Phát huy vai trò của báo chí - truyền thông trong thu hút đầu tư
Ngày mai (21.7), UBND tỉnh sẽ tổ chức diễn đàn “Vai trò của báo chí - truyền thông trong quảng bá thu hút đầu tư vào tỉnh Bình Ðịnh”. Dịp này, ông Phạm Ngọc Thái, Phó Giám đốc Sở TT&TT (cơ quan thường trực được UBND tỉnh giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp thực hiện diễn đàn), trao đổi với Báo Bình Ðịnh về vai trò của báo chí - truyền thông trong thu hút đầu tư.
Phó Giám đốc Sở TT&TT Phạm Ngọc Thái
*Ông đánh giá thế nào về vai trò, sự đóng góp của báo chí - truyền thông trong quảng bá thu hút đầu tư vào tỉnh Bình Định trong thời gian qua?
- Các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã đồng hành, thực hiện tốt chức năng thông tin tuyên truyền, phản ánh, phân tích có chiều sâu, đưa tin kịp thời về sự kiện, vấn đề nổi bật, những tiềm năng, thế mạnh trong phát triển KT-XH của tỉnh. Đặc biệt là thành tựu về phát triển KT-XH, thu hút đầu tư, chương trình xây dựng nông thôn mới, kết quả chuyển đổi số, công tác bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa, tiềm năng phát triển du lịch, tinh thần khắc phục khó khăn của cộng đồng DN, sự đồng thuận của người dân, thể hiện khát vọng vươn lên, không ngừng nâng cao vị thế của tỉnh trong giai đoạn hiện nay…
Từ đó, giúp tỉnh truyền tải đến các DN, nhà đầu tư trong, ngoài nước hình ảnh về địa phương năng động, sở hữu nhiều lợi thế trong phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ…; là tỉnh đạt được nhiều thành tựu trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Do vậy, có thể khẳng định, báo chí - truyền thông đóng vai trò quan trọng trong xúc tiến, quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư, đẩy mạnh tuyên truyền về cải cách thủ tục hành chính, góp phần giảm thiểu quy trình, thủ tục trong công tác thu hút đầu tư ở tỉnh Bình Định.
* Như vậy, báo chí đã phát huy vai trò vừa là kênh cung cấp, chuyển tải thông tin cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, vừa là công cụ hữu hiệu để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, thương hiệu cho địa phương và doanh nghiệp…
- Đúng thế! Vai trò đó thể hiện trên nhiều mặt. Cụ thể, báo chí vừa là kênh phản ánh và cung cấp thông tin các hoạt động kinh tế, vừa là kênh phản biện các chính sách kinh tế của Nhà nước, của từng địa phương. Đồng thời, thông tin kinh tế từ báo chí chính là chỉ dấu để tìm hiểu những mô hình làm ăn, các gương mặt cá nhân, tổ chức làm kinh tế điển hình để học hỏi.
Hơn nữa, thông tin kinh tế trên báo chí còn là thông tin về đối tác trong thời buổi nền kinh tế mở và hội nhập nhưng cũng đầy cạnh tranh. Ngoài ra, thông tin trên báo chí còn cung cấp, còn tác động tới cả đạo đức kinh doanh của các doanh nhân, các nhà kinh tế.
* Diễn đàn “Vai trò của báo chí - truyền thông trong quảng bá thu hút đầu tư vào tỉnh Bình Định” được tổ chức nhằm mục đích gì, thưa ông?
- Diễn đàn lần này nằm trong Kế hoạch truyền thông tỉnh năm 2023, nhằm đánh giá và đề xuất các giải pháp thúc đẩy, nâng cao hơn nữa hiệu quả quảng bá thu hút đầu tư vào tỉnh Bình Định trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Để tìm ra nhiều giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thu hút đầu tư vào tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, các đại biểu tham dự sẽ tập trung trao đổi, thảo luận các nội dung liên quan đến tiềm năng, thế mạnh và cơ hội đầu tư vào một số lĩnh vực tỉnh ưu tiên thu hút, kêu gọi. Hoặc, các chính sách thu hút, xúc tiến đầu tư, các dự án đầu tư trọng điểm tỉnh đang mời gọi các DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư…
Báo chí - truyền thông góp phần thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Nhơn Hội. Ảnh:T.LỢI
* Với bối cảnh của tỉnh Bình Định, theo ông, báo chí - truyền thông cần tập trung vào vấn đề gì để góp phần tốt hơn vào sự phát triển kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng…
- Theo tôi, báo chí - truyền thông cần tập trung 3 vấn đề.
Đầu tiên, cần nhận thức đúng vai trò của báo chí - truyền thông với sự phát triển kinh tế nói chung, DN nói riêng. Đó là quan hệ tương hỗ, gắn bó hữu cơ, hai bên cùng có lợi. Thứ hai, cần bồi dưỡng, nâng cao kiến thức và kỹ năng viết về kinh tế cho các nhà báo. Viết báo về kinh tế, về DN, là làm báo chuyên biệt, có những đòi hỏi, yêu cầu riêng về kiến thức kinh tế, lịch sử, chính trị, văn hóa… Thứ ba, cần trau dồi đạo đức nghề báo khi làm báo về kinh tế, DN. Vì lĩnh vực kinh tế và DN là môi trường dễ có cám dỗ vật chất, nhà báo dễ lợi dụng và cũng dễ bị lợi dụng nhất, nếu không có đạo đức nghề nghiệp.
* Xin cảm ơn ông!
TRỌNG LỢI (Thực hiện)