Tiếp tục triển khai chính sách cấp phát báo, tạp chí cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi:
Góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn
Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 752/QÐ-TTg về việc đặt hàng, cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2023 - 2025. Từ đó, góp phần chuyển tải chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đồng bào dân tộc thiểu số; thể hiện sự quan tâm đến đời sống tinh thần của người dân.
“Cẩm nang” của già làng
Theo Ban Dân tộc tỉnh, thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg về việc “Cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn”, trong giai đoạn 2019 - 2021, trên địa bàn tỉnh Bình Định, Bưu điện tỉnh đã cấp phát gần 337.900 tờ/cuốn của 19 đầu báo (Báo Dân tộc và phát triển; Báo Nhân dân; Báo Nông thôn ngày nay; Báo Tin tức; chuyên đề Thiếu nhi dân tộc (Báo Thiếu niên tiền phong); chuyên đề Măng non (Báo Nhi đồng)…).
Ngoài việc chuyển tải kịp thời thông tin đến đồng bào vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, các báo, tạp chí còn là “cẩm nang” không thể thiếu giúp cán bộ, đảng viên, đội ngũ già làng, người có uy tín tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị, phát triển KT-XH tại các địa phương, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc.
Ông Đinh Đen, người có uy tín làng Kon Giọt 1, xã Vĩnh An (huyện Tây Sơn) và người dân cập nhật các thông tin trên Báo Bình Định và tạp chí. Ảnh: C.H
Theo ông Đinh Đen, người có uy tín làng Kon Giọt 1, xã Vĩnh An (huyện Tây Sơn), trước đây, ông được nhân viên Bưu điện xã cấp phát các loại báo: Bình Định, Dân tộc và Phát triển, Nhân dân định kỳ hằng tuần. Tuy nhiên, sau khi kết thúc thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg, ông chỉ được cấp miễn phí Báo Bình Định, do Ban Dân tộc tỉnh phát.
“Nhờ đọc báo, tôi nắm rất rõ các thông tin, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và địa phương, biết được nhiều mô hình hay, tấm gương tiêu biểu. Từ đó, tôi đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong làng làm theo, xây dựng đời sống văn hóa mới, chung sức cùng địa phương xây dựng nông thôn mới”, ông Đen chia sẻ.
Còn ông Đinh Văn Thải, người có uy tín làng Hà Lũy, xã Canh Thuận (huyện Vân Canh) cho rằng, nhờ đọc báo thường xuyên, ông nắm bắt được những vấn đề thời sự của tỉnh, đất nước. Đặc biệt, ông còn biết được nhiều mô hình kinh tế hiệu quả qua báo, tạp chí có thể áp dụng cho gia đình, phổ biến lại cho người dân cùng thực hiện.
Trong giai đoạn 2019 - 2021, huyện Hoài Ân đã cấp phát trên 49.970 tờ báo, tạp chí cho vùng đồng bào DTTS. Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Xuân Phong cho hay, huyện đã triển khai hiệu quả các chính sách của Nhà nước đến từng làng, từng gia đình vùng đồng bào DTTS; cơ sở vật chất ở các thôn, làng được đầu tư đồng bộ.
“Đóng góp vào thành quả chung ấy là những thông tin tuyên truyền của các báo, tạp chí được cấp phát theo Quyết định số 45/QĐ-TTg. Báo chí thực sự đã góp phần rút ngắn con đường thoát nghèo cho đồng bào vùng DTTS”, ông Phong khẳng định.
Phát huy hiệu quả chính sách
Quyết định số 752/QĐ-TTg nêu rõ, việc đặt hàng cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn thực hiện theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14.10.2021 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ năm 2021 - 2025”.
Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đinh Văn Lung, thực hiện chính sách cấp phát báo, tạp chí theo Quyết định số 752/QĐ-TTg, trước mắt, Ban Dân tộc tỉnh đã có công văn gửi các huyện An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, Tây Sơn và Phù Cát, đề nghị rà soát cụ thể các đối tượng thụ hưởng được đề nghị cấp phát báo, tạp chí theo đúng các tiêu chí do Ủy ban Dân tộc đề ra.
Đồng thời, để thực hiện hiệu quả chính sách cấp phát báo, tạp chí cho vùng đồng bào DTTS theo Quyết định số 752/QĐ-TTg, thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ phối hợp với các ngành, địa phương liên quan thường xuyên xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả của các ấn phẩm báo, tạp chí tới đối tượng thụ hưởng và có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách. Hướng dẫn các đối tượng được cấp báo, tạp chí tuyên truyền, quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả các ấn phẩm báo, tạp chí được cấp, tránh gây lãng phí.
“Ban Dân tộc tỉnh cũng sẽ kiến nghị với Ủy ban Dân tộc, đề nghị các cơ quan báo chí cần đổi mới nội dung, tăng hình ảnh và sử dụng ngôn ngữ gần gũi với đời sống đồng bào. Nội dung phản ánh đa dạng trên nhiều vùng miền, tránh tập trung vào một vùng. Cần bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc để tuyên truyền đến bà con các DTTS ở vùng sâu, vùng xa. Cần tiếp nhận thông tin hai chiều; phản ánh tâm tư, nguyện vọng của bà con các DTTS đến Đảng và Nhà nước chân thực, kịp thời, đầy đủ nhất”, ông Lung cho biết.
19 ấn phẩm báo, tạp chí sẽ được cấp theo Quyết định số 752/QĐ-TTg: Báo Dân tộc và Phát triển, Tạp chí Dân tộc; một số chuyên trang DTTS và miền núi của Báo Nhân dân hằng ngày; Báo Đại biểu nhân dân; Đại đoàn kết; Nông thôn ngày nay; Tiền phong; Công thương; Văn hóa; Sức khỏe và Đời sống; CCB Việt Nam; Phụ nữ Việt Nam; Tin tức; Tài nguyên&Môi trường; Biên phòng; chuyên đề Măng non (Báo Nhi đồng); chuyên đề Thiếu nhi Dân tộc (Báo Thiếu niên Tiền phong); phụ trương An ninh biên giới; chuyên đề Thanh niên khởi nghiệp - Làm giàu; chuyên đề Dân tộc và miền núi.
CHƯƠNG HIẾU