Thế khó của Ấn Ðộ khi đăng cai Hội nghị thượng đỉnh G20
Ấn Ðộ đang cố gắng tìm cách để đảm bảo Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 diễn ra tại nước này vào tháng 9 tới sẽ không bị phủ bóng đen bởi vấn đề Nga - Ukraine. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, New Delhi khó đạt được điều mong muốn, do hậu quả của cuộc chiến này có tác động quá lớn đến nền kinh tế thế giới.
Tờ Aaj Tak (Ấn Độ) dẫn lời Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cho biết, Hội nghị thượng đỉnh G20 và cuộc chiến tại Ukraine là 2 vấn đề riêng biệt. G20 là 1 diễn đàn kinh tế và tâm điểm nên là sự phát triển kinh tế.
Quan chức Ấn Độ không muốn sử dụng vị thế chủ nhà G20 năm nay để bàn thảo các biện pháp trừng phạt Nga. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vấn đề Nga - Ukraine sẽ khó bị gạt ra ngoài chương trình nghị sự, vì đây tiếp tục là mối quan tâm của nhiều lãnh đạo tham gia hội nghị, như đã từng được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh G20 năm ngoái tại Bali (Indonesia).
Ảnh: PTI
Học giả C Raja Mohan, thuộc Viện Chính sách Xã hội châu Á tại New Delhi, nhấn mạnh, đây là vấn đề chính, nhất là với các nước thành viên phương Tây. “Làm cách nào để Ấn Độ ngăn các nước này đưa những vấn đề như vậy ra thảo luận?” ông Mohan đặt câu hỏi. Hiện Ấn Độ vẫn giữ lập trường trung lập trong vấn đề Nga - Ukraine, không lên án Nga mà còn tăng cường mua dầu từ Moscow. Đến nay, phản ứng được xem là cứng rắn nhất của New Delhi trong vấn đề này là câu nói của Thủ tướng Narendra Modi trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 9.2022, khi đó ông Modi đã phát biểu: “Kỷ nguyên này không phải là kỷ nguyên chiến tranh”. Trong chuyến thăm Mỹ vào tháng trước, Thủ tướng Ấn Độ khẳng định lập trường của nước này về cuộc chiến Ukraine “được cả thế giới biết và thấu hiểu”. “Ưu tiên cao nhất của Ấn Độ là hòa bình”, ông Modi nói.
Nhà nghiên cứu Shairee Malhotra, làm việc tại Quỹ Nghiên cứu Quan sát viên Ấn Độ, cho rằng, trong suốt nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ấn Độ, nước này tập trung cho vấn đề kinh tế của các nước ở Nam bán cầu (Global South) và đi đôi với lời nói là hành động ủng hộ mạnh mẽ việc Liên minh châu Phi (AU) gia nhập G20. Theo các nhà quan sát, với vai trò là chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh G20, Ấn Độ phải làm sao đạt được sự nhất trí của các bên với vị trí trung lập của mình. Khi thảo luận về dự thảo tuyên bố chung mới đây, đại diện một số nước cho biết sẽ từ chối ký vào tuyên bố chung của G20, nếu không sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ để lên án Nga như tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali.
Ấn Độ hiện là thành viên của nhiều tổ chức đa phương, trong khi một số tổ chức đó lại mang tính đối đầu nhau. Chẳng hạn như năm nay, New Delhi giữ vai trò Chủ tịch của cả Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và G20, trong khi nước này cũng là thành viên của khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), diễn đàn RIC (Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) và gần đây nhất là nhóm Bộ Tứ (Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ). Trong khi SCO do Trung Quốc dẫn dắt, thì nhóm Bộ Tứ lại tập trung vào hợp tác phi quân sự để đối phó với Bắc Kinh. Cách tiếp cận này của Ấn Độ phản ánh chính sách đối ngoại “tự chủ chiến lược” của nước này, nhưng để duy trì sự cân bằng trong mối quan hệ với các cường quốc khác sẽ là 1 khó khăn không nhỏ đối với New Delhi, do căng thẳng địa chính trị giữa các nước lớn đang gia tăng.
Bà Malhotra thừa nhận rằng, từ ngữ trong tuyên bố chung sau Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ là 1 thách thức với Ấn Độ. Theo bà, Ấn Độ sẽ phải làm sao để tuyên bố chung hòa hợp với vị trí của nước này, đồng thời tập trung vào giải pháp cho cuộc chiến Nga - Ukraine.
LÊ QUẢNG (theo Reuters, SCMP)