Công tác đối ngoại nhân dân: Chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả
Ngày 19.7, Hội nghị toàn quốc công tác đối ngoại nhân dân năm 2023 với chủ đề “Ðổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam” diễn ra thành công tốt đẹp, tạo tiền đề để tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới.
Thông suốt, hiệu quả
Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị (CTCHN) Việt Nam đạt được nhiều kết quả quan trọng trong triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, nhất là về đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân song phương và đa phương, công tác phi chính phủ nước ngoài và huy động các nguồn lực phục vụ phát triển KT-XH.
Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Liên hiệp CTCHN Việt Nam Phan Anh Sơn cho biết: Từ năm 2021 đến tháng 6.2023, có 421 tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động thường xuyên tại Việt Nam, với tổng giá trị viện trợ giải ngân trung bình khoảng 230 triệu USD/năm.
Cùng với đó, công tác thông tin đối ngoại được triển khai hiệu quả. Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài được thúc đẩy, có nhiều đổi mới, sáng tạo. Công tác xây dựng và phát triển hệ thống, đào tạo và nâng cao nguồn nhân lực được đặc biệt quan tâm.
Ông Vũ Hải Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, đánh giá Liên hiệp CTCHN Việt Nam phối hợp rất chặt chẽ với các cơ quan nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của ngoại giao nghị viện và đối ngoại nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Tổng thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn trình bày báo cáo tại Hội nghị công tác đối ngoại nhân dân năm 2023, diễn ra ngày 19.7 tại TP Quy Nhơn, do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức.
Thành công chung của công tác đối ngoại nhân dân Việt Nam có đóng góp tích cực của các tỉnh, thành trong cả nước. Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: Trong tiến trình phát triển, tỉnh Bình Định luôn xác định công tác đối ngoại có vai trò đi trước mở đường, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương. Trên cơ sở bám sát đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại” của Đảng và Nhà nước, tỉnh đã tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các hoạt động đối ngoại trên cả 3 trụ cột: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.
“Tỉnh đã kịp thời cụ thể hóa Chỉ thị 12-CT/TW ngày 5.1.2022 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới” của Ban Bí thư và các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác đối ngoại, ngoại giao nhân dân; quan tâm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhằm tạo sự đồng thuận và nâng cao hiệu quả thực hiện công tác đối ngoại nhân dân”, đồng chí Hồ Quốc Dũng cho biết.
Đại biểu lãnh đạo tỉnh dự Hội nghị.
Nhiều nhiệm vụ quan trọng
Theo ông Phan Anh Sơn, Liên hiệp CTCHN Việt Nam và các tổ chức thành viên sẽ tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng mạng lưới đối tác rộng rãi trên thế giới. Nâng cao hiệu quả hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Không ngừng nâng cao chất lượng công tác tham mưu xây dựng và triển khai đường lối, chính sách về đối ngoại nhân dân. Đẩy mạnh, mở rộng các kênh thông tin tuyên truyền đối ngoại đến với bạn bè quốc tế và đồng bào ta ở nước ngoài.
Cùng với đó là tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan đa dạng hóa hình thức và nội dung các hoạt động vận động, thu hút sự tham gia của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vào các hoạt động đối ngoại nhân dân. Hoàn thiện hệ thống tổ chức từ Trung ương đến địa phương. Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ theo hướng “chuyên trách, chuyên tâm, chuyên nghiệp”…
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường phối hợp giữa ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, như Bộ Ngoại giao và Liên hiệp CTCHN Việt Nam cần gắn kết hơn nữa trong công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu các vấn đề đối ngoại, nhất là trong các vấn đề liên quan trực tiếp đến an ninh và phát triển của đất nước.
Bên cạnh đó, tăng cường gắn kết giữa đối ngoại nhân dân với mạng lưới các cơ quan đại diện ở nước ngoài, đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm. “Hiện nay đã có 35 tượng Bác Hồ, 6 đại lộ, 7 con đường mang tên Bác Hồ tại 23 quốc gia. Đây là các địa bàn thuận lợi để tăng cường hơn nữa sự hiện diện của đối ngoại nhân dân”, ông Vũ nói.
Còn Phó trưởng ban Thường trực Ban Đối ngoại Trung ương Nguyễn Thị Hoàng Vân đề nghị hệ thống Liên hiệp CTCHN Việt Nam cần tiếp tục chủ động xây dựng và triển khai các chiến lược, kế hoạch phát triển quan hệ đối tác, theo hướng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động với từng đối tác cụ thể.
Nhân dịp Hội nghị, Liên hiệp CTCHN Việt Nam đã vận động trao tặng người dân có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Bình Định 20 căn nhà (tổng trị giá 1,4 tỷ đồng) và tặng học sinh nghèo hiếu học 2.000 suất học bổng (tổng trị giá 2 tỷ đồng).
Thống nhất cao trong nhận thức, quyết tâm cao trong hành động
Kết luận Hội nghị, bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp CTCHN Việt Nam, nhất trí cao về các giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác của hệ thống Liên hiệp CTCHN Việt Nam trên mọi mặt; định hướng xây dựng và phát triển Liên hiệp từ nay tới năm 2030. Kết quả Hội nghị cũng sẽ là nền tảng tốt phục vụ việc xây dựng các văn kiện của Đại hội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029 của Liên hiệp CTCHN Việt Nam.
“Thông qua Hội nghị, toàn hệ thống Liên hiệp CTCHN Việt Nam cần thống nhất cao trong nhận thức và quyết tâm cao trong hành động, bám sát phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, nhanh chóng cụ thể hóa kết quả Hội nghị, tích cực triển khai công tác đối ngoại nhân dân theo tinh thần Chỉ thị số 12-CT/TW của Ban Bí thư. Thực hiện tốt các nhiệm vụ thiết thực phục vụ các mục tiêu phát triển KT-XH, văn hóa của đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII”, bà Nga nhấn mạnh.
Tham dự Hội nghị, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp tâm đắc.
Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Nepal Trần Anh Tuấn cho rằng, để nâng cao hiệu quả hoạt động của hội hữu nghị, cần tập trung thực hiện các giải pháp: Tuân thủ các quy định về tổ chức, hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích; Hội phải tự đảm bảo kinh phí hoạt động, không trông chờ, ỷ lại vào các nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước; nâng cao chất lượng lãnh đạo hội và hội viên...
Tổng Thư ký Liên hiệp CTCHN tỉnh Bắc Giang Nguyễn Đức Trọng đề xuất Đảng đoàn, lãnh đạo Liên hiệp CTCHN Việt Nam cần có đề án cụ thể về mô hình tổ chức của liên hiệp CTCHN tỉnh, thành phố theo hướng có biên chế chuyên trách, có trụ sở độc lập; bảo đảm phương tiện, điều kiện làm việc… Liên hiệp CTCHN Việt Nam sớm sửa đổi, ban hành quy chế thi đua - khen thưởng phù hợp với thực tế của công tác đối ngoại nhân dân ở các địa phương và đi vào thực chất, dễ thực thi.
NHÓM PV XÂY DỰNG ÐẢNG