Con sẽ trở lại
Truyện ngắn PHẠM VĂN HOANH
Bà Hai nhìn ngọn lửa bếp ga cháy xanh dờn trên cái bàn đá phẳng lì, nước mắt bà lại ứa ra. Con dâu bà nhìn thấy, cười:
- Bếp ga mà mẹ cũng chảy nước mắt…
Bà Hai lặng lẽ lấy tay áo lau nước mắt. Bà buồn vu vơ thôi. Lớp trẻ bây giờ dần dần chẳng biết gì về quá khứ. Cái nồi đồng trong gian bếp củi có cái hầm bí mật của bà tồn tại gần nửa thế kỷ rồi. Qua bao nhiêu lần sửa lại nhà bà vẫn giữ chúng nó lại như một chứng nhân lịch sử. Vậy mà lần này xây lại nhà mới, cả con trai cả con dâu chẳng chịu để lại những thứ đó cho bà… Mà bà thì trở tay không kịp.
***
Con dâu bà Hai đâu có biết bà đau xót như thế nào khi cô bán cái nồi đồng với giá hai mươi triệu đồng. Hai mươi triệu đồng đối với bà Hai cũng quý nhưng không quý bằng cái nồi đồng. Mặc dù hơn hai mươi năm nay nó nằm im thin thít trên gác bếp. Cái nồi đồng cùng với gian bếp củi của bà đã trải qua bao biến cố của cuộc đời. Những năm chiến tranh, chính cái nồi đồng và gian bếp củi này đã nuôi các anh bội đội qua cơn hiểm nghèo. Nhưng nào có ai tin bà là người có công nuôi cán bộ cách mạng trong những năm ác liệt nhất của cuộc chiến. Ngay cả con dâu bà nó cũng bảo là bà nói cho sướng miệng, chứ không có chứng từ. Cũng phải. Từ ngày đất nước thống nhất đến giờ bà có nhận được đồng tiền nào liên quan đến người có công đâu. Bà buồn lắm! Bà buồn không phải vì Nhà nước chưa công nhận mẹ con bà là người có công với cách mạng, mà vì mười chiến sĩ cách mạng mẹ con bà đã che giấu, nuôi nấng không bao giờ trở về thăm mẹ con bà nữa. Họ đã hy sinh.
Hồi mới giải phóng bà đã đi tìm anh tiểu đội trưởng, người mà bà đem lòng yêu thương hết mực. Anh ấy chỉ còn một thân một mình nên đã hứa với mẹ bà là sẽ quay lại làm rể, ở lại phụng dưỡng sau ngày chiến thắng mà anh nói đã rất gần rồi. Ngày anh đi công tác bà bảo anh chui vào cái bao bố, bà cột lại rồi khiêng lên chiếc xe đạp thồ cùng với mấy bao bí, hai mẹ con bà đẩy anh an toàn tới cuối rừng dương, đưa anh qua khúc sông nhỏ xong thì từ đó lên núi chỉ còn một quãng ngắn. Rồi từ ngày đó bà bắt đầu đợi chờ. Đợi chờ nhưng hai mẹ con bà không một lần nhận được tin tức gì về các anh, nhưng bà vẫn đợi chờ. Giải phóng bà đến nơi ước hẹn dựng căn lều bên bờ sông cũ, đợi chờ hết ngày này qua tháng nọ mà vẫn không thấy người yêu. Trở về trong đau buồn bà cứ nghĩ anh tiểu đội trưởng quên bà.
Tranh của họa sĩ VŨ DUY VĨNH
Một năm. Hai năm. Rồi ba năm, cuối cùng bà đành đi lấy chồng cho mẹ bà được an ủi, bớt lo. Bà nén chặt mối tình đầu vào góc khuất thăm thẳm lòng mình. Nhưng ít lâu sau ngày cưới, chiều chạng vạng một ngày đông, có người mặc quân phục giống y như người yêu cũ tìm đến nhà. Bà mừng quýnh, lao ra định ôm chầm lấy nhưng thấy vết sẹo trên gương mặt sạm đen nên kịp dừng lại. Người mặc quân phục ấp a ấp úng một lát, mới hỏi:
- Thưa, có phải nhà cô Hai không?
Bà trả lời: Dạ, phải. Anh tìm có việc gì?
Người mặc quân phục lấy trong ba lô ra một túi nhỏ đưa cho bà:
- Anh bạn tôi trước khi nhắm mắt có nhờ tôi gởi một kỷ vật này cho cô Hai ở thôn X xã Y. Tôi đi tìm cô đã mấy năm nay. Chỉ nghe nhầm một chữ thôi mà mất tới mấy năm. Quý quá hôm nay mới gặp. Nhìn kỷ vật mà bà òa lên khóc nức nở. Chồng bà lúc đầu không hiểu câu chuyện, sau nghe anh bộ đội kể ông cũng mủi lòng. Vậy là mười chiến sĩ cách mạng sống với mẹ con bà hoạt động bí mật ngay trong lòng địch hơn một năm trời đã hy sinh cả. Từ đó đến giờ bà luôn giữ gìn cái nồi đồng và gian bếp củi để làm kỷ niệm. Mỗi lần nhớ các anh bà lại đem cái nồi đồng ra xem. Bây giờ nhớ các anh bà biết làm sao đây. Chao ôi, cũng đã gần năm mươi năm rồi!
Ngọn lửa bếp ga cháy xanh dờn trên cái bàn đá phẳng lì. Hổm rày cứ mỗi lần vào bếp là bà Hai lại cứ muốn khóc, cứ như có một điềm báo gì đó. Đang lúc cô con dâu xớ rớ nhặt rau gần đó, bà đằng hắng rồi hỏi:
- Sáng nay mẹ nghe ti vi nói về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Cụ Hồ” mẹ rất xúc động. Cứ chảy nước mắt hoài, không hiểu vì sao ở trên cao như thế mà Cụ vẫn cứ nhớ cứ lo thương binh có được chăm sóc tốt không, mộ liệt sĩ có được nhang khói đầy đủ không. Lòng ông Cụ đến là bao la, mẹ cứ hỏi không biết các con giờ học hành tới nơi tới chốn như vậy rồi học được ở Cụ được bao nhiêu?
- Dạ, mẹ ơi mẹ hỏi khó quá!
- Có gì mà khó. Toàn là những điều giản dị dễ học mà.
Bà Hai ngừng một lát rồi nói tiếp:
- Con có biết Bác Hồ đã phân tích mối quan hệ giữa cái “cũ” và cái “mới” trong xây dựng đời sống mới không?
- Dạ, con biết.
- Con biết sao, nói nghe!
- Dạ. Bác phân tích: “Không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ... Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý... Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm... Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm”.
- Vậy thì giờ con nghĩ lại thử, học Bác dễ hay khó?
- Dạ, dễ.
- Lời dạy của Bác rất giản dị, dễ thuộc dễ nhớ. Chỉ cần lòng mình muốn là nhớ, là học được, thực hành được! Nhân dân học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh gọn gàng ở chỗ gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là Cụ Hồ. Đã như ông bà trong nhà mình kính trọng thì dễ tin, dễ nghe, dễ làm theo. Dân đã làm được vậy mà cán bộ, công chức như các con có người hướng dẫn, có tài liệu, có cả thời gian… không học tới nơi tới chốn là sao con!
Nghe bà Hai nói, con dâu đã hiểu được, nên cảm thấy chột dạ. Cô trả lời khẽ:
- Dạ, con nhớ rồi.
Con dâu bà Hai bây giờ mới tự trách mình. Vậy mà bấy lâu nay mình thấy cái gì cũ là bỏ hết. Cái nồi đồng bây giờ không ai sử dụng nữa, nhưng biết đâu mai mốt nó lại cần cho gia đình mình. Lúc đó biết đâu mà tìm. Cũng tại mình thiếu suy nghĩ, mà cũng tại ông chồng mình nữa. Nghe người ta nói làm bảo tàng, lại được giá là tin ngay. Bán luôn. Hai mươi triệu đồng tìm ra chứ cái nồi đồng xưa như vậy bây giờ tìm đâu ra. Đúng là vợ chồng mình sai tè le ra đó. Mà khổ cái nỗi là bà già cứ thế im lỉm im lìm thương quá. Thì cũng phải thôi, cô vốn dĩ được bà Hai yêu thương vô vàn và chính cô yêu thương mẹ chồng không kém. Mẹ chồng nàng dâu thương nhau như thế cũng không phải là nhiều. Một nỗi ân hận xót xa từ từ dâng lên trong lòng và bất giác cô phát hiện ra mình đã khóc tự lúc nào.
Bà Hai đang suy nghĩ, thì có một phụ nữ đẩy xe lăn, trên xe có một người đàn ông cháy nám cả mặt. Hỏi thăm một hồi rồi ông đưa bà tập hồ sơ và hướng dẫn bà điền vào để bắt đầu làm thủ tục hưởng chế độ người có công.
Bà Hai hồ nghi:
- Sao mà anh chị biết mẹ con tôi là người có công? Mấy anh ở xã phân công bộ đội về nhà tôi xong thì bom vùi khi đang họp. Còn các anh bộ đội năm ấy được phân công ở hầm nhà tôi cũng hy sinh hết rồi, giờ còn ai biết mà xác nhận? Vả lại tôi cũng có còn sống được bao lăm nữa mà làm thủ tục.
Người đàn ông ngồi trên xe lăn lặng im hồi lâu, một dòng dài từ hốc mắt chảy ra. Ông khóc trong thinh lặng, nghiêng đầu lắng nghe tiếng gió từ phía khúc sông vắng băng qua trảng cát xuyên qua rừng dương hú lên từng hồi hun hút.
- Xin bà yên tâm. Đất nước được thanh bình, Đảng - Nhà nước không bao giờ quên ơn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh; càng không bao giờ quên những người có công với nước. Chậm trễ là lỗi ở chúng tôi! Đảng - Nhà nước không lãng quên đâu… Ông đằng hắng, rồi nói tiếp:
- Tôi xin lỗi bà. Bao nhiêu năm nay tôi vẫn áy náy hoài về chuyện làm sao cho phải với bà. Tôi và đồng đội không một ngày quên công ơn của mẹ con bà. Anh em có kể hết với tôi! Ờ… ờ… Biết nói sao để bà hiểu đây. Chúng tôi thật đáng trách nhưng thật ra chúng tôi cũng có hoàn cảnh của mình… Phải đến gần đây khi anh em chúng tôi hiểu rằng thời gian của mình gần hết và khi cùng nhau sinh hoạt học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về “nuôi dưỡng lòng biết ơn nhân dân” thì chúng tôi quyết định phải trở lại… Mong bà xá tội cho! Nhờ bà ghi ký xác nhận vào đây phần còn lại chính chúng tôi sẽ làm…
Bà thấy rùng mình ớn lạnh, dường như thấp thoáng trong giọng nói kia là hơi ấm của người tiểu đội trưởng năm xưa. Bà vẫn còn trong cơn mụ mị thì người đàn ông vừa tự đẩy xe lăn tiến xuống phía dưới, vừa khe khẽ hỏi như vừa đủ để hai người nghe:
- Phía dưới xưa là gian bếp củi phải không, cô Hai? Cô còn giữ cái nồi đồng kia chứ?
Bà Hai nghe nhói trong tim, mắt mờ:
- Bếp củi nào, cái nồi đồng nào… sao anh lại biết những chuyện đó…
- Cái nồi đồng tôi có khắc dòng chữ… ngày xưa bà vẫn nấu cơm cho...
Bà Hai đứng bật dậy, thảng thốt:
- Anh Thanh... Anh Thanh... Đúng anh Thanh rồi...
- Đúng. Tôi đây. Thanh đây… Hai ơi!
Đợt điều nghiên trong lòng địch ấy, mười anh em tụi anh được mẹ con em nuôi giấu kỹ nên đạt kết quả tốt, trở về cứ thành công. Nhờ nắm được sơ đồ bố trí binh lực của kẻ thù, trận đánh sau đấy đằng mình thắng lớn. Nhưng 7 anh em mãi mãi nằm lại trên trảng cát, 3 người còn lại trong đó có anh dính bom napal rất nặng khi sang sông, may mà kịp trầm mình xuống nước. Nhưng vết thương thì không sao xóa được; đến nỗi em không nhận ra thằng Tứ đấy thôi, cái thằng đem kỷ vật giao lại cho em đấy. Anh thế này sao có thể làm vướng bận chân em. Nhưng khổ sở nhất là không làm sao nói được với mẹ. Biết em yên ổn gia đình, trong trại an dưỡng tụi anh cũng mừng. Thằng Tứ về nhà được một dạo rồi thì cũng quay lại với anh, nó bảo nó không thể ra đường với bộ mặt như thế. Ít lâu biết hai đứa anh vẫn ở lại trại an dưỡng cả thằng Bảo cũng lọ mọ quay vào. Nó còn tếu táo “vợ con không có chó mèo cũng không”, ba anh em nương tựa nhau cho vui… Tụi anh cũng cứ nghĩ đơn giản, lộc ngộc lắm, mọi thứ vẫn cứ như thời chiến tranh xuề xòa, thành ra em với mẹ thiệt thòi.
Nghe tới đây bà Hai lại mếu máo:
- Em xin lỗi anh!
- Anh mới là người có lỗi. Hôm rồi tình cờ khi đi tham quan một bảo tàng tư nhân, thấy chiếc nồi đồng có dòng chữ “con sẽ trở lại” chính tay anh khắc, tụi anh quyết định phải trở về xin lỗi mẹ và em! … Thôi vào đi hai chúng mày - Thanh ngoảnh đầu gọi vống to ra ngõ. Hai người đàn ông liu xiu dìu nhau vào.
Bà Hai vọt ra ngoài… Hét lạc giọng: Anh Tứ ơi…. Anh Bảo ơi… Hu hu…
Người nhà lãng đi. Trong khoảnh khắc, gian bếp nhỏ lặng im để mấy con người của ngày xưa quây quần bên nhau, đối diện với quá khứ, xuôi về với hiện tại. Khói nhang trầm thơm ngát, người đàn bà trên bàn thờ chừng như mim mỉm cười hài lòng.
Tiếng dương reo từ trảng cát cuối xóm băng qua sông hun hút hú lên từng hồi dài như chào những đứa con xa trở về!