Cùng tiến bộ, cùng sống tốt hơn
Không còn nếp nghĩ cũ, nhiều phụ nữ người dân tộc thiểu số đã chọn lối sống tích cực, lạc quan, nỗ lực thoát nghèo, làm theo cái mới... để phát triển kinh tế và xây dựng cuộc sống ấm no, văn minh, hiện đại. Họ còn năng giúp đỡ người xung quanh để cùng tiến bộ, sống tốt hơn.
Chăm lo, dựng xây cuộc sống mới
Từng là hộ nghèo, với mong muốn mái ấm nhỏ ổn định hơn trước, bà Đinh Thị Xuân (người Bana, ở làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh) quyết tâm thay đổi...
“Trước đây, nhà tôi chỉ trồng chuối, nuôi bò quy mô nhỏ; đường đi chưa bằng phẳng, mỗi lần thu hoạch chuối, tôi và chồng phải chất lên chiếc xe kéo tự chế rồi đẩy từ rẫy ra ngoài để mang lên chợ bán. Tôi vác gùi đựng nông sản, đạp xe khắp mọi nẻo đường chỉ mong có tiền nuôi con ăn học mà vẫn không đủ”, bà Xuân kể.
Con cái trở thành động lực để bà Xuân mạnh dạn vay vốn, mở cửa hàng tạp hóa, dành dụm tiền đầu tư, nuôi gà lấy thịt. Về sau, tại khu đất vườn rộng khoảng 22 ha của gia đình, bà trồng thêm keo lai, mì cao sản, chuối và các loại cây lâm nghiệp khác. Nhờ đó, hiện tại, tổng thu nhập bình quân từ các nguồn trên là khoảng 400 triệu/năm.
Cùng với trồng chuối, nuôi bò, bà Xuân mở rộng thêm nuôi gà, mở cửa hàng tạp hóa... mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: D.L
Đời sống gia đình khá hơn, bà có điều kiện tiếp cận với nhiều nguồn thông tin mới. Bà không sinh con thứ 3, khuyên con không tảo hôn hay nghỉ học giữa chừng. Tư tưởng muốn con tiếp nối cha mẹ làm nông cũng thay đổi thành việc bà ủng hộ con theo đuổi ước mơ.
Tương tự, với suy nghĩ “đủ cơm ăn, áo mặc mới có thể sống tốt”, bà Đinh Thị Quyền (người Bana, ở làng T2, xã Bok Tới, huyện Hoài Ân) đã tìm hiểu và bắt đầu nuôi heo đen bản địa. Vì chưa có kinh nghiệm, bầy heo của bà thường bị bệnh, chết, khả năng thụ thai ít, số lượng heo sinh sản không nhiều. Không nản chí, bà đăng ký tham gia các lớp kỹ thuật chăn nuôi và lân la học hỏi các hộ chăn nuôi khác để rút kinh nghiệm. Dần dà, bà dành dụm được số vốn nho nhỏ, mở rộng chuồng trại, mua thêm heo giống. Sau đó, bà dốc hết vốn liếng, canh tác thêm 10 sào ruộng, trồng 6 ha keo lai và hơn 150 cây dừa.
Song song với đó, bà ngày càng chăm chút từng bữa ăn cho chồng và các con. Bởi theo lời bà, mọi sự vất vả cũng chỉ là để chăm lo gia đình. Nếu người thân không được quan tâm và chia sẻ đủ đầy, việc bà nỗ lực, gắng sức sẽ không còn ý nghĩa.
“Tôi hiểu phụ nữ cần làm chủ kinh tế, có cơ hội sống tốt hơn. Điều này càng quan trọng hơn với những chị em người dân tộc thiểu số (DTTS) vốn đối mặt với nhiều định kiến. Chỉ khi dám thay đổi, nghĩ khác đi và chấp nhận rủi ro thì bản thân và gia đình mới thực sự hạnh phúc”, bà Quyền tâm sự.
Tích cực học hỏi, bà Quyền đã thành công với nghề nuôi heo đen. Ảnh: NVCC
Hỗ trợ người cùng cảnh ngộ
Vượt qua khó khăn, thử thách, những người “phụ nữ mới” ở cộng đồng DTTS còn sẵn sàng chia sẻ khó khăn với người xung quanh.
Sống chan hòa với làng xóm, bà Xuân luôn có mặt đầu tiên để thăm hỏi, tặng quà khi trong làng có người đau ốm, qua đời. Ngoài ra, bà còn quan tâm, giúp đỡ trẻ em, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn bằng nhiều hình thức, như: Góp ngày công lao động, hỗ trợ cây, con giống, cho mượn tiền, gạo... Bà còn nhiệt tình hỗ trợ 20 triệu đồng cho chị em trong làng có vốn làm ăn.
Cùng mong muốn chị em người DTTS vươn lên, phát triển cuộc sống, bà Quyền tích cực hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm. Bà bật mí: “Lúc tôi mới nuôi heo, vì chưa qua trường lớp đào tạo nên trải qua nhiều thất bại mới “dành dụm” được ít kinh nghiệm. Bởi vậy, tôi luôn chia sẻ cách chăm sóc heo, tạo điều kiện để người dân mua con giống giá rẻ, cho họ vay đến khi dư dả thì hoàn trả sau”.
Ngoài thế mạnh làm kinh tế, bà Quyền còn có hơn 20 năm làm công tác phụ nữ. Từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội LHPN xã, bà luôn tích cực với phong trào, hoạt động hội, hỗ trợ tối đa cho hội viên người DTTS.
“Phụ nữ DTTS quen với cái nắng trên rẫy và nỗi vất vả bên khung cửi. Với lợi thế nắm chắc địa bàn, thấu hiểu tâm tư chị em, tôi luôn động viên họ suy nghĩ tích cực, sống cởi mở hơn, tiếp thu kiến thức khoa học để không bị hủ tục trói buộc, từng bước xây dựng cuộc sống văn minh, hiện đại”, bà Quyền nói.
DƯƠNG LINH