Hội nghị trực tuyến về tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia khu vực Bắc Trung bộ, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên
(BĐ) - Chiều 20.7, tại TP Quy Nhơn, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến với 19 tỉnh, thành phố Vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung và vùng Tây Nguyên về tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia.
Dự hội nghị về phía lãnh đạo tỉnh có các đồng chí: Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia và 11 địa phương trong toàn tỉnh.
Tham dự tại điểm cầu Bình Định còn có lãnh đạo các tỉnh: Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai và Kon Tum.
Quang cảnh hội nghị trực tuyến về tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia khu vực Bắc Trung bộ, duyên hải Miền Trung và Tây Nguyên.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, trong giai đoạn 2021-2025, Trung ương giao tổng vốn đầu tư phát triển hơn 39.019 tỷ đồng cho các địa phương thuộc Vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung và Vùng Tây Nguyên để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (chiếm 39,2% nguồn lực đầu tư phát triển của ngân sách Trung ương để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong cả nước).
Đến nay, các địa phương đã hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở bám sát các quy định và chỉ đạo của Trung ương.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương báo cáo kết quả triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia khu vực Bắc Trung bộ, duyên hải Miền Trung và Tây Nguyên.
Riêng trong năm 2023, ngân sách Trung ương phân bổ kinh phí thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia cho Vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung và Vùng Tây Nguyên hơn 17.820 tỷ đồng, chiếm gần 36% tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho cả nước. Trong đó, vốn đầu tư phát triển hơn 9.482 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 8.338 tỷ đồng. Đến nay, các địa phương trong Vùng đã phân bố hơn 7.935 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, đạt 83,68%.
Về tình hình giải ngân, đến hết ngày 30.6.2023, vốn giải ngân 3 chương trình của các địa phương trong Vùng hơn 2.055 tỷ đồng, đạt 21,67% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn 6,53% so với trung bình cả nước (khoảng 28,2%).
Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, các địa phương trong Vùng đã quyết liệt trong việc triển khai các nội dung, hoạt động thuộc từng dự án, tiểu dự án thành phần của Chương trình, cơ bản hoàn thành một số mục tiêu trong giai đoạn. Nhờ vậy, tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số của các vùng bình quân đạt 3,81%/năm.
Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều Vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung giảm từ 12,02% còn 10,04%. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều Vùng Tây Nguyên giảm từ 17,52% còn 15,39%. Toàn Vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung và Vùng Tây Nguyên có 1.922 xã/2.751 xã (chiếm 69,86%) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 11,86% so với đầu giai đoạn).
Qua triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, một số địa phương trong Vùng đã có nhiều cách làm hay, sáng kiến, cụ thể: Ninh Thuận có mô hình trang trại trồng nho gắn với phát triển du lịch nông thôn, quảng bá sản phẩm. Tại Nghệ An, Hội Nông dân tỉnh đã chủ động kết nối với các DN tín chấp, qua đó giúp hội viên được vay đến 17.630 tấn phân bón, 215 tấn thức ăn chăn nuôi và 82.000 con giống gia cầm, tổng giá trị đạt trên 185 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân phát biểu gợi ý các vấn đề để các địa phương tham gia ý kiến, góp ý về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tại Kon Tum, DN cà phê Nguyên Huy Hùng đã tổ chức liên kết 4 nhà (nhà quản lý, nhà DN, nhà khoa học và nhà nông) hình thành chuỗi sản xuất nông nghiệp bền vững, phát triển thương hiệu cà phê Dakmark được công nhận đạt chuẩn OCOP 5 sao.
Tỉnh Quảng Nam đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách đứng điểm ở địa phương (huyện, xã) và phân công nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị phụ trách theo dõi, hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia nên kịp thời nắm bắt, xử lý khó khăn, vướng mắc…
Ông Y Vinh Tơr, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tham gia ý kiến tại hội nghị về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Các chương trình được phê duyệt và quy định tỷ lệ vốn đối ứng sau thời điểm quyết định kế hoạch vốn trung hạn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 của địa phương. Do đó, việc bố trí vốn đối ứng để thực hiện các chương trình theo tỷ lệ quy định là rất khó đảm bảo. Việc huy động đóng góp về tiền hiện vật và ngày công lao động của nhân dân để thực hiện chương trình trên địa bàn các huyện, các xã còn khó khăn.
Nguồn vốn sự nghiệp được giao theo từng năm và phân theo hạng mục chi tiết làm cho địa phương khó khăn trong việc xác định mục tiêu của giai đoạn và chuyển đổi vốn giữa các nội dung trong chương trình để thích ứng với điều kiện thực tế. Việc bố trí cán bộ phụ trách thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở cơ sở còn bất cập và chủ yếu kiêm nhiệm nhiều việc.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh ý kiến về tình hình triển khai công tác đào tạo nghề trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025.
Do vậy, chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, theo dõi, tổng hợp báo cáo của các địa phương còn hạn chế, gây khó khăn cho công tác tham mưu chỉ đạo, điều hành thực hiện các chương trình. Đồng thời, chưa có chính sách, chế độ đãi ngộ để khích lệ, động viên cán bộ nên vấn đề tham mưu thực hiện các chương trình chưa cao, thiếu chiều sâu.
Bên cạnh đó, năng lực quản lý, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình ở các địa phương chưa đồng đều. Do đó, một số nơi gặp khó khăn khi triển khai các nội dung như: Giao xã làm chủ đầu tư, cơ chế đặc thù trong đầu tư xây dựng, hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo…
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trọng tâm là việc chậm phân bổ vốn thực hiện làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; một số bộ chưa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các nội dung trong từng chương trình dẫn đến các địa phương lúng túng, khó khăn trong triển khai… Đồng thời, đề xuất các giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng so với kết quả năm 2022, dù đã tháo gỡ nhiều khó khăn nhưng kết quả thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt tỉ lệ thuận. “Tôi có cảm giác rằng đối với nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quan tâm, chưa có trách nhiệm đầy đặn đến việc triển khai các chương trình này. Nguyên nhân theo tôi là kinh phí ít mà lại làm cực, phải đi tới vùng sâu, vùng xa chăm từng chút”, đồng chí Trần Lưu Quang nhìn nhận.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu kết luận hội nghị
Theo đồng chí Trần Lưu Quang các chương trình mục tiêu quốc gia đã và đang lo cho người nghèo, người ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số - đây là nhiệm vụ chính trị cực kỳ quan trọng và mang lại giá trị nhân văn sâu sắc. Nhấn mạnh trong điều kiện hết sức ngặt nghèo về thời gian, khó về triển khai thực hiện và trong tâm thế nhiều địa phương chưa sẵn sàng lắm với việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, đồng chí Trần Lưu Quang cho biết Trung ương sẽ tiếp tục sửa và hướng dẫn nhanh nhất có thể những nội dung còn vướng mắc, cơ bản là trong Quý III. Đối với các Bộ ngành liên quan cùng các địa phương, đồng chí Phó Thủ tướng yêu cầu phải áp dụng phương châm trách nhiệm, tích cực, chủ động và quyết liệt hơn nữa trong triển khai hiệu quả các nội dung của 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Đặc biệt, Bộ KH&ĐT cùng các bộ, ngành chủ trì các chương trình này cần có sự kết nối tốt hơn với các địa phương để lắng nghe những ý kiến còn vướng mắc. Và ngược lại, các địa phương cái gì vướng thì phải hỏi ngay, kể cả hỏi Phó Thủ tướng. “Tất cả các văn bản trao đổi qua lại giữa các bộ ngành trung ương với các địa phương từ nay gửi thêm địa chỉ là Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang. Tôi sẽ có trách nhiệm tổng hợp theo dõi xem việc hỏi và trả lời giữa các bộ, ngành, địa phương như thế nào. Tôi thêm việc nhưng cũng muốn chia sẻ với các đơn vị, địa phương. Nếu cố gắng và trách nhiệm thì việc gì khó cũng có cách gỡ được, còn cái gì cũng đổ thừa chưa có quy định chưa làm được thì việc không thể chạy được”, đồng chí Trần Lưu Quang lưu ý.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương nên phân cấp việc cho các huyện nhưng phân cái gì cũng phải cân nhắc để không mất cán bộ. Đồng thời, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia nguồn lực địa phương trong khả năng có thể và theo đúng quy định. Văn phòng Chính phủ theo dõi đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm công văn số 666 ngày 18.7.2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
NGUYỄN HÂN - HỒNG PHÚC