Chăm sóc bệnh nhân sau tai biến mạch máu não
Di chứng do bệnh tai biến mạch máu não để lại rất nặng nề, nên việc chăm sóc phục hồi vận động, ý thức cho bệnh nhân rất quan trọng.
Cách đây một tháng, bà Nguyễn Thị Cứ, 59 tuổi, ở xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước vào Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh trong tình trạng liệt nửa người bên trái, không nhận thức được xung quanh. Đến nay, sức khỏe bà Cứ đã ổn định và nhận biết được.
Theo bác sĩ Lê Sê, Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, nhiều bệnh nhân vào viện sau thời gian điều trị không khỏi ở các nơi khác. “Có nhiều phương pháp trong việc chăm sóc và phục hồi bệnh nhân tai biến như điện châm, thủy châm, tập vận động... Sự gần gũi, tận tâm chăm sóc của bác sĩ, điều dưỡng cũng góp phần đem lại kết quả điều trị tốt hơn. Tại bệnh viện, hằng năm có khoảng 20% trường hợp bệnh nhân tai biến mạch máu não hồi phục hoàn toàn và 50% người bệnh có thể tự chăm sóc bản thân”, bác sĩ Lê Sê phân tích.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, với bệnh nhân bị liệt nửa người, việc chăm sóc đúng cách có thể giúp hạn chế những biến chứng nguy hiểm như: viêm loét da do nằm lâu, viêm phổi, trầm cảm… Việc tập luyện sớm, đúng phương pháp sẽ giúp nâng cao hiệu quả phục hồi cho bệnh nhân, giảm biến chứng và di chứng. Vì thế, khi đã qua giai đoạn nguy hiểm của bệnh tai biến mạch máu não, ngoài vấn đề điều trị do bác sĩ chỉ định, bệnh nhân cần được chăm sóc và giúp đỡ tập luyện, phục hồi vận động, ý thức một cách hợp lý, càng sớm càng tốt.
Bình quân mỗi tháng, khoa Vật lý trị liệu, BVĐK tỉnh tiếp nhận điều trị cho 20 bệnh nhân tai biến mạch máu não. Tại đây, các bệnh nhân được áp dụng phương pháp điện trị liệu giúp kích thích các vùng hoạt động trở lại, hay dùng đèn hồng ngoại có tác dụng làm máu lưu thông. Phương pháp xoa bóp giúp tăng cường lưu thông máu, tăng cảm giác tiếp xúc ở bệnh nhân. Còn phương pháp tập theo tầm vận động giúp bệnh nhân tránh teo cơ, cứng khớp.
Bác sĩ Phạm Thị Phượng, Trưởng khoa Vật lý trị liệu, cho biết: “Người nhà có thể giúp bệnh nhân tự tập luyện với các dụng cụ trợ giúp như thanh song song, khung tập đi. Việc tập luyện đòi hỏi sự kiên trì của bệnh nhân và người nhà. Việc tập luyện vẫn phải được duy trì cả khi bệnh nhân đã phục hồi các di chứng”.
THU PHƯƠNG