Tích cực triển khai chính sách nuôi gà thả đồi
Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện chính sách khuyến khích nuôi gà thả đồi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2026, theo thống kê của ngành nông nghiệp, đã có 23 hộ dân ở 2 huyện Tây Sơn (10 hộ) và Hoài Ân (13 hộ) đủ điều kiện tham gia thực hiện chính sách với tổng số gà thả nuôi 81.500 con.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, chính sách này có hiệu lực năm 2022 nhưng đến tháng 6.2023 mới thực hiện được. Nguyên nhân là do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, giá sản phẩm bán ra giảm, giai đoạn từ những tháng cuối năm 2022 đến tháng 5.2023, hầu hết người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh thận trọng trong việc đầu tư tái đàn gia cầm.
Dù chăn nuôi gà thả đồi được đánh giá là chi phí giảm hơn, song việc tiêu thụ khó khăn dẫn tới việc các hộ dân chưa mạnh dạn tham gia. Từ tháng 6.2023, tình hình có nhiều khả quan, cùng với đó là hoạt động xúc tiến kêu gọi DN tham gia liên kết chuỗi, bố trí vốn tín dụng ưu đãi…, các hộ bắt đầu mạnh dạn tham gia thực hiện. Vì thế hiện nay tỉnh ta đang tích cực động viên, khuyến khích những hộ đủ điều kiện nuôi gà thả đồi tham gia chương trình này.
Qua hơn 1 tháng thả nuôi, đàn gà của một hộ ở huyện Hoài Ân tham gia chính sách khuyến khích nuôi gà thả đồi được đánh giá sinh trưởng và phát triển tốt. Ảnh: THU DỊU
Tại Hoài Ân, trong 13 hộ đăng ký đợt đầu tiên, Sở NN&PTNT đã thẩm định 7 hộ đủ điều kiện, ký hợp tác liên kết với Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh. Hiện, phía Công ty đã chuyển giao con giống và kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ này, quy mô 42.000 con/năm. Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân tiếp tục hướng dẫn các hộ khác đăng ký, hoàn chỉnh hồ sơ để xét duyệt. Cùng với đó, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hoài Ân phối hợp giải ngân hơn 1,4 tỷ đồng vốn tạo việc làm cho các hộ tham gia vào chính sách khuyến khích nuôi gà thả đồi trên địa bàn huyện.
Tại huyện Tây Sơn, Công ty CP Hồng Hà đã triển khai thực hiện liên kết chăn nuôi gà thả đồi. Hiện nay đã có 1 gia đình triển khai với quy mô 10.000 con. Cùng với đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) đang phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn tiếp tục thẩm định 6 hộ ở các xã Tây Xuân, Tây Giang, Tây Phú và Bình Nghi để hướng dẫn thực hiện.
Chính sách khuyến khích nuôi gà thả đồi bước đầu triển khai nhận được sự phối hợp tích cực từ chính quyền và người dân. Kết quả chưa nhiều, song cũng cho thấy được các vấn đề phát sinh để từ đó Sở NN&PTNT chủ động trong việc điều chỉnh, đưa ra thêm các giải pháp thực hiện tốt hơn.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT, chia sẻ: Khó khăn lớn nhất mà chúng tôi cũng như nhiều hộ chăn nuôi gà gặp phải là biến động về giá cả thị trường và sự liên kết trong chuỗi. Vì vậy, thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục kêu gọi các DN trong và ngoài tỉnh đủ tiềm lực tham gia chuỗi liên kết chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm gà thả đồi. Khi người dân thấy được cơ hội, sản phẩm tiêu thụ ổn định thì việc họ chủ động tham gia là điều tất yếu. Cùng với đó, Sở NN&PTNT tiếp tục đôn đốc các đơn vị chuyên môn như Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Khuyến nông trực tiếp hỗ trợ chuyển giao về kỹ thuật chăn nuôi và phòng ngừa dịch bệnh.
Hiện Sở NN&PTNT đang phối hợp với các địa phương chỉ đạo các đơn vị liên quan hướng dẫn, tổng hợp, hoàn thiện thủ tục trình UBND tỉnh hỗ trợ chăn nuôi. Dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ đợt này là 407 triệu đồng (mức hỗ trợ 50% chi phí con giống - tính ở thời điểm hỗ trợ là 5.000 đồng/con (giá thời điểm thả nuôi là 10.000 đồng/con)).
Bên cạnh đó, để khuyến khích người dân mạnh dạn tham gia, UBND tỉnh có văn bản đề nghị Ngân hàng CSXH tỉnh quan tâm cho vay vốn ưu đãi (từ vốn của ngân hàng và vốn ngân sách ủy thác của địa phương) để người dân có thêm nguồn lực đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện Sở Tài chính đang phối hợp với Sở NN&PTNT và Ngân hàng CSXH tỉnh Bình Định triển khai nội dung này.
THU DỊU