World Cup 2023 và hành trình “hơn cả sự vĩ đại”
Hôm nay (20.7), World Cup 2023 của bóng đá nữ chính thức khai mạc cùng khẩu hiệu “Hơn cả sự vĩ đại”.
“Vĩ đại”, hiểu một cách đơn giản, là điều gì đó tầm cỡ với giá trị lớn lao. Lớn lao thế nào thì không thể đong đếm, chỉ biết rằng, sự đồ sộ, sự khổng lồ, sự lớn lao, sự hùng vĩ… là những cách để diễn đạt cho “vĩ đại”.
Vậy thì, “hơn cả sự vĩ đại” có thể diễn tả bằng gì? Khẩu hiệu của World Cup 2023 – giải đấu dành cho các cầu thủ nữ, là “Hơn cả sự vĩ đại” (Beyond Greatness).
Đội tuyển nữ Việt Nam cũng góp vào World Cup 2023 một câu chuyện của riêng mình. Ảnh: VFF
Tháng 10.2021, khi công bố bộ nhận diện thương hiệu của FIFA Women’s World Cup 2023, Tổng thư ký FIFA, Fatma Samoura - người sẽ rời vị trí vào cuối năm nay, nói rằng, “Bóng đá nữ tiếp tục phát triển và Beyond Greatness, khẩu hiệu mới thể hiện hoàn hảo nơi mà FIFA muốn đưa môn thể thao nữ vào trái tim và tâm trí của người hâm mộ bóng đá trên toàn thế giới”.
Nếu như “Hơn cả sự vĩ đại” không thể diễn tả bằng lời, cách đơn giản nhất là nhìn lại những gì đã trải qua. Có thể, những câu chuyện của lịch sử xa xưa quá khó để tìm kiếm, nhưng mấu chốt chung nhất của hành trình bóng đá nữ đã, đang và sẽ đi qua là “chiến thắng định kiến”.
Định kiến rằng, bóng đá – với những biểu tượng cho sức mạnh và sự khốc liệt của nó, vốn chỉ dành cho cánh đàn ông. Nhưng, hãy nhớ rằng, phụ nữ có thể đã chơi bóng đá từ khi trò chơi này tồn tại.
Bằng chứng cho thấy rằng, một trò chơi tương tự (cuju, còn được gọi là tsu chu) đã được chơi bởi phụ nữ trong thời nhà Hán, vì các nhân vật nữ được mô tả trong các bức bích họa của thời kỳ đó chơi tsu chu.
Các trận đấu hàng năm diễn ra ở Midlothian, Scotland được tường thuật sớm nhất là vào những năm 1790. Năm 1863, các cơ quan quản lý bóng đá đã đưa ra các quy tắc tiêu chuẩn để cấm bạo lực trên sân cỏ, giúp phụ nữ thi đấu được xã hội chấp nhận hơn.
Trận đấu quốc tế đầu tiên diễn ra vào năm 1881 tại Công viên Hibernian ở Edinburgh, trong chuyến du đấu của 2 đội Scotland và Anh. Hiệp hội bóng đá Scotland đã ghi lại một trận đấu của phụ nữ vào năm 1892…
Tất nhiên, định kiến còn tồn tại cho đến ngày nay. Nhưng quá trình đấu tranh đã được duy trì, và ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau 2 kì World Cup 1991 và 1995 không có khẩu hiệu chính thức, bắt đầu từ 1999, chủ đề của giải đấu được đưa vào. “Đây là trò chơi của tôi. Đây là tương lai của tôi. Hãy xem tôi thi đấu" là slogan của giải đấu ở Mỹ vào năm đó.
Thông điệp dần mạnh mẽ hơn, với năm 2015 ở Canada là “Vì một mục tiêu lớn hơn”, “Dám tỏa sáng” là khẩu hiệu ở giải đấu tại Pháp năm 2019. Và năm nay, “Hơn cả sự vĩ đại”...
Ở World Cup năm nay hay bất kì giải đấu nào trong quá khứ, mỗi đội tuyển đều có một câu chuyện của riêng mình để góp vào hành trình vĩ đại vượt qua định kiến về giới. Họ đấu tranh để được đối xử, để được nhìn nhận, để được trả thưởng, trả thù lao một cách công bằng. Đấu tranh để không bị lạm dụng, hay chỉ là đấu tranh để vượt qua những khó khăn về nghịch cảnh, dịch bệnh và tất cả những gì mang tính đối nghịch…
Sự bình đẳng đến bao giờ có lời khẳng định? Không ai biết được. Nhưng bóng đá nữ sẽ còn tiếp tục làm tất cả những gì có thể cho con đường vĩ đại của mình. Một trong số đó là FIFA hướng đến mục tiêu 60 triệu phụ nữ và trẻ em chơi bóng trên toàn thế giới vào năm 2026…
Sarai Bareman – người phụ trách bóng đá nữ của FIFA, khẳng định, World Cup là cách tốt nhất để kéo các cầu thủ nữ vào đúng nơi mà họ thuộc về.
"Sự thay đổi lớn nhất trong trò chơi của phụ nữ là World Cup. Những thế hệ tiếp theo cần có mọi cơ hội để tham gia, huấn luyện, dẫn dắt trò chơi của chúng ta và World Cup là đòn bẩy lớn nhất mà chúng tôi phải kéo để thúc đẩy sự phát triển của trò chơi của mình".
Và World Cup 2023 – có sự hiện diện của tuyển nữ Việt Nam với câu chuyện vĩ đại của riêng mình, sẽ khởi tranh từ hôm nay.
(Theo TAM NGUYÊN/LĐO)