Làm gì để phát huy hiệu quả nhà văn hóa xã, thôn? - Kỳ 2 (Hết): Làm sao để không lãng phí?
Không thể phủ nhận hiệu quả từ nhà văn hóa xã, thôn. Nhưng trong thực tế, không ít nhà văn hóa thôn tại một số địa phương rơi vào tình trạng “cửa đóng then cài”.
Xây kiên cố, ít sử dụng
Đến nay, 4/4 thôn của xã Đak Mang (huyện Hoài Ân) đã được đầu tư xây dựng nhà văn hóa (NVH) kiên cố bằng bê tông xi măng. Tuy nhiên, các NVH mới chỉ có lớp “vỏ”, còn trong “ruột” thì chưa đảm bảo cơ sở vật chất như bàn, ghế và thiết bị âm thanh.
Đơn cử, NVH thôn O10 được xây dựng tại khu đất rộng nằm ngay trục đường chính dẫn vào trụ sở UBND xã Đak Mang. Nhìn bề ngoài, NVH tương đối bề thế, nhưng bên trong chỉ có vài chục chiếc ghế inox và 2 cái bàn. NVH thường xuyên đóng cửa, ít người lui tới nên nền nhà và mặt bàn, ghế đóng dày bụi bẩn.
Mặt khác, dù khuôn viên của NVH này khá rộng nhưng cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động văn hóa, TDTT đều không có; nhà vệ sinh cũng chưa được xây dựng.
Vào các dịp lễ, tết, đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Vĩnh An (huyện Tây Sơn) vẫn thích tụ họp tại nhà rông hơn là nhà văn hóa của làng.
Tương tự, NVH thôn T6 (xã Đak Mang) có bề ngoài khang trang, nhưng bên trong không có bàn, ghế; chỉ có mỗi bục phát biểu. Người dân thôn T6 mỗi khi hội họp hoặc tổ chức hội đều tập trung về nhà rông nằm bên cạnh NVH; còn NVH không mấy khi sử dụng.
Đây cũng là tình trạng đã và đang xảy ra tại không ít NVH thôn thuộc các xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh. Thực trạng này khiến nhiều NVH thôn được đầu tư xây dựng với số tiền hàng trăm triệu đồng nhưng rất ít hoặc thậm chí không được sử dụng, gây lãng phí.
Ông Đinh Văn Chí, Trưởng thôn O10, cho biết: “Do tập quán và thói quen nên mỗi khi thôn có hội họp, bà con thường thích tập trung về nhà rông ở cạnh NVH thôn hơn. Đây là nguyên nhân khiến NVH thôn dù xây dựng kiên cố nhưng rất ít khi sử dụng”.
Nhà văn hóa thôn T6 (xã Đak Mang, huyện Hoài Ân) được xây dựng kiên cố, nhưng cơ sở vật chất bên trong còn rất thiếu thốn.
Thiếu “phần hồn”
Một vấn đề nữa với không ít NVH thôn tại nhiều xã trong tỉnh là quỹ đất quy hoạch và diện tích xây dựng chưa đảm bảo theo quy định tại Thông tư số 06/2011/TT-BVHTTDL (Quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của NVH - Khu thể thao thôn). Theo quy định, NVH thôn ở khu vực đồng bằng có diện tích từ 500 m2 trở lên, quy mô đáp ứng tối thiểu 100 chỗ ngồi; đối với khu vực miền núi phải từ 300 m2 trở lên và tối thiểu đáp ứng 80 chỗ ngồi.
Tuy nhiên, một số NVH thôn được xây dựng cách đây hơn 15 năm có diện tích và quy mô chưa đủ theo quy định. Nguyên nhân chính là do quỹ đất và nguồn kinh phí đầu tư xây dựng của nhiều địa phương còn hạn chế, khó khăn.
Ông Võ Văn Tín, Trưởng Phòng VH-TT huyện Hoài Ân, thẳng thắn nhìn nhận: Một số NVH thôn thuộc xã Ân Tường Đông, Ân Hảo Đông, Ân Tín… xây dựng từ trước năm 2010 nên diện tích hạn chế, thường dưới 300 m2 và chỉ có phòng ngồi họp, công trình nhà vệ sinh; các hạng mục và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa, TDTT không thể bố trí. Bên cạnh đó, tới giữa năm 2023, thôn 1 (xã Ân Sơn), thôn T2 (xã Bok Tới) và xã Đak Mang chưa có NVH.
Ngoài ra, theo đánh giá của ngành Văn hóa - thể thao tỉnh, công tác tổ chức các hoạt động tại thiết chế NVH chưa đồng đều. Ban chủ nhiệm NVH tại nhiều thôn đa phần lớn tuổi, kiêm nhiệm nên chưa dành nhiều tâm huyết, thời gian cho hoạt động của NVH thôn.
Theo khảo sát, không ít NVH thôn trên địa bàn tỉnh có phần lớn thời gian ở tình trạng “cửa đóng then cài”; mỗi tháng chỉ mở cửa khoảng 2 - 3 lần để tổ chức họp chi bộ, họp ban quân - dân - chính thôn. Ngoài ra, nội dung hoạt động của các NVH thôn và công tác quản lý, vận hành thiết chế này hiện chỉ có “phần xác” mà thiếu “phần hồn”; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT rất ít hoặc thậm chí không được tổ chức.
Ông Nguyễn Văn Chín, Chủ tịch UBND xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn), cho hay: 4 thôn trên địa bàn xã đều được đầu tư xây dựng NVH, nhưng hiện địa phương chưa có kinh phí lắp đặt thêm các thiết bị TDTT ngoài trời hoặc các thiết bị, sân chơi cho trẻ em. Do đó, các NVH thôn phục vụ cho hội họp là chính.
Đây cũng là thực trạng chung của không ít NVH thôn trên địa bàn tỉnh. Điều này dẫn đến nhiều NVH thôn chưa đáp ứng Điều 5, Quyết định số 15/2015/QĐ-UBND ngày 16.7.2015 của UBND tỉnh về quy chế tổ chức và hoạt động của NVH thôn.
Cần có giải pháp khắc phục
Có thể thấy, các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở được quan tâm đầu tư, nhưng thực tế việc khai thác, sử dụng và phát huy hiệu quả của một số thiết chế còn hạn chế, thiếu chặt chẽ. Các hoạt động tại một số thiết chế văn hóa đơn điệu, chủ yếu dừng lại ở việc hội họp, chưa thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân. Điều này đòi hỏi chính quyền các địa phương và các sở, ngành chức năng liên quan sớm tìm ra giải pháp hữu hiệu để phát huy hết công năng của hệ thống NVH thôn.
Theo ông Châu Anh Tế, Trưởng Phòng VH-TT huyện An Lão, các địa phương cần quan tâm đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất cho NVH xã, thôn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, TDTT, tạo điểm nhấn, thu hút người dân tham gia. Đồng thời, UBND tỉnh và ngành Văn hóa - thể thao tỉnh có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phụ trách mảng văn hóa cơ sở; đủ khả năng đảm trách khâu quản lý, vận hành, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT.
Ông Trần Văn Thơm, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho rằng: UBND các xã, thị trấn cần quan tâm đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất bên trong NVH. Việc đầu tư đảm bảo tính đồng bộ, hợp lý; phát huy tối đa chức năng của NVH thôn; phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của người dân và đặc điểm mỗi địa phương.
Ngoài ra, có thể nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của NVH thôn thông qua các hoạt động như: Thường xuyên tổ chức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ quần chúng; hoạt động của các CLB; hoạt động vui chơi, giải trí… Đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò của thiết chế văn hóa; phát huy tinh thần chủ động, tích cực tham gia của người dân.
Theo ông Trần Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn, UBND cấp huyện và xã cần thực hiện tốt quy chế tổ chức và hoạt động của NVH thôn theo đúng tinh thần Quyết định số 15/2015/QĐ-UBND. Việc nâng cao hiệu quả sử dụng NVH thôn cần sự quan tâm của các ngành, các cấp và sự ủng hộ của người dân.
Còn bà Huỳnh Thị Anh Thảo, Phó Giám đốc Sở VH&TT, nêu các giải pháp: Cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động văn hóa, thể thao gắn với nhu cầu thông tin, vui chơi, giải trí của người dân; hướng tới việc tự chủ hoạt động của các hệ thống thiết chế địa phương. Phát động rộng rãi các mô hình tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT phù hợp với điều kiện sinh hoạt và nhu cầu của nhân dân; gắn hoạt động văn hóa, thể thao với phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác văn hóa, thể thao từ cấp tỉnh đến cơ sở để hỗ trợ các thôn tổ chức hoạt động. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở để kịp thời phát hiện, khắc phục những hạn chế.
VĂN LỰC - HỒNG PHÚC