Xuyên đêm chữa cháy, cứu rừng, cứu dân
Sau hơn 18 giờ liên tục quần nhau với “giặc lửa” ở núi Bà Hỏa (TP Quy Nhơn), đến hơn 3 giờ sáng ngày 10.8, gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ của các lực lượng tham gia chữa cháy mới thở phào xuống núi sau khi cắt cử một số nhóm trực chiến tại một số điểm đề phòng nguy cơ đám cháy bùng phát trở lại. Thiệt hại do hỏa hoạn được hạn chế và điều khiến họ vui sướng nhất là đám cháy không gây thiệt hại nào đáng kể cho dân cư sống ở khu vực quanh chân núi.
Đám cháy rừng lớn nhất từ trước đến nay ở Quy Nhơn
Vụ cháy rừng trên khu vực núi Bà Hỏa, thuộc tổ 17A, khu vực 4, phường Đống Đa (TP Quy Nhơn) xảy ra khoảng 10 giờ sáng 9.8. Do thời tiết nắng nóng, hanh khô, gió phơn Tây Nam thổi mạnh nên ngọn lửa bùng phát nhanh sau khi bén lửa từ khu vực các ngôi mộ của nghĩa địa Hóc Bà Bếp. đám cháy lan nhanh sang sườn núi Bà Hỏa phía khu vực 6 và 7 phường Lê Hồng Phong, lan rộng về hướng Nam.
Ngay sau khi phát hiện cháy, lãnh đạo tỉnh đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng Kiểm lâm, Quân đội, Công an, dân quân địa phương và công nhân Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn tham gia dập lửa cứu rừng. Tuy nhiên, do gió to, cộng với lớp thực bì quá dày, đám cháy lan rất nhanh. Khói, tàn tro bốc mù mịt bao trùm một vùng rộng lớn. Không chỉ mất rừng, nguy cơ lớn hơn là đám cháy đang đe dọa hàng trăm hộ dân sống ở vùng chân núi Bà Hỏa thuộc các phường Đống Đa, Ngô Mây, Lê Hồng Phong, Quang Trung.
Diễn biến cháy rừng ngày càng phức tạp, đến chiều 9.8, UBND tỉnh và TP Quy Nhơn đã tăng cường thêm hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của các lực lượng vũ trang tỉnh và huy động người dân địa phương tích cực dập lửa, phát đường băng cản lửa nhằm ngăn chặn không để lửa cháy lan xuống khu vực dân cư sống quanh dưới chân núi Bà Hỏa.
Theo nhiều người cao tuổi, sống ở Quy Nhơn lâu năm, đây là đám cháy rừng lớn nhất từ trước đến nay. Và theo ghi nhận của nhóm phóng viên, chưa có lần chữa cháy rừng nào lại có đông người, nhiều lực lượng tham gia như lần này. Có mặt sớm tại điểm xảy ra cháy rừng, Đại tá Trần Thanh Sơn, Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, cho biết: Chiều 9.8, nhận được tin báo của trực ban Tác chiến về tình hình rừng trồng ở khu vực núi Bà Hỏa bị cháy, tôi triển khai ngay cho Ban Chỉ huy Quân sự TP Quy Nhơn kiểm tra lại vị trí, mức độ nguy hiểm, báo cáo lãnh đạo thành phố, xin ý kiến chỉ đạo để triển khai lực lượng khẩn cấp chữa cháy. Đến cuối giờ chiều 9.8, chúng tôi nhận được điện của đồng chí Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huy động lực lượng quân đội nhanh chóng có mặt tại điểm cháy trên núi Bà Hỏa để tham gia dập lửa, cứu rừng, cứu dân.
Quân đội, công an giáp mặt với giặc lửa
Thế nhưng trời càng về tối, gió càng to, lửa mỗi lúc một mạnh, vệt lửa cháy bò lên đỉnh núi và lan rộng nhanh hơn. Lãnh đạo tỉnh chính thức đề nghị Quân khu 5, lực lượng Cảnh sát cơ động của Bộ Công an đóng quân trên địa bàn TP Quy Nhơn chi viện, tham gia chữa cháy rừng. Chỉ một lúc sau, đoàn xe chuyển quân của Trung đoàn cảnh sát cơ động E23 Bộ Công an từ phường ngoại thành Bùi Thị Xuân đã đến nơi, dừng bánh ở đường Nguyễn Thái Học đổ quân xuống làm nhiệm vụ. Không lâu sau đó các chiến sĩ của Lữ đoàn 573 (Quân khu 5) cũng nhanh chóng tập kết, theo hướng dẫn của một số cán bộ tỏa ra, theo các đường hẻm nhanh nhẹn mang dụng cụ dập lửa lên núi giáp mặt với giặc lửa.
23 giờ ngày 9.8, thấy chúng tôi tìm cách leo lên núi, một chiến sĩ thuộc Lữ đoàn 573 (Quân khu 5) ngăn lại: “Lên đó bây giờ là lửa nó thiêu luôn đó. Bà con địa phương còn đang di chuyển đến nơi khác cho an toàn. Với mức độ cháy này, nếu quân dân không thắng được nó thì chỉ vài chục phút nữa lửa sẽ lan sang tới đây à. Mấy anh lên đó làm gì?”. Nghe chúng tôi nói mục đích, lập tức chiến sĩ này nhờ đồng đội đang nghỉ mệt đưa chúng tôi đi lên cho an toàn.
Đến giữa sườn núi, trước mắt chúng tôi, hàng chục héc ta rừng keo lai, bạch đàn bị ngọn lửa cao đến 5 - 7m táp từng nhát một, lửa táp đến đâu thân cây tươi bị đốt cháy gấp nổ lép bép đến đó. Tiếng thân cây nổ, tiếng lửa trong gió trên sườn núi cao hú gấp gáp. Hơi nóng phả lên mặt chúng tôi rất mạnh, dù cách xa cả trăm mét, hơi nóng từ đám cháy vẫn phả vào mặt chúng tôi ham háp.
Ngọn lửa lan từ mỏm đồi này qua mỏm đồi khác bất chấp nỗ lực của lực lượng chữa cháy. Gió thổi mạnh, ngọn lửa ngả nghiêng rồi phụt lên cao cả vài mét. Lực lượng chữa cháy mồ hôi như tắm đang cố gắng dùng cành cây, vỉ sắt, máy thổi gió… để khống chế ngọn lửa. Lửa vẫn bốc cao, táp ra xung quanh. Đám cháy vẫn tiếp tục lan rộng, đe dọa nhà dân dưới chân núi. Một mặt các lực lượng tìm mọi cách hãm đà đám cháy để dập tắt, mặt khác cả bộ đội, kiểm lâm, công an, dân quân tự vệ và người dân được huy động để phát quang đường băng cảm lửa rộng từ 3-5 m dọc theo khu vực chân núi thuộc phường Lê Hồng Phong vòng qua phường Ngô Mây, Quang Trung.
Có mặt tại hiện trường, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện và Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc chỉ đạo quyết liệt cho các lực lượng: Bằng mọi giá phải ngăn chặn, dập lửa không để lửa cháy lan vào khu vực nhà dân. Trong đêm tối, mặc sức nóng hừng hực liên tục táp rát mặt song không ai chùn bước trước “giặc lửa” đang lan nhanh đến các khu vực dân cư. Trong ánh đèn pin loang loáng, các cán bộ, chiến sĩ với những phương tiện chữa cháy như: Dao, rựa, vỉ dập lửa, cành cây… “tả xung hữu đột” dũng cảm tiến thẳng vào các điểm dập lửa, mặc cho khói bụi mù mịt, mắt mũi cay xè, song không ai chùn bước. Có những khu vực, tuy ngọn lửa đã tạm thời được khống chế nhưng tại các khu vực khác, ngọn lửa lại bùng phát dữ dội, lực lượng tham gia chữa cháy phải lao đi trong đêm tối để kịp khống chế ngọn lửa...
Chúng tôi nghĩ đến dân đầu tiên
“Khu dân cư quá gần đám cháy. Chúng tôi ai cũng nghĩ ngay đến việc làm sao để giữ an toàn cho dân” - tất cả những người chiến sĩ - công an cũng như bộ đội chúng tôi đã gặp từ đêm 9.8 đến rạng sáng 10.8 đều nói với chúng tôi như thế.
Mồ hôi túa ra như tắm, mặt mày lấm lem vì tro bụi, binh nhất Cang Văn Đề (Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn phòng không 573, Quân khu 5) nói trong hơi thở gấp gáp: “Chúng tôi ai cũng biết lên núi chữa cháy rừng vào ban đêm là rất nguy hiểm. Nhưng thứ nhất đó là quân lệnh, chúng tôi phải chấp hành. Thứ hai, chúng tôi chữa cháy rừng là để cứu dân. Bộ đội mà không cứu dân sao được. Ai cũng tâm niệm như thế, nên quyết tâm rất cao. Chúng tôi đã quyết tâm khống chế ngọn lửa ngay trong đêm nay!”.
Còn thiếu tá La Văn Lợi, Ban Chỉ huy Quân sự TP Quy Nhơn, nói: “Mặc dù anh em chiến sĩ cả ngày tham gia chữa cháy rừng đã thấm mệt, nhưng ai cũng tỏ rõ quyết tâm ở lại quyết khống chế cho được ngọn lửa; tuyệt đối không để cháy lan xuống khu vực chân núi để tránh gây thiệt hại cho dân. Khi chúng tôi có mặt, nhiều người dân tỏ rõ vẻ vui mừng, điều đó động viên chúng tôi nâng cao ý chí rất nhiều”.
Nguyên nhân vụ cháy rừng trên núi Bà Hỏa xảy ra vào lúc 10 giờ ngày 9.8 được xác định là do một hộ dân trong quá trình đốt nhang viếng mộ trong dịp lễ Vu Lan tại nghĩa địa Hóc Bà Bếp gây nên. Hiện nay, cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra làm rõ đối tượng gây cháy rừng và có biện pháp xử lý nghiêm.
Ông HỒ VĂN BÌNH, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn
Chị Nguyễn Thị Linh, nhà ở tổ 9, khu vực 8, phường Ngô Mây, tâm sự: “Sống dưới chân núi Bà Hỏa năm nào chúng tôi cũng chứng kiến cảnh cháy rừng, nhưng chưa lần nào rừng cháy lớn và kéo dài như lần này. Khi thấy lửa cháy lớn, các hộ dân chúng tôi đã chuyển đồ đạc xuống núi và nghĩ đến tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Thế nhưng, nhờ sự cứu chữa tích cực của hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội và các lực lượng khác nên ngọn lửa đã được dập tắt kịp thời; người dân chúng tôi rất đỗi vui mừng”. sau hơn 18 giờ quần nhau với giặc lửa, đến 3 giờ sáng ngày 10.8, ngọn lửa trên núi Bà Hỏa đã được lực lượng chức năng dập tắt hoàn toàn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hiếu Hòa, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, cho biết: Rừng phòng hộ cảnh quan trên núi đã bị lửa thiêu rụi rất nhiều, chúng tôi đang cho kiểm đếm để có con số chính xác. Nhưng may mắn là không có nhà dân nào bị thiệt hại do cháy rừng lây lan. Có thể xem đây là vụ cháy rừng lớn nhất từ trước đến nay xảy ra trên địa bàn núi Bà Hỏa. Hiện nay, tuy ngọn lửa đã được dập tắt hoàn toàn, nhưng do trời nắng nóng quá lớn, lực lượng kiểm lâm vẫn trực chiến tại các địa điểm dễ xảy ra cháy để ứng phó kịp thời.
N.HÂN - N.PHÚC
Vì sự thiếu ý thức của 1 người đã dẫn đến 800 người phải Khổ.
Cảm ơn mọi người đã tham gia Chữa cháy rừng...Đặc biệt lực lượng Quân Đội, Công An,Dân quân tự vệ.....và các đồng chí lãnh đạo đã có mặt chỉ đạo kịp thời.