gọi người dân và du khách tắm quá xa bờ vào khu vực an toàn. Ảnh: N.D
Thường xuyên rèn luyện kỹ năng
Ngoài kỹ năng cứu nạn, phản ứng nhanh và bơi giỏi, nhân viên cứu hộ phải thật bình tĩnh xử lý tình huống khi tiếp cận người bị nạn để bảo đảm an toàn tính mạng của mình và cứu được người bị nạn. Vì khi có tai nạn đuối nước, nạn nhân thường mất bình tĩnh, nếu tiếp cận không chuẩn, nhân viên cứu nạn sẽ bị nạn nhân ôm chặt và cả hai sẽ bị nhấn chìm.
Có 8 năm kinh nghiệm với nghề cứu hộ, anh Nguyễn Tấn Nghi chia sẻ: “Mùa này nắng đẹp nên cuối tuần biển rất đông khách. Giữa biển người mênh mông, tôi phải tập trung tinh thần cao độ để nhận biết ai có nguy cơ gặp nguy hiểm mà cảnh báo hoặc ứng cứu kịp thời. Trong quá trình làm việc, đội chúng tôi đã cứu được rất nhiều người bị sóng cuốn. Mỗi lần cứu được một người, chúng tôi đều rất vui mừng và tự hào. Tuy nhiên, cũng có những lần chúng tôi phải đối mặt với những khó khăn và nguy cơ cao”.
Theo ông Lương Văn Hãnh, Đội phó Đội cứu hộ bãi biển Quy Nhơn, được thành lập từ năm 2012 đến nay, Đội gồm 17 thành viên và 8 trạm cứu hộ dọc bãi biển. Các thành viên trong đội phải chia ra nhiều điểm dọc các bãi biển để tuần tra, quan sát, kịp thời nhắc nhở người dân và du khách. Thành viên của đội đều là những người làm việc hết trách nhiệm và nhanh nhạy xử lý rất nhiều tình huống xảy ra trên các bãi biển. Với công việc đặc thù, túc trực ngoài trời, điều đầu tiên và quan trọng nhất là ý thức trách nhiệm và chấp hành nội quy của đơn vị, không bao giờ được phép mất tập trung. Bảo vệ an toàn cho người dân, du khách cũng là góp phần làm đẹp hơn cho hình ảnh thành phố du lịch Quy Nhơn.
“Để làm tốt công việc này, các thành viên của đội phải luôn rèn luyện thể lực và kỹ năng bơi lội, thường xuyên cập nhật thông tin thời tiết để có kế hoạch ứng phó phù hợp. Chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền và sự hợp tác của người dân để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”, ông Hãnh chia sẻ.
NGUYỄN DŨNG