Người biểu tình Iraq phóng hỏa đại sứ quán Thụy Điển
Người biểu tình phóng hỏa tại đại sứ quán Thụy Điển ở Baghdad, sau khi cảnh sát Thụy Điển phê duyệt cuộc tụ tập đốt kinh Koran.
Hàng trăm người biểu tình trèo tường xông vào đại sứ quán Thụy Điển ở Baghdad rạng sáng 20.7 và phóng hỏa. Khói bốc lên từ tòa nhà đại sứ quán, buộc Iraq triển khai lượng lớn cảnh sát chống bạo động để đối phó.
"Chúng tôi không đợi đến sáng, chúng tôi đột nhập lúc bình minh và phóng hỏa đại sứ quán Thụy Điển", một thanh niên nói, trước khi hô vang tên giáo sĩ dòng Shiite Muqtada Sadr, người tổ chức cuộc biểu tình.
Đám cháy tại sứ quán Thụy Điển ở Baghdad ngày 20.7. Ảnh: Factal News
Bộ Ngoại giao Iraq ra tuyên bố cho biết Iraq lên án vụ đốt đại sứ quán Thụy Điển ở Baghdad "bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất". Chính phủ Iraq đã chỉ thị lực lượng an ninh tiến hành cuộc điều tra nhanh chóng về sự việc và buộc những người phạm tội phải chịu trách nhiệm.
Bộ Ngoại giao Thụy Điển cho biết toàn bộ nhân viên sứ quán ở Baghdad đều an toàn và đang giữ liên lạc bình thường. "Chúng tôi lên án tất cả vụ tấn công nhằm vào nhà ngoại giao và nhân viên các tổ chức quốc tế. Tấn công sứ quán và nhà ngoại giao cấu thành hành vi vi phạm nghiêm trọng Công ước Vienna. Giới chức Iraq chịu trách nhiệm bảo vệ phái bộ ngoại giao cùng nhân viên", Bộ Ngoại giao Thụy Điển cho hay.
Cuộc biểu tình diễn ra sau khi cảnh sát Thụy Điển cho phép tổ chức cuộc tụ tập bên ngoài sứ quán Iraq ở Stockholm vào 20.7, nơi những người tham gia dự định đốt kinh Koran cũng như quốc kỳ Iraq.
Truyền thông Thụy Điển đưa tin Salwan Momika, người tị nạn Iraq ở Thụy Điển, tổ chức sự kiện này. Salwan hôm 28.6 đốt vài trang kinh Koran trước nhà thờ Hồi giáo lớn nhất Stockholm vào lễ Eid al-Adha, ngày lễ được người Hồi giáo trên khắp thế giới tổ chức.
Hành động của Salwan đã khiến những người ủng hộ giáo sĩ Sadr, lãnh đạo tôn giáo có ảnh hưởng và cũng là nhà bất đồng chính kiến chính trị ở Iraq, xông vào sứ quán Thụy Điển ở Baghdad vào hôm sau. Giáo sĩ Sadr trước đó kêu gọi biểu tình phản đối Thụy Điển và trục xuất đại sứ Thụy Điển.
Trong cuộc phỏng vấn trên báo, Salwan mô tả mình là người tị nạn Iraq đang tìm cách vận động cấm kinh Koran của người Hồi giáo. Cảnh sát Thụy Điển cáo buộc Salwan tội kích động sắc tộc.
Chính phủ một số quốc gia Hồi giáo như Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Jordan và Morocco đã lên tiếng phản đối hành động đốt kinh Koran của Salwan. Iraq yêu cầu Thụy Điển dẫn độ người đàn ông này về nước để xét xử.
Mỹ lên án hành động đốt kinh Koran, nhưng nói thêm rằng việc Thụy Điển cấp giấy phép biểu tình là ủng hộ quyền tự do ngôn luận và không đồng nghĩa giới chức tán thành hành động này.
(Theo Huyền Lê/VnE/Theo AFP, Reuters)