Nhức nhối tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Tuy chiếm tỷ lệ không cao trong cơ cấu tội phạm, nhưng tính chất và thiệt hại gây ra từ tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản rất nghiêm trọng.
Sập bẫy chiêu lừa cũ
Ngày 28.6, anh T. (ở TP Quy Nhơn) vào xem trang Facebook “Thiên đường giải trí kết nối hẹn hò”. Anh T. nhận được tin nhắn hướng dẫn tạo tên đăng nhập và đường link ứng dụng Telegram để tham gia hẹn hò, với phí 170 nghìn đồng/12 tháng.
“Đang muốn có người nói chuyện nên tôi thử. Thực hiện các thao tác theo hướng dẫn, tôi được giới thiệu với 1 người và cả hai cùng nhắn tin, điện thoại. Sau đó, người ta tư vấn nếu muốn gặp mặt phải kích hoạt thẻ, chuyển tiền để tạo niềm tin với người hẹn hò. Tôi chuyển 500 nghìn đồng như yêu cầu, vài phút sau, tài khoản tôi lại nhận được 650 nghìn đồng, họ nói là tiền “lợi nhuận hẹn hò”. Họ yêu cầu tôi nhấn vào lệnh tiếp theo và chuyển 3 triệu đồng, tôi làm theo, sau đó nhận được 3,9 triệu đồng”, anh T. kể lại.
CA khuyến cáo đến người dân các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng. Ảnh: CA tỉnh
Đến khi anh T. chuyển 10 triệu đồng thì các đối tượng nói sai lệnh, để nhận lại tiền phải thực hiện lại các lệnh hoặc chuyển thêm 30 triệu đồng để tiếp tục bước tiếp theo. “Vì muốn lấy lại số tiền đã chuyển trước đó và gặp được người trên ứng dụng hẹn hò nên tôi tiếp tục chuyển thêm nhiều tiền. Sau đó, họ hướng dẫn tôi kiểm tra tiền trên tài khoản đã mở trước đó, tôi thấy hiển thị số tiền hơn 1,1 tỷ đồng nên rất tin tưởng. Họ bảo tôi đi rút nhưng tôi không rút được. Họ giải thích do tôi nhập sai nhiều lần nên phải nộp thêm 1,5 tỷ đồng mới có thể rút hết số tiền này. Lúc này, tôi mới giật mình biết đã bị lừa với số tiền 830 triệu đồng”, anh T. tường trình.
Theo các cơ quan tiến hành tố tụng, phương thức và thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh không mới, song nhiều người vẫn sập bẫy.
Ngày 28.6, đối tượng Phạm Hữu Thương (SN 1988, ở tỉnh Đắk Lắk) sử dụng giấy tờ cá nhân cùng thông tin giả để thuê mô tô 76Y1-8548 sử dụng. Sau đó, Thương mang mô tô trên đi đặt cọc để thuê ô tô của vợ chồng chị D. (ở TP Quy Nhơn). Sau khi lấy được ô tô, Thương mang đi cầm cố (cho một người không rõ lai lịch) lấy 60 triệu đồng tiêu xài rồi bỏ trốn. Tổng giá trị tài sản Thương chiếm đoạt của các bị hại hơn 628 triệu đồng.
Trước đó, ngày 27.4, chị N. (ở TX An Nhơn) nhận được cuộc gọi từ các đối tượng tự xưng là cán bộ CA, viện kiểm sát, thông báo chị có liên quan đến các vụ án lừa đảo, mua bán ma túy, rửa tiền. Nếu muốn chứng minh bản thân không liên quan đến các vụ án này, chị phải nhập thông tin vào các link do chúng đưa ra. Sau khi làm theo yêu cầu, chị N. bị nhóm đối tượng này chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng.
Cảnh giác để bảo vệ tài sản
Được biết, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 23 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tăng 7 vụ so với cùng kỳ 2022. Qua nhiều vụ án cho thấy, tội phạm lừa đảo qua mạng chủ yếu ở nước ngoài, công tác đấu tranh, ngăn chặn gặp nhiều khó khăn.
CA toàn tỉnh đang tích cực khuyến cáo người dân về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm; tăng cường lực lượng nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh, xử lý tội phạm. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ANTT, nhất là đối với các lĩnh vực dễ nảy sinh hoặc có sơ hở để tội phạm lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản như đất đai, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, kinh doanh trên mạng...
Theo đại tá Huỳnh Bảo Nguyên, Phó Giám đốc CA tỉnh, người dân nên hạn chế truy cập vào các website lạ; không cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số điện thoại và địa chỉ của mình trên các trang mạng và cho những người không quen biết. Kiểm tra kỹ thông tin trước khi chuyển tiền vào tài khoản của bất kỳ ai. Không mở các tin nhắn, email từ nguồn không rõ ràng.
“Phải luôn đề cao cảnh giác khi nhận bất kỳ tin nhắn, cuộc gọi video qua các ứng dụng mạng xã hội với nội dung vay mượn tiền, chuyển tiền gấp. Cần liên hệ cơ quan chức năng khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo”, đại tá Nguyên khuyến cáo.
KIỀU ANH