Quản lý kiến trúc đô thị Quy Nhơn: Hướng đến đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển
Quy chế quản lý kiến trúc đô thị Quy Nhơn vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 11 HÐND tỉnh khóa XIII. Ðây là cơ sở để quản lý quy hoạch đô thị và xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang đô thị theo định hướng phát triển kiến trúc, bảo vệ cảnh quan, phù hợp bản sắc văn hóa địa phương.
Quy chế quản lý kiến trúc đô thị Quy Nhơn là một trong những căn cứ để lập đồ án quy hoạch đô thị, xây dựng, thiết kế đô thị. Ảnh: DŨNG NHÂN
Quy Nhơn cũng là một trong những đô thị được quan tâm đưa vào Nghị quyết 26- NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn 2045, với định hướng phát triển trở thành trung tâm văn hóa phía Nam của vùng.
Việc xây dựng quy chế quản lý kiến trúc đô thị Quy Nhơn rất cần thiết, tạo sự đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển. Đây là một trong những căn cứ để lập đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, thiết kế đô thị riêng và cấp giấy phép xây dựng. Đồng thời là cơ sở để lập kế hoạch triển khai thực hiện thiết kế đô thị riêng, chỉnh trang không gian kiến trúc cảnh quan các khu dân cư hiện hữu; lập danh mục dự án cải tạo đô thị.
Quy chế áp dụng cho các công trình kiến trúc và nhà ở riêng lẻ trong phạm vi phải được quản lý đồng bộ về không gian, kiến trúc công trình, cảnh quan, bảo đảm đúng chức năng, mỹ quan đô thị, phù hợp với điều kiện tự nhiên, phòng chống thiên tai, truyền thống lịch sử, văn hóa và phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó còn có các nguyên tắc kiến trúc đô thị đối với khu vực có yêu cầu quản lý đặc thù, gồm: 7 khu vực có ý nghĩa quan trọng về cảnh quan của Quy Nhơn; 10 trục đường chính và các tuyến phố thuộc khu phố ẩm thực, phố đi bộ; các khu vực di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo tồn từ cấp tỉnh, quốc gia trở lên (11 di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh); 4 quảng trường, 7 công viên lớn; 5 khu trung tâm công cộng; 3 khu vực cửa ngõ thành phố.
Ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn cho hay, sau khi quy chế được UBND tỉnh ban hành, thành phố lập danh mục các khu vực ưu tiên chỉnh trang, tổ chức lập quy hoạch chi tiết, xây dựng hệ thống thoát nước, thiết kế cao độ nền xây dựng và quản lý theo đồ án quy hoạch phù hợp cho các khu vực tuyến phố, khu vực ưu tiên chỉnh trang. Đó là khu vực dân cư thuộc khu đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa; khu vực dân cư phía Đông núi Bà Hỏa; khu vực dân cư phía Đông QL 1D; khu vực dân cư Hóc Bà Bếp và Núi Một; khu vực 10 phường Hải Cảng; các khu vực dân cư hiện hữu tập trung, có cao độ nền thấp thường xuyên ngập lụt hằng năm thuộc các phường Nhơn Bình, Nhơn Phú, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu.
Trong định hướng kiến trúc, không gian cảnh quan của đô thị Quy Nhơn thể hiện phong cách hiện đại phù hợp đặc điểm khí hậu và cảnh quan khu vực; đồng thời quy định cụ thể kiến trúc nhà ở riêng lẻ trong các khu đô thị hiện hữu và khu đô thị mới; vỉa hè, cây xanh, công trình hạ tầng. Đặc biệt, tạo điểm nhấn kiến trúc các trục đường chính Xuân Diệu, An Dương Vương, Nguyễn Tất Thành, Lê Duẩn, khu trung tâm thương mại Quy Nhơn, công trình ven biển…
Ông Trần Viết Bảo, Giám đốc Sở Xây dựng cho hay, yêu cầu đặt ra là các công trình kiến trúc thể hiện bố cục hài hòa với không gian chung của đô thị và tuyến phố. Hình thức kiến trúc công trình đa dạng theo phong cách kiến trúc hiện đại, hướng đến xu hướng kiến trúc xanh, phù hợp với đặc điểm khí hậu và kiến trúc công trình lân cận xung quanh. Hướng đến kiến trúc có tính địa phương, có kế thừa những kinh nghiệm được chấp nhận trong nhân dân và cộng đồng. Tính kiến trúc địa phương thể hiện ở các mặt như hướng xây dựng công trình, tổ chức không gian và sử dụng vật liệu thích ứng với khí hậu cực đoan; tăng tỷ lệ không gian mở kết hợp mảng xanh trong mặt bằng đô thị cũng như từng công trình.
MAI HOÀNG